Xã hội

Tiền Hải (Thái Bình): Phát triển kinh tế biển giúp người dân vươn lên thoát nghèo

Minh Anh 16/05/2024 - 11:07

(TN&MT) - Với lợi thế có 23 km bờ biển, trên 5.000 km vuông bãi bồi ven biển huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) có nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế biển. Những năm qua, nhờ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, chú trọng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ môi trường đã tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế cho địa phương, giúp người dân vươn khơi bám biển, vươn lên thoát nghèo.

Khai thác tiềm năng, lợi thế từ kinh tế biển

Phát huy lợi thế từ biển, với quyết tâm “đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại”, ngày nay, huyện Tiền Hải đang tập trung quy hoạch đầu tư, phát triển toàn diện, đồng bộ để đón những làn sóng đầu tư mới; vươn mình trở thành vùng kinh tế trọng điểm, “cánh tay phải” của Thái Bình trong hành trình chinh phục biển.

Thời gian qua, huyện Tiền Hải đã triển khai tốt các chính sách khuyến khích của Chính phủ, của tỉnh về phát triển khai thác hải sản xa bờ và hiện đại hóa đội tàu khai thác đã giúp chuyển dịch dần cơ cấu nghề khai thác, giảm áp lực khai thác đối với vùng biển ven bờ, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân. Cụ thể, trước đây, ngư dân địa phương chủ yếu đánh bắt gần bờ, từ khi được định hướng và hỗ trợ của Nhà nước, các ngư dân đã huy động vốn đầu tư tàu công suất lớn, đánh bắt vùng ngư trường xa.

Sự có mặt thường xuyên của các đội tàu, ngư dân trên các vùng biển xa không chỉ nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên biển mà còn góp phần quan trọng khẳng định chủ quyền và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển. Đến thời điểm hiện nay, toàn huyện Tiền Hải có 549 tàu đánh bắt hải sản, trong đó 142 tàu khai thác trung và xa bờ.

Bên cạnh việc tập trung hiện đại hóa đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy hải sản vẫn là thế mạnh của Tiền Hải giúp người dân ven biển phát triển kinh tế vững chắc. Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng đạt 5.142ha; sản lượng nuôi trồng đạt 69.607 tấn; sản lượng khai thác đạt 27.158 tấn. Trong đó, nuôi ngao và nuôi tôm thẻ là thế mạnh của địa phương.

nuoi-tom-cong-nghe-cao2_1567642207.jpg
Một trong những khu nuôi tôm công nghệ cao ở Tiền Hải

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết, huyện Tiền Hải xác định đưa con tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng là một trong những con nuôi chủ lực tạo sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của huyện. Trong những năm qua, các hình thức nuôi tôm bán thâm canh, bền vững môi trường; nuôi tôm thâm canh; nuôi tôm theo hình thức công nghệ cao phát triển thay thế phương pháp nuôi quảng canh vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nuôi tôm theo hướng công nghệ cao cho năng suất trung bình từ 6 - 8 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt từ 12 - 14 tấn/ha/vụ, lợi nhuận đạt từ 600 - 800 triệu đồng/ha/vụ.

trang_ngao_4_16580517062021.jpg
Người dân huyện Tiền Hải thu hoạch ngao

Cùng với nuôi tôm hiệu quả, nuôi ngao tại huyện Tiền Hải đã mang lại hiệu quả kinh tế và không thể thay thế tại các bãi triều ven biển. Hiện nay, diện tích nuôi ngao của huyện đạt trên 2.300ha ở các xã Nam Thịnh, Đông Minh, Nam Phú, Nam Cường... Thực tế từ các hộ nuôi ngao cho thấy đây là loài dễ nuôi, ít bệnh, lợi nhuận thu về cao gấp 3 - 4 lần so với vốn bỏ ra, nên các hộ dân đã đầu tư nuôi ngao. Để nuôi ngao thành công phải nắm vững kỹ thuật, trước khi thả ngao giống cần phải vệ sinh bãi triều như dọn bỏ các vỏ nhuyễn thể, san phẳng bãi; con giống nên thả giống ngao lớn sẽ nhanh thu hoạch và đỡ bị thất thoát. Bãi thả ngao có nền đất cát, bằng phẳng là thích hợp nhất cho ngao phát triển.

Nhờ nắm vững kỹ thuật nên diện tích nuôi ngao của các hộ luôn đạt hiệu quả cao, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Nhờ nuôi ngao mà nhiều người đã vươn lên có cuộc sống khá, thậm chí một số hộ thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

kinh-nghiem-ngu-leu-con-vanh-thai-binh-7.jpg
Khu du lịch biển Đồng Châu, Cồn Vành thu hút đông đảo du khách tới nghỉ dưỡng

Cùng với đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản, những năm gần đây, huyện Tiền Hải tăng cường tiềm năng du lịch biển thông qua khai thác các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, thể thao. Đó là khu du lịch biển Đồng Châu, Cồn Vành được quy hoạch đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí lớn của vùng đồng bằng sông Hồng.

Để khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch, chương trình về phát triển du lịch huyện trong từng năm, từng giai đoạn. Đến nay, ngành du lịch Tiền Hải đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch từng bước được hoàn thiện, trên địa bàn huyện. Doanh thu từ các dịch vụ du lịch toàn huyện đạt khoảng gần 100 tỷ đồng năm 2023. Nhờ đó mà đời sống người dân ngày càng khởi sắc. Theo kết quả thống kê, rà soát, Tiền Hải hiện có 71.954 hộ. Số hộ nghèo giảm còn 1.212 hộ, chiếm tỷ lệ 1,68%. Số hộ cận nghèo giảm còn 1.325 hộ, chiếm tỷ lệ 1,84%.

Phát triển bền vững kinh tế biển

Theo ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải, Đại hội Đảng bộ huyện Tiền Hải lần thứ 28, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định đầu tư xây dựng hệ thống, kết cấu hạ tầng khu vực ven biển đồng bộ, hiệu quả là khâu đột phá chiến lược và xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thu hút mạnh mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, khai thác tài nguyên biển một cách bền vững, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển.

Theo đó, để duy trì khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững, ông Phạm Ngọc Kế cho biết, thời gian tới, huyện Tiền Hải tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ tàu thuyền trong mùa mưa bão. Phát huy năng lực, hiệu quả cảng cá và khu neo đậu, đẩy mạnh phát triển đánh bắt, khai thác thủy sản với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo.

Cùng với đó, Tiền Hải cũng tập trung giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án đường bộ ven biển, các dự án trong Khu kinh tế Thái Bình; xây dựng đường số 4 nối từ cảng Trà Lý đến khu công nghiệp Tiền Hải. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong xây dựng Khu kinh tế Thái Bình.

Đặc biệt, UBND tỉnh Thái Bình đã có chủ trương mở cảng cá Cửa Lân thuộc địa phận xã Nam Thịnh sẽ góp phần đáp ứng cho 100 lượt tàu thuyền ra vào/ngày, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 12.000 tấn/năm. Việc mở cảng cá sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển của Tiền Hải vững chắc trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền Hải (Thái Bình): Phát triển kinh tế biển giúp người dân vươn lên thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO