Xã hội

Hòa Bình: Bảo vệ và phát triển rừng vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo

Minh Khang 21/05/2024 14:15

(TN&MT) - Hoà Bình có nhiều lợi thế để phát triển lâm nghiệp, những năm qua, để khai thác tiềm năng, nâng cao giá trị, góp phần xoá đói giảm nghèo, Hoà Bình đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất.

Tạo sinh kế cho người bảo vệ rừng

Theo báo cáo, tỉnh Hòa Bình có trên 467 nghìn ha rừng tự nhiên, trong đó, phần lớn diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh là các khu bảo tồn thiên nhiên và rừng phòng hộ, có vị trí quan trọng giữ gìn môi trường và là nguồn sinh thủy cho Thủy điện Hòa Bình. Hàng năm, tỉnh đưa vào kế hoạch bảo vệ 75.000 ha rừng tự nhiên và rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh khoảng 2.500 ha, chăm sóc rừng trồng gần 13.000 ha, trồng mới từ 7.000 - 8.000 ha rừng kinh tế.

Diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp 298 nghìn ha, chiếm 64,66%. Diện tích quy hoạch rừng sản xuất trên 149 nghìn ha, chiếm 51,70% tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp, bao gồm: rừng tự nhiên hơn 28 nghìn ha, rừng trồng trên 69 nghìn ha, đất trống gần 52 nghìn ha, độ che phủ rừng tăng hàng năm và hiện đạt trên 50%.

trong-rung(1).jpg
Giao rừng đến tận hộ tạo sinh kế cho người dân

Hòa Bình đã thực hiện việc giao đất, giao rừng đến từng hộ dân. Từ nhiều năm nay, diện tích rừng tự nhiên không có nhiều biến động, độ che phủ rừng tăng cho thấy công tác bảo vệ rừng của tỉnh đã được quan tâm, chú trọng. Để đạt được điều đó, ngoài sự nỗ lực của lực lượng kiểm lâm còn là sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong công tác bảo vệ rừng. Hiện nay, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh khá mỏng, quản lý diện tích rừng lớn, chính vì vậy, với việc giao đất, giao rừng cho các hộ, người dân trở thành "cánh tay nối dài” của lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng.

Giao rừng đến tận hộ, quy chủ rừng, thành lập các tổ quần chúng bảo vệ rừng cũng là hướng đi tại nhiều địa phương trong tỉnh nhằm bảo vệ rừng. Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), tổ tuần rừng đã hoạt động rất hiệu quả. Ngoài việc tham gia vào các buổi tuần tra cùng lực lượng kiểm lâm, các thành viên của tổ quần chúng bảo vệ rừng có trách nhiệm chủ động theo dõi, bám sát địa bàn, tham gia xây dựng các đường băng cản lửa. Hàng năm, tổ triển khai ký cam kết đến từng hộ trong bảo vệ, phòng chống cháy rừng và tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định.

Lộ trình với tầm nhìn dài hạn

Thực hiện Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành Công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2035.

Theo đó, Hoà Bình phấn đấu đến năm 2025, hàng năm, trung bình có 3.000ha rừng trồng gỗ nhỏ được chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn, 6.000ha rừng trồng mới thâm canh gỗ lớn bằng giống chất lượng cao; có 50% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Năng xuất rừng trồng tăng lên 1,3 lần, sản lượng gỗ đạt trung bình 150 m3/ha/chu kỳ gỗ lớn, giá trị thu được bình quân mỗi năm trên 1 ha đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 2,5 lần (25 triệu/ha/năm). Giá trị sản xuất lâm nghiệp đóng góp 16% vào tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản.

Định hướng đến năm 2035 có trên 90% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; trong quy hoạch rừng sản xuất diện tích đất trống còn dưới 10%; có trên 60% diện tích rừng trồng trong quy hoạch rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; tỷ trọng ngành lâm nghiệp chiếm 20% tăng trưởng ngành; độ che phủ rừng trên 50%.

Giai đoạn từ năm 2020 - 2025, Hoà Bình sẽ hỗ trợ trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng cây giống chất lượng cao và phân bón 36.000ha; chuyển hóa kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn 18.000ha; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC 31.500ha; thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư thâm canh rừng và kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn.

trong-rung.jpg
Lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nhân dân tham gia công tác bảo vệ, phát triển rừng

Giai đoạn 2026 - 2035, diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn khoảng 82.000ha; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC trên 59.000ha; tiếp tục hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư thâm canh rừng và kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn. Tổng nhu cầu vốn để thực hiện đề án khoảng 2.600 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn lồng ghép khác.

Hướng phát triển bền vững

Để thực hiện hiệu quả Đề án, thời gian tới, Hoà Bình sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chính sách tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ và nhân dân. Tổ chức bình tuyển cây đầu dòng, hỗ trợ sản xuất cây giống nuôi cấy mô; hỗ trợ giống chất lượng cao và phân bón. Hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư thâm canh rừng và kéo dài chu kỳ sản xuất, kinh doanh rừng gỗ lớn. Chuyển hóa sản xuất, kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang sản xuất, kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. Đào tạo, nâng cao năng lực cho người trồng rừng.

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào chế biến gỗ rừng trồng; thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp. Khuyến khích liên doanh liên kết, trao đổi, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng rừng, đất rừng nhằm thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ đất lâm nghiệp, tạo ra các vùng sản xuất có quy mô lớn. Xây dựng, ban hành cơ chế chính sách của tỉnh để triển khai thực hiện Đề án.

Thu hút đầu tư liên kết trồng rừng, khai thác rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp chế biến với hợp tác xã và chủ rừng; tạo vùng nguyên liệu ổn định gắn với quy hoạch chế biến gỗ. Thúc đẩy phát triển cơ sở chế biến gỗ ứng dụng công nghệ cao, sản xuất MDF, HDF, viên nén công nghiệp; sản xuất đồ mộc hướng đến xuất khẩu. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại thông qua hoạt động hội chợ triển lãm; tăng cường cải tiến về kiểu dáng và chất lượng sản phẩm tiêu thụ nội địa để cạnh tranh mạnh mẽ với hàng nhập khẩu.

4-2-140605_640.jpg
Hòa Bình phát triển rừng sản xuất gắn với phát triển cây dược liệu dưới tán rừng

Thực hiện các cam kết, hợp tác quốc tế; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chế biến, xuất khẩu lâm sản, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC); tranh thủ các nguồn viện trợ quốc tế. Đẩy mạnh trồng rừng, phát triển rừng sản xuất gắn với phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khai thác du lịch sinh thái theo quy định

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Bình: Bảo vệ và phát triển rừng vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO