Hà Tĩnh: Xã chuẩn nông thôn mới nhưng người dân vẫn thiếu nước sạch

15/08/2019 10:09

(TN&MT) - Trong tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới (NTM), tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch (theo quy chuẩn 02:2009/của Bộ y tế) ít nhất phải trên 60% mới đạt chuẩn. Đặt ra là vậy, nhưng nhiều địa phương tại Hà Tĩnh khi bắt tay vào thực hiện thừa nhận rất khó để đạt được tiêu chí này.

Liệu có ép sạch…?

Những năm qua, từ việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân Hà Tĩnh đã được được đầu tư xây dựng và  mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhờ vậy, một số địa phương có công trình cấp nước tập trung, bảo đảm đủ nước sinh hoạt và chất lượng nước cho người dân sử dụng.

Xã đạt chuẩn NTM nhưng hàng trăm hộ dân xã Đức Lạng vẫn phải dùng nước không hợp vệ sinh sử dụng sinh hoạt
Xã đạt chuẩn NTM nhưng hàng trăm hộ dân xã Đức Lạng vẫn phải dùng nước không hợp vệ sinh sử dụng sinh hoạt

Vậy nhưng, để giải quyết khâu nước sạch đối với những địa phương không có công trình cấp nước tập trung, đặc biệt các xã xây dựng NTM thì đây là “bài toán” vô cùng nan giải. Thực tiễn tại Hà Tĩnh cho thấy, giải pháp sử dụng nguồn nước không tập trung như mua máy lọc nước, xây bể đựng nước mưa để làm cơ sở đánh giá đảm bảo tiêu chí nước sạch trong xây dựng NTM thực sự chưa làm thay đổi được cuộc sống người dân từ phong trào này.

Phản ánh của người dân cho thấy, các công trình cấp nước sinh hoạt không tập trung này đa phần chỉ đáp ứng về nước hợp vệ sinh, còn tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch rất thấp và không mang tính bền vững. Có thể kể đến một số xã như Đức Thanh, Đức Lạng, Đức Thủy, Đức Lâm, Thạch Đỉnh, Thạch Bàn… và rất nhiều địa phương khác.

Công trình nước sạch hàng tỷ đồng mới chỉ đưa vào sử dụng trên báo cáo nhưng người dân hưởng lợi thì chưa thấy đâu
Công trình nước sạch hàng tỷ đồng mới chỉ đưa vào sử dụng trên báo cáo nhưng người dân hưởng lợi thì chưa thấy đâu

Xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà được giao phấn đấu về đích NTM trong tháng 8/2019, nhưng đến nay riêng tiêu chí môi trường (nước sạch) chưa biết sẽ xử lý như thế nào. Theo báo cáo của chính quyền địa phương thì rất khó để thực hiện theo bộ tiêu chí đưa ra, bởi nước sạch là vấn đề nan giải của gần như 100% người dân trên địa bàn từ xưa đến nay, chứ không riêng gì đến khi xây dựng NTM mới bắt tay vào cuộc.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà chia sẻ: Địa phương có hơn 3.500 nhân khẩu thuộc hơn 952 hộ thì  ¾ trong số đó thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nước giếng khoan bị ô nhiễm không thể sử dụng, để có nước dùng qua ngày phần lớn người dân tự vận động như đi mua về dùng, những hộ gia đình có điều kiện hơn thì mua máy về lọc nước mưa nhưng cũng phải sử dụng hết sức chắt bóp. Tuy nhiên, lời giải này lại trở nên nan giải cho hơn 7,6% hộ nghèo trên địa bàn hiện nay”.

Để địa phương về đích NTM đúng hẹn, ông Hồng đưa ra giải pháp: “Các công trình cấp nước tập trung thì địa phương đã tính đến nhưng chưa thể giải quyết trong nay mai. Trước mắt, chúng tôi đang vận động người dân mua máy lọc nước nhưng thực tế thì cách làm này cũng không làm thay đổi được cuộc sống người dân nơi đây, không mang tính bền vững”.

Người dân vùng xây dựng NTM đang khan hiếm nước sinh hoạt
Người dân vùng xây dựng NTM đang khan hiếm nước sinh hoạt

Nỗi lo nước uống còn dai dẳng thì cái ăn cũng đang là gánh nặng với chính quyền, người dân xã Thạch Đỉnh. Được biết, nguồn thu nhập chính là sản xuất nông nghiệp, với hơn 99% hộ dân tham gia sản xuất lúa nhưng vụ hè thu năm nay thì toàn bộ diện tích 120 héc ta ruộng lúa của người dân không thể sản xuất do hạn hán.

Tương tự xã Thạch Đỉnh, rất nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đang lâm vào tình cảnh dở khóc, dở cười khi bị đặt ra lịch trình về đích NTM trong điều kiện chưa cho phép. Để về đích đúng hẹn, hầu hết những xã gặp khó đều phải chọn giải pháp trên, khiến người dân chưa thực sự hài lòng với điều kiện không mang tính bền vững từ một phong trào đang lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội hiện nay.

Thiếu nước sạch sau khi xã về đích NTM

Nhằm phấn đấu đảm bảo đạt 18/18 tiêu chí, đưa xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ về đích NTM vào năm 2015, chính quyền địa phương đã trích ngân sách hàng trăm triệu đồng phục hồi nhà máy nước sạch có vốn đầu tư 5,6 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nằm đắp chiếu từ năm 2009. Như kỳ vọng, nếu nhà máy tái khởi động thì có ít nhất 100 hộ dân đang phải dùng nước mưa, nước giếng bị nhiễm xăng dầu, nhiễm phèn để sinh hoạt sẽ có nước sạch sử dụng.

Và cũng theo kết quả báo cáo, năm 2015, xã Đức Lạng được tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt chuẩn NTM. Để đạt được kết quả trên, tổng số tiêu chí xã tổ chức đánh giá đạt chuẩn NTM theo quy định là 18/18 (đạt 100%), trong đó tiêu chí số 17 - tiêu chí Môi trường kết quả thực hiện được báo cáo 100% số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh (tổng số 900 hộ)…?.

Trăn trở của lãnh đạo xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà khi thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM
Trăn trở của lãnh đạo xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà khi thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM

Chia sẻ của cán bộ địa phương, thời điểm xã “nước rút” để về đích NTM, công trình nước sạch được Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh nông thôn Hà Tĩnh kiểm tra đảm bảo, là tiêu chí được xem xét khá nặng nề nhưng được đánh giá đạt yêu cầu.

Điều mà người dân xã Đức Lạng kỳ vọng vào một chủ trương đúng đắn, chờ đợi khi phát động phong trào xây dựng NTM đó là làm thay đổi cuộc sống, bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ nói riêng về nhà máy nước sạch có vận hành trở lại hay chưa nhưng sau khi đầu tư khắc phục, từ khi xã về đích NTM thì chưa một hộ dân nào được sử dụng nước sạch từ công trình này và đến nay nhà máy tiếp tục hư hỏng nên dừng hoạt động.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ cho biết: Thực trạng nguồn nước tại địa phương đúng như người dân phản ánh. Rất nhiều hộ dân đang phải dùng nước nhiễm phèn, nhiễm xăng dầu để sinh hoạt nhưng hiện tại vẫn chưa có phương án khắc phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Xã chuẩn nông thôn mới nhưng người dân vẫn thiếu nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO