Ksor Chol: Bảo vệ môi trường

Bài và ảnh: Vũ Đình Năm| 02/06/2017 08:32

(TN&MT) - Là nguời Jrai chịu khó làm rẫy, miệt mài học tập rồi cuối cùng, Ksor Chol (xã Ama Rơn - huyện la Pa, Gia Lai) đã có những thay đổi đáng kể trong cuộc sống. Kinh tế khá dần, ông vẫn thường xuyên vận động nhân dân làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong các buôn làng.

Mãi đến cuối năm 2012, con đường cấp phối bụi mù chạy vào buôn Bosô Bahlêng (xã Ama Rơn - huyện la Pa, Gia Lai) mới được thay bằng bê tông phẳng lỳ. Ngày khánh thành, nét mặt người dân Jrai nơi đây tỏ ra mãn nguyện và càng tin tưởng nhiều vào sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương. Cái “sướng” của công trình này là Nhà nước đầu tư vốn, nhân dân bỏ công sức và hiến đất để mặt đường được rộng hơn, thẳng, đẹp hơn. Đường thẳng, đẹp thì công tác bảo vệ môi trường được trú trọng hơn, buôn làng văn minh hơn...

ns(1).jpg

Niềm vui khi nước sạch về buôn của Ksor Chol. Ảnh: Đình Năm

Uống ly rượu mừng con đường mới, Ksor Chol khẩy tay như mãn nguyện, sâu thẳm trong câu nói vẫn hàm chứa một sự cẩn thận để mọi người hiểu: “Từ thời cha sinh mẹ đẻ đến nay, bà con trong buôn mới được đi trên con đường bê tông phẳng đẹp. Bây giờ đi bộ thấy sướng cái chân lắm, không còn sợ bị trượt ngã, giẫm gai, vấp sành... Có đường sá đi lại thuận lợi, có ruộng lúa nước, rẫy mía xanh, đàn bò béo là sẽ có nhiều nhà giàu nhanh thôi. Giàu có là mừng nhưng không có ý nghĩa gì khi môi trường sinh sống không được bảo vệ. Nay vận động được các hộ dân không nhốt trâu bò, heo, dê, gà dưới nhà sàn nữa. Rác sinh hoạt cũng được gom đốt, không xả bừa bãi như trước...”.

Ksor Chol xuất thân từ gia đình “nông chi điền” tại buôn Bosô Bahlêng nên thấu hiểu nổi khổ của người dân trong buôn, trong dòng tộc. Trước đây, con “ma” đói nghèo cứ ám mãi trong gầm nhà sàn. Ngẫm ra, “cái nghèo dai” ở đây cũng là điều dễ hiểu vì đất đai rộng nhưng cằn cỗi, thiếu nước tưới; tôn tại hàng trăm năm mà cả buôn hầu như không có ai học hết cấp II, nên cái chữ người Kinh nhét vào đầu mà khó như nhét con nai vao ống lồ ô... Với Chol thì khác, biết chí thú làm ăn, chăm chỉ học hành nên khi nước nhà hoàn toàn giải phóng (năm 1975) được bầu làm Đội trưởng sản xuất của buôn. Với sự năng động, hoạt bát của mình, ông còn đảm nhận nhiều trọng trách khác của xã, của huyện. Tuy vậy, dù ở vị trí nào, trăn trở lớn nhất với ông là buôn mình sinh ra vẫn còn nhiều hộ nghèo quá. Ông nghiền ngẫm: “Nhà nước ưu tiên quá nhiều các chương trình, chính sách về buôn nhưng vì cái thói quen sản xuất lạc hậu, chỉ đạo mãi, nói mãi mà vẫn ít có sự lay chuyển, khó làm nên đưa con gì, cây gì về cũng thất bại. Chỉ còn cách duy nhất là cầm tay chỉ việc cho từng người”.

ns1(1).jpg

Bà con vệ sinh môi trường đường ngõ bản. Ảnh. MH

Việc làm của Ksor Chol đang có sức mạnh lan tỏa rất lớn trong cộng đồng buôn, làng. Bấm đốt ngón tay, Chol nhẩm tính: Đến nay, buôn Bosô Bahlêng chỉ còn 18 hộ nghèo. Ngoài việc Nhà nước hỗ trợ để họ vươn lên, tôi vẫn tiếp tục làm “công tác xóa nghèo” bằng cách phải tự tay dắt từng con bò sinh sản về trao cho gia đình khác mượn nuôi. Rồi cái nghèo ở buôn này sẽ được xóa nhanh thôi. Kinh tế phát triển, công tác bảo vệ môi trường được quan tâm khi ý thức của người dân được nâng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ksor Chol: Bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO