Môi trường

E-magazine: 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal

Nội dung: Khánh Ly - Trình bày: Xuân Hà 12/09/2024 - 16:53

(E- magazine) - Năm 2024 đánh dấu cột mốc tròn 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Những kết quả đạt được là nền tảng quan trọng để Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới quyết liệt hơn, toàn diện hơn và cũng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nữa.

bai-1.jpg
nen.jpg
bai-11.jpg

Nhân dịp này, TS Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT xung quanh những bước tiến của Việt Nam trong 30 năm qua.

8-9-4-.jpg
Tiến sĩ Tăng Thế Cường -
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT

PV: Thưa ông, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tích cực và chủ động trong việc quản lý, loại trừ dần các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal. Xin ông cho biết những kết quả Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua?

TS Tăng Thế Cường: Tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal từ năm 1994, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một nước thành viên. Cho đến nay, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn các chất CFC, halon, CTC và HCFC-141b nguyên chất sử dụng trong sản xuất xốp; thực hiện kiểm soát tốt các chất theo quy định của Nghị định thư Montreal. Chất Methyl bromide chỉ còn sử dụng cho mục đích khử trùng. Đối với các chất HCFC, HFC vốn phổ biến trong lĩnh vực làm mát, Việt Nam giảm dần sử dụng và loại trừ theo giai đoạn, tiến tới dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040 và loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.

Thông qua các hoạt động loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính, hằng năm đóng góp giảm phát thải hơn 7 triệu tấn CO2 tương đương. Đã đạo tạo, tập huấn được khoảng 10.000 cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, giảng viên, kỹ thuật viên.

Cùng với những hoạt động triển khai thực tiễn, ngay trong giai đoạn đầu Việt Nam đã thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật; nội dung bảo vệ tầng ô-dôn đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, đã ban hành các thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ công tác quản lý.

Mới đây, ngày 11/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát tại Quyết định số 496/QĐ-TTg, trong đó đã tích hợp các hoạt động làm mát bền vững, khuyến khích khuyến khích sử dụng các thiết bị làm mát tiết kiệm năng lượng và sử dụng các chất có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp hoặc bằng “0”.

Có thể nói, Việt Nam đã và đang tích cực cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện tốt Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, đóng góp hiệu quả trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

PV: Vậy xin ông chia sẻ những thách thức trong quá trình thực hiện Nghị định thư Montreal là gì?

TS Tăng Thế Cường: Nỗ lực của Việt Nam trong 30 năm thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal đã được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao, tuy nhiên chúng ta còn có những thách thức.

Về cơ chế, chính sách, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ tầng ô-dôn, quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát của chúng ta đã có, nhưng còn thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn và văn bản hướng dẫn kỹ thuật để triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam còn thiếu nhiều nhân lực có trình độ, kinh nghiệm không chỉ thiếu cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước mà còn thiếu những chuyên gia, kỹ thuật viên am hiểu sâu những công nghệ mới và những môi chất lạnh mới trong thực tiễn.

Về nguồn lực và công nghệ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu hụt nguồn lực tài chính để chuyển đổi công nghệ mới, công nghệ hiện đại. Chúng ta cần phát huy tốt các nguồn lực trong nước và huy động sự hỗ trợ của quốc tế hỗ trợ tài chính và công nghệ. Cần có cơ chế hỗ trợ tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động chuyển đổi công nghệ sử dụng các chất thân thiện với khí hậu, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu lượng tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính.

8-9-5-.jpg

PV: Xin ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện tốt Công ước và Nghị định thư?

TS Tăng Thế Cường: Trong thời gian qua chúng ta đã đạt được nhiều kết quả, để tiếp tục thực hiện tốt Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal trong thời gian tới, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý các chất được kiểm soát và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật. Trong đó, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm quản lý của các nước trong khu vực và thế giới về kiểm soát các chất có chứa trong sản phẩm, thiết bị, nhất là khi đã có môi chất mới thay thế thân thiện môi trường và khí hậu.

Các Bộ, ngành liên quan và các địa phương trên cả nước cần triển khai thực hiện tốt Kế hoạch quốc gia quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 496/QĐ-TTG ngày 11/6/2024 nhằm quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát theo lộ trình của Nghị định thư Montreal, phấn đấu đến năm 2045 giảm phát thải 11,2 triệu tấn CO2tđ từ hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát.

Việt Nam đã tham gia các sáng kiến về làm mát bền vững như Cam kết làm mát toàn cầu, Liên minh tăng cường hiệu quả làm mát. Do đó, chúng ta cần tích cực triển khai các hoạt động làm mát bền vững và lồng ghép các giải pháp làm mát bền vững vào công trình xây dựng, tòa nhà ở khu vực đô thị và công nghiệp; đẩy mạnh sự tham gia của khối doanh nghiệp trong lĩnh vực làm mát để đổi mới công nghệ, biện pháp quản lý sản xuất và đầu tư, kinh doanh.

Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sử dụng các chất thân thiện với khí hậu, tiết kiệm năng lượng; thúc đẩy thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal.

Tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát; tăng cường kiểm soát xuất nhập khẩu và việc sử dụng các chất được kiểm soát. Trong đó, các cơ quan quản lý xuất, nhập khẩu, quản lý thị trường và lực lượng hải quan có vai trò rất quan trọng trong kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính.

Triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn cho giảng viên tại các cơ sở đào tạo, cán bộ tại các tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên trong các ngành, nghề thuộc lĩnh vực có liên quan đến các chất được kiểm soát.

Việt Nam cũng cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để thực hiện hiệu quả các sáng kiến quốc tế, huy động sự hỗ trợ của quốc tế để thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia. Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát theo lộ trình quy định; giải pháp làm mát thụ động trong các tòa nhà để giảm phát thải khí nhà kính.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Ly (thực hiện)

bai-2.jpg

Thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn kèm theo, trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT tổ chức thực thi các quy định pháp luật về quản lý xuất nhập khẩu các chất được kiểm soát, trên cơ sở hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC được phân bổ cho các tổ chức đủ điều kiện theo quy định.

Theo Tổng cục Hải quan, các quy định pháp luật trong quản lý, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn đã được hướng dẫn đầy đủ và kịp thời. Điển hình như: Quy định về thủ tục hải quan và chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung, các chất được kiểm soát; phân loại áp mã số đối với các chất được kiểm soát tại danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam theo phiên bản năm 2022; nguyên tắc quản lý, các quy định hiện hành, quy trình dự kiến áp dụng sau khi kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; nhận biết thương hiệu, môi chất lạnh, công cụ tra cứu chất được kiểm soát phục vụ công tác quản lý và các biện pháp ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Qua đó giúp các cán bộ hải quan có thể nhận biết được những dấu hiệu gian lận, buôn lậu các chất được kiểm soát qua biên giới.

doan-can-bo-hai-quan-cac-quoc-gia-dong-nam-a-di-thuc-te-tai-cang-cai-lan-quang-ninh-trong-khuon-kho-hoat-dong-tang-cuong-hop-tac-xuyen-bien-gioi-ve-quan-ly-xuat-nhap-khau-cac-chat-hfc.jpg
Đoàn cán bộ hải quan các quốc gia Đông Nam Á đi thực tế tại Cảng Cái Lân (Quảng Ninh) trong khuôn khổ hoạt động tăng cường hợp tác xuyên biên giới về quản lý xuất, nhập khẩu các chất HFC

Bà Nguyễn Thị Kim Quế - đại diện Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, đầu năm nay, Tổng cục đã có văn bản hướng dẫn cho các đơn vị hải quan địa phương và doanh nghiệp quy định về xuất nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô dôn. Đối với trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm, thiết bị, hàng hóa có chứa các chất được kiểm soát, Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan địa phương hướng dẫn doanh nghiệp phải khai báo, ghi rõ thông tin đầy đủ về chất được kiểm soát khi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định.

Trước đó, trong hai năm 2022 và 2023, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) tổ chức 7 khóa đào tạo, tập huấn cho hơn 350 cán bộ hải quan về kiểm soát xuất nhập khẩu các chất HCFC. Qua đó, hai bên đã cùng rà soát thủ tục hải quan để phù hợp với chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung, các chất được kiểm soát. Đồng thời, kiểm soát việc khai báo, phân loại, áp mã phù hợp với thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu của người khai hải quan đối với các chất được kiểm soát tại danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam. Các cán bộ hải quan cũng được tập huấn nhận biết thương hiệu, môi chất lạnh, công cụ tra cứu chất được kiểm soát phục vụ công tác quản lý...

“Trong quá trình thực thi, Tổng cục đã phối hợp và chủ động trao đổi với đơn vị chức năng thuộc Bộ TN&MT để kịp thời giải quyết, xử lý các bất cập, vướng mắc liên quan. Đồng thời, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện quy định về thủ tục, chính sách quản lý xuất nhập khẩu đối với các chất làm suy giảm tầng ô-dôn” - bà Quế cho biết. Vướng mắc hiện nay là việc xác định sản phẩm hàng hóa có chứa chất được kiểm soát còn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp chủ động kê khai và chưa nhiều doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ về vấn đề này.

Thời gian tới, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT và các cơ quan chức năng liên quan để tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, tổ chức tập huấn, đào tạo các đơn vị hải quan địa phương và doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

bai-3.jpg
tit-phu-1.jpg

Trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng, thu nhập của người dân tăng lên cùng với nhu cầu sử dụng thiết bị lạnh và điều hòa không khí cũng tăng cao. Quy mô thị trường thiết bị trong lĩnh vực này của Việt Nam hiện đã lớn nhất trong nhóm các nước ASEAN. Điều này dẫn tới trong 3 năm trở lại đây, chúng ta đang tiêu thụ khoảng 2.600 tấn môi chất lạnh HCFC (chất gây suy giảm tầng ô-dôn) và trung bình khoảng 6.000 tấn môi chất lạnh HFC, nếu quy đổi sẽ tương đương gần 11 triệu tấn CO2.

cac-hoc-vien-thuc-hanh-sua-chua-dieu-hoa-theo-cong-nghe-ky-thuat-moi.jpg
Các học viên thực hành sửa chữa điều hòa theo công nghệ, kỹ thuật mới

Trong xu hướng phát triển mạnh về công nghệ, công nghiệp 4.0 như IoT, Bigdata, AI, iCloud, Data Centre, nhu cầu sử dụng ĐHKK sẽ còn tăng lên mạnh mẽ hơn nữa. Lý giải về điều này, PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí (Đại học Bách Khoa Hà Nội) - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lạnh và Điều hoà Không khí Việt Nam cho biết: Toàn bộ nền công nghiệp 4.0 đều liên quan đến công nghiệp điện tử và ứng dụng trên nền tảng công nghiệp điện tử bán dẫn là công nghệ thông tin. Có thể hình dung, một chiếc máy tính có tốc độ xử lý nhanh, dung lượng lưu trữ thông tin lớn thì càng nóng và tỏa nhiệt ra môi trường. Muốn hoạt động ổn định, máy phải được đặt tại nơi có điều hòa nhiệt độ chạy 24/24 giờ để duy trì nhiệt độ phòng và làm mát. Đó là chưa kể những hệ thống trung tâm dữ liệu khổng lồ, cần tới cả một hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng không khí sạch; hay hệ thống làm lạnh và công nghệ tòa nhà thông minh...

Bên cạnh đó, nhu cầu làm lạnh trong các ngành dược phẩm, thưc phẩm, giao thông vận tải... cũng tăng nhanh theo nhu cầu xã hội. Thống kê hiện nay, ngành lạnh tiêu hao khoảng 16% - 20% tổng lượng điện tiêu hao chung trên thế giới và đến năm 2030 có thể lên đến 30%. Trong bối cảnh phần lớn nguồn điện đến từ năng lượng hóa thạch, thách thức đặt ra là cần làm sao cân bằng giữa nhu cầu làm mát chính đáng của con người mà vẫn đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, làm mát Trái đất như cam kết Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã đặt ra.

document10.jpg
Các tòa nhà hiện nay đều có hệ thống điều hòa lớn và sử dụng nhiều môi chất lạnh

Nếu không có những giải pháp toàn diện và quyết liệt như thực thi Nghị định 06/2002/NĐ-CP và Thông tư 01/2022/TT-BTNMT, Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát, như một lẽ dĩ nhiên, nhu cầu tiêu dùng thiết bị lạnh và ĐHKK và lượng sử dụng môi chất lạnh quy đổi về CO2 sẽ tăng lên theo cấp số nhân.

tit-phu-2.jpg

Tại COP 28, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tham gia sáng kiến làm mát toàn cầu - Globle Cooling Pledge, với mục tiêu tới 2050 sẽ giảm 68% phát thải khí nhà kính quy đổi tương đương về CO2 trong lĩnh vực này. Thách thức lớn, nhưng đây cũng là cơ hội để huy động cộng đồng xã hội, hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trước mắt là triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong Kế hoạch quốc gia. Những thành quả sau 30 năm tham gia Nghị định Montreal sẽ là nền tảng cho công cuộc giảm phát thải.

8-9-2-.jpg
Đào tạo về thu hồi môi chất lạnh trong hoạt động lắp đặt, vận hành, sữa chữa, bảo dưỡng thiết bị

Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, có lẽ đây là lĩnh vực đầu tiên có một kế hoạch cụ thể có tính khả thi để bảo vệ tầng ô-dôn và hướng tới việc giảm phát thải khí nhà kính. Kế hoạch tuân thủ theo lộ trình thực hiện Bản sửa đổi Kigali thuộc Nghị định thư Montreal mà Việt Nam phê chuẩn tham gia năm 2019, lượng sử dụng các chất HFC phải giảm theo lộ trình thời gian bắt đầu từ năm 2024 cho đến năm 2045.

Rào cản lớn nhất vẫn là thiếu lực lượng cán bộ kỹ thuật được đào tạo tốt, được trang bị kiến thức về thu hồi môi chất lạnh trong hoạt động lắp đặt, vận hành, sữa chữa, bảo dưỡng thiết bị. Trong 2 năm qua, khoảng 100 khóa tập huấn đã được triển khai tới gần. 3000 cán bộ kỹ thuật, 15 khóa tập huấn cho khoảng 300 - 400 giảng viên các trường cao đẳng nghề về các kỹ năng thực hành thu hồi môi chất, lắp đặt tốt thiết bị. Tuy vậy, số lượng vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

“Thời gian tới, chúng tôi hy vọng tiếp tục sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa nhằm phát huy hiệu quả mô hình hợp tác 3 bên: Cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục đại học, các Hội ngành nghề; có nhiều cơ hội trao đổi, chia sẻ nâng cao nhận thức, kỹ năng tay nghề cho hàng trăm nghìn cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực Lạnh & ĐHKK trên toàn quốc” - PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, những cơ sở kinh doanh hội nhập thị trường quốc tế luôn sẵn sàng thực hiện việc chuyển đổi sử dụng các loại môi chất lạnh thân thiện với môi trường. Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, ngành thủy sản là ngành đặc thù, sử dụng công nghệ máy nén và lượng môi chất lạnh rất lớn phục vụ cho mục đích đông lạnh, bảo quản sản phẩm qua các công đoạn từ khi đánh bắt, chế biến tới tiêu thụ trên thị trường.

Nhiều năm qua, các thành viên hội đã chủ động tiếp cận các công nghệ đông lạnh tiên tiến nhất. Động lực lớn đến từ yêu cầu của các thị trường xuất khẩu giá trị cao, với những tiêu chuẩn phát triển bền vững ngày càng cao. Hơn ai hết, ngành thủy sản hội nhập sớm và ý thức rất rõ đây là việc cần phải làm để cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác có nguồn cung ứng thủy sản dồi dào. Bên cạnh đó, động lực đến từ chính nhận thức của doanh nghiệp, làm sao để tối ưu hóa, giảm chi phí vận hành, trong đó có giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải từ khâu đông lạnh.

Với dư địa giảm phát thải lớn, đây cũng là lĩnh vực tiềm năng để các doanh nghiệp có thể tạo tín chỉ và tham gia thị trường giao dịch tín chỉ các-bon trong thời gian tới.

Nội dung: Khánh Ly

Trình bày: Xuân Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
E-magazine: 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO