Xã hội

Quảng Ninh: Đưa nước sạch lên vùng cao giúp đồng bào nâng cao đời sống

Phạm Hoạch 21/06/2024 - 23:27

(TN&MT) - Với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đạt 95- 98%, đến năm 2030 phấn đấu đạt 100%. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để đưa nươc sạch đến với người dân, nhất là đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa được dùng nguồn nước đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt, phục vụ sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Là thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Ninh, nhưng một số khu vực nằm trên địa bàn TP.Hạ Long, nhất là xã vùng cao người dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch. Với mục tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch, TP.Hạ Long đang tích cực triển khai việc đưa nguồn nước đến với bà con ở các xã vùng cao thiếu nước vào mùa khô.

anh-bc-01.jpg
Người dân xã Tân Dân, TP.Hạ Long sử dụng nước từ khe suối để dùng trong sinh hoạt và sản xuất

Qua đánh giá khảo sát của Thành phố cũng như Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, tỷ lệ dùng nước sạch còn thấp tập trung ở 12 xã vùng nông thôn, miền núi, nơi người dân gặp những khó khăn trong tiếp cận với các dịch vụ nước sạch.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân, TP.Hạ Long chia sẻ: Hiện tỷ lệ người dân trong xã cũng như các xã xung quanh sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung còn thấp, chủ yếu bà con lấy nước trực tiếp từ các khe, suối để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, cũng như sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Tuy nhiên, nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh để sử dụng sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Nhằm giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân tại các xã vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS tại các xã vùng cao, giao thông đi lại khó khăn như Đồng Sơn, Kỳ Thượng, TP.Hạ Long đã xây dựng phương án đầu tư hệ thống đập dâng, bể chứa, hệ thống ống dẫn nước được triển khai từ quý III/2024 với tổng mức đầu tư hơn 220 tỷ đồng.

Trong đó, các xã vùng thấp sẽ thực hiện đấu nối, đầu tư xây dựng mạng lưới tuyến ống phân phối, tuyến ống dẫn nước và các trạm bơm tăng áp, các bể chứa điều áp nối trực tiếp từ các nhà máy nước Đồng Ho và Hoành Bồ với tổng mức đầu tư hơn 174 tỷ đồng. Còn tại các xã vùng cao gồm Đồng Sơn và Kỳ Thượng sẽ đầu tư xây dựng mới hệ thống cấp nước sạch tập trung đủ về lưu lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất với công suất từ 300- 500m3/ngày, đêm.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long cho biết: Với sự đầu tư bài bản, kịp thời, các công trình cấp nước mới khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cho việc cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh, đáp ứng như cầu sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất, đảm bảo sức khỏe, nâng cao đời sống của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở những xã vùng cao không còn lo thiếu nước vào mùa khô.

Nhằm nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch vùng nông thôn, nhất là tại các xã vùng cao tại các huyện miền núi, hải đảo, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai phương án cấp nước sạch cho địa bàn xa trung tâm, xã đồng bào DTTS, miền núi, xã vùng cao, đảm bảo mục tiêu nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt trên 80%.

Trong năm 2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Để triển khai Đề án, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch huy động mọi nguồn lực, huy động trên 4.300 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, công trình đảm bảo an ninh nguồn nước của tỉnh. Trong đó, đến năm 2025 sẽ sửa chữa, nâng cấp 39 hồ chứa, 36 đập dâng, 6 trạm bơm, cải tạo hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước đảm bảo đồng bộ, phù hợp với kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên khu vực. Giai đoạn 2026- 2030 sửa chữa, nâng cấp 25 hồ chứa, 20 đập dâng, 47 trạm bơm.

anh-bc-02.jpg
Đồng bào dân tộc xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ chuyển đổi từ cây keo sang trồng quế cho giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống

Huyện miền núi Ba Chẽ thường xảy ra thiếu nước vào mùa khô, nhất là tại các xã vùng cao, nằm cách xa trung tâm huyện, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của đồng bào DTTS ở địa phương. Hơn nữa, do địa phương có địa hình đồi núi chia cắt phức tạp, người dân chủ yếu là đồng bào DTTS, dân cư sống thưa thớt. Trên địa bàn huyện hiện có 29 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại khu vực nông thôn, song một số công trình đang bị hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng đến việc cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của bà con ở địa phương.

Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ cho biết: Để khắc phục tình trạng này, đầu năm 2023, huyện Ba Chẽ đã khởi công xây dựng hồ chứa nước Khe Tâm ở xã Nam Sơn với dung tích 1,2 triệu m3, tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ. Mới đây, hồ chứa nước Khe Tâm được đưa vào hoạt động đã đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn 2 xã Đồn Đạc, Nam Sơn và bổ sung cho trạm cấp nước sinh hoạt thị trấn Ba Chẽ.

Ông Triệu Cắm Thành, ở thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ chia sẻ: Từ khi hồ chứa nước Khe Tâm đi vào hoạt động đã mang nước sạch đến cho nhiều hộ trong xã, người dân chúng tôi không còn lo thiếu nước để sinh hoạt, có nước, gia đình tôi mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn kết hợp chăn nuôi gà, vịt giúp cho cuộc sống được no đủ hơn trước.

Nhằm triển khai Đề án nước sạch đạt hiệu quả, cũng như nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch đối với người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, tỉnh Quảng Ninh cần đẩy mạnh việc tuyên truyền lợi ích của việc dùng nước sạch trong sinh hoạt, qua đó nhằm cải thiện điều kiện sống và sức khỏe của người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược tăng trưởng và thoát nghèo bền vững của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Đưa nước sạch lên vùng cao giúp đồng bào nâng cao đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO