Hợp tác quốc tế chống buôn lậu hàng hóa nguy hại môi trường

Khánh Ly| 13/03/2023 16:09

(TN&MT) - Trong thời gian triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông từ tháng 6/2018 đến nay, Hải quan Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện tốt vai trò điều phối và đã cùng các bên tham gia vận hành chiến dịch thành công. Tổng số vụ bắt giữ động thực vật hoang dã trong danh mục CITES là hơn 220 vụ, tang vật thu giữ gồm 150 tấn gỗ và hơn 1.500 sản phẩm từ động thực vật hoang dã các loại.

Thông tin do ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Hải quan xanh các khu vực Đông Nam Á”, diễn ra ngày 13/3, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Hội thảo nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật, cũng như đẩy mạnh các hoạt động hợp tác đấu tranh, phòng chống tội phạm môi trường trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.

z4178338676631_28520662f2ac0f6750c3fe5ef0cf79b6.jpg
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, hải quan là một trong những cơ quan chức năng ở tuyến đầu giúp Chính phủ trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về môi trường. Với trọng trách và vai trò trong công tác kiểm soát, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng nguy hại đến môi trường ngay tại cửa ngõ biên giới.
Thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã và đang chủ động tổ chức triển khai rất quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống buôn bán và vận chuyển trái phép các mặt hàng này. Qua đó, Hải quan Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ và triệt phá thành công nhiều đường dây, ổ nhóm, vụ việc vi phạm.

Nhằm chung tay với cộng đồng thực thi pháp luật quốc tế, Hải quan Việt Nam đã tăng cường các hoạt động hợp tác song phương, đa phương với lực lượng Hải quan và các lực lượng chức năng khác trong khu vực và trên thế giới. Điển hình là Chiến dịch Con rồng Mê Kông - sáng kiến chung của Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc với sự hỗ trợ kỹ thuật tích cực của Văn phòng tình báo khu vực (RILO AP) và Cơ quan phòng chống tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC).

anh-minh-hoa.jpg
Tăng vật trong một vụ buôn lậu 

Chiến dịch được triển khai trong toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm phối hợp đấu tranh chống buôn lậu và vận chuyển trái phép ma túy và các loài động thực vật hoang dã. Những kết quả thu được rất khả quan. “Năm 2023, cùng với các đơn vị điều phối, Hải quan Việt Nam tiếp tục triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 5” - ông Nguyễn Hùng Anh cho biết.

Bên cạnh đó, năm 2021, Hải quan Việt Nam phối hợp với Hải quan Trung Quốc, Hải quan Hồng Kông, Thái Lan phát hiện đường dây xuyên quốc gia với thủ đoạn sử dụng giấy phép tái xuất của Việt Nam để buôn bán trái phép mặt hàng gỗ trắc Dalbergia thuộc danh mục CITES vào Thái Lan, Hồng Kông và Trung Quốc. Với kết quả nổi bật của hoạt động hợp tác nêu trên, ngày 30/11/2021, Cục Điều tra chống buôn lậu – Hải quan Việt Nam, Cục Kiểm soát – Hải quan Thái Lan và Cục Chống buôn lậu – Hải quan Hoàng Phố (Trung Quốc) được lựa chọn đồng chiến thắng giải thưởng Kiểm soát môi trường Châu Á trong hạng mục Hợp tác.

Nhận định về xu hướng tội phạm môi trường hiện nay, ông Nguyễn Hùng Anh cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại quốc tế cùng xu hướng toàn cầu hoá đã kéo theo sự hình thành của các tổ chức tội phạm xuyên biên giới. Vấn đề này, đã và đang tạo ra rất nhiều thách thức cho các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn cầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong bối cảnh, các cơ quan thực thi pháp luật vừa phải đảm bảo tạo thuận lợi thương mại, đồng thời phải giữ vững mục tiêu an ninh kinh tế và an toàn cộng đồng.

z4178338658493_041030f043e0feac49dd8f5a863f137b(1).jpg
Đại diện cơ quan hải quan từ các quốc gia Đông Nam Á đã cùng trao đổi, thảo luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện Tổ chức Hải quan quốc tế, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc và cơ quan hải quan đến từ 11 quốc gia Đông Nam Á đã cùng trao đổi, chia sẻ về các thách thức, kinh nghiệm trong kiểm soát, ngăn chặn các hành bi nguy hại đến môi trường.

Trọng tâm là phòng ngừa và ngăn chặn buôn lậu động vật hoang dã, đa dạng sinh học; quản lý thương mại quốc tế về hóa chất và chất thải nguy hại theo các công ước quốc tế; nguồn lực và các công cụ hỗ trợ nhằm ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp các mặt hàng nhạy cảm về môi trường; tăng cường hợp tác các bên trong kiểm soát các mặt hàng này và hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.

Trong khuôn khổ hội thảo diễn ra từ ngày 13 – 15/3, các đại biểu cũng sẽ tham quan thực địa Hải quan Cửa khẩu Cái Lân, tỉnh Quang Ninh và thảo luận về các cơ chế hợp tác quốc tế tiềm năng cho các quốc gia Đông Nam Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác quốc tế chống buôn lậu hàng hóa nguy hại môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO