Khó kiểm soát chất thải trong chăn nuôi ở Lào Cai

26/07/2017 00:00

(TN&MT) - Những năm gần đây, lượng gia súc, gia cầm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lào Cai ngày càng tăng. Đi kèm với đó là vấn đề khó kiểm soát và xử lý chất thải trong chăn nuôi. 

Hiện nay, lượng chất thải chăn nuôi chưa được xử lý thải ra môi trường tại tỉnh Lào Cai còn rất lớn.
Hiện nay, lượng chất thải chăn nuôi chưa được xử lý thải ra môi trường tại tỉnh Lào Cai còn rất lớn.

Theo báo cáo của Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Lào Cai, hiện tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn là 4.300.168 con với 58.235 hộ chăn nuôi. Trong đó, chỉ có 37.127/58.235 hộ có chuồng, trại đảm bảo. Đây là một con số rất khiêm tốn và là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất vệ sinh môi trường nông thôn và khó xử lý rác thải trong chăn nuôi.

Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Lào Cai cho biết: Trong những năm qua, Lào Cai đã quan tâm nhiều đến vấn đề xử lý môi trường trong chăn nuôi. Cụ thể, từ tháng 1/2014, tỉnh thực hiện Dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi Lào cai (do Bộ NN&PTNT thực hiện). Dự án này, có tổng ngân sách hỗ trợ 23,5 tỷ đồng và dự định sẽ làm 4.700 công trình bể khí sinh học xử lý chất thải bằng biogas. Trong đó, 2.700 công trình sẽ hỗ trợ mức giá 3 triệu/ một công trình, còn lại 1.000 công trình được hỗ trợ 5 triệu/ một công trình. Tính đến hết tháng 6/2017, toàn tỉnh đã xây dựng được 2400 công trình bể biogas. Ngoài ra, ở các địa phương còn nhiều công trình biogas do người dân tự đầu tư xây dựng. Tất cả các công trình này khi đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi của người dân gây ra, hạn chế dịch bệnh cho người và vật nuôi; tạo sản phẩm phân bón sạch và cung cấp nguồn năng lượng cho nhiều gia đình.

Đây cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường.
Đây cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù vậy, việc xử lý chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ. Theo Chi cục chăn nuôi và Thú y Lào Cai, chất thải rắn từ đàn vật nuôi thải ra môi trường ước tính vào khoảng 850 tấn /ngày đêm, chưa kể lượng nước tiểu gia súc. Như vậy với số công trình biogas hiện có thì số chất thải rắn trong chăn nuôi được xử lý qua hệ thống Biogas chỉ chiếm một phần rất nhỏ, số còn lại một phần người dân ủ phân bón cho đồng ruộng, nhưng vẫn còn lượng không nhỏ xả thẳng ra môi trường.

Dự kiến đến hết năm 2017, Dự án khí sinh học của tỉnh cũng mới hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng khoảng 700 công trình biogas nữa. Tuy nhiên, với số lượng này, chắc chắn cũng chỉ giúp xử lý thêm một phần chất thải trong chăn nuôi, trong khi số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn ngày càng gia tăng và số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư không hề giảm.

Để giải bài toán xử lý chất thải trong chăn nuôi, tỉnh Lào Cai cần đẩy mạnh quy hoạch chăn nuôi trên địa bàn, yêu cầu các địa phương quản lý cơ sở chăn nuôi chặt chẽ. Khi xây dựng trang trại chăn nuôi cần phải đủ xa khu vực đông dân cư và phải được đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng. Tiếp đến là công tác hậu xử lý chất thải trong chăn nuôi như xây bể biogas, xử lý bằng men sinh học; xử lý bằng đệm lót sinh học... Việc xử lý chất thải trong chăn nuôi nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung trên địa bàn tỉnh Lào Cai không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của tỉnh mà còn ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển bền vững của các địa phương nằm dọc theo sông Hồng.

Bích Hợp

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó kiểm soát chất thải trong chăn nuôi ở Lào Cai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO