Nhận định về tình hình thiên tai trong thời gian tới, thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ chỉ rõ, thời gian ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới trong năm nay ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội tập trung chủ yếu vào các tháng 7, 8 và 9.
Năm 2019, mùa mưa có khả năng xuất hiện 6-8 đợt mưa vừa, mưa to diện rộng, tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10, với tổng lượng mưa 1.300-1.600mm. Mùa hè có khả năng xuất hiện 6-8 đợt nắng nóng (từ 2 ngày trở lên), trong đó có 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến ở mức 38-40 độ C. Khu vực nội thành 39-41 độ C kèm với hiệu ứng đô thị, nhiệt độ ngoài trời có thể đạt khoảng 50 độ C; thời gian xuất hiện các đợt nắng nóng tập trung từ tháng 5 đến tháng 7.
Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, năm 2018, do diễn biến thiên tai, sự cố phức tạp đã gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Cụ thể, thiên tai đã làm 3 người chết, 2 người bị thương; hơn 3.000 hộ dân bị úng ngập nhà cửa, hơn 7.000ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, hơn 12.000 gia súc, gia cầm bị chết, gần 2.000ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Ngoài ra, toàn thành phố cũng đã xảy ra 10 vụ cháy rừng với diện tích 5ha, 805 vụ cháy, nổ làm 10 người chết, 23 người bị thương.
Có thể thấy, một số địa phương, đơn vị còn tư tưởng chủ quan trong xây dựng phương án phòng, chống thiên tai chưa cụ thể, sát thực tế, nhất là ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ rừng ngang, sạt lở đất. Nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng xâm hại công trình đê điều, thủy lợi nhưng chưa xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết, triệt để. Bên cạnh đó, việc thực hiện Quy hoạch lưu vực sông Đáy vẫn chưa được triển khai khiến một số huyện như Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất, Quốc Oai… còn gặp bất lợi khi xảy ra mưa lớn, lũ rừng ngang đổ về.
Do vậy, để phòng, chống thiên tai hiệu quả khi mùa mưa bão sắp đến, giảm nhẹ thiên tai do thiên tai gây ra, các đơn vị, địa phương không được chủ quan trong xây dựng phương án phòng, chống thiên tai; cần kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Để thực hiện, các cấp, ngành, địa phương và các sở cần rà soát lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị, quận, huyện và thị xã.
Cùng với đó, các sở, ngành thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó… cụ thể, chi tiết, sát với thực tế. Tập trung chỉ đạo, tổ chức chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm, kịp thời triển khai phương án khi có tình huống xảy ra. Chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc lĩnh vực ngành quản lý và kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
UBND các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo về lực lượng, vật tư cả về chủng loại, số lượng, chất lượng, có địa chỉ cụ thể, phương án điều động… để thực hiện các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng tuần tra canh gác và xung kích tập trung; kiểm tra thường xuyên đê điều, hồ đập, các công trình phòng, chống thiên tai; phát hiện, xử lý, báo cáo kịp thời mọi sự cố bất lợi xảy ra trên địa bàn quản lý ngay từ khi mới phát sinh; xây dựng mô hình điểm và triển khai nhân rộng các tổ, đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nận từng thôn, xã với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai ngay từ đầu giờ.