Đường quê thay "áo mới"

Bài và ảnh: Hằng Thúy| 07/01/2020 16:07

(TN&MT) - Bằng sự đầu tư của Nhà nước và các nguồn vốn khác, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) làm mới cầu Bến Bụt, xã Yên Lãng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và đi lại của nhân dân.

Xuân này lên Mang Thượng, Liên Minh... xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, nghe tiếng thì thầm của suối Cọ, suối Sài, tiếng lao xao của cỏ cây hòa quyện cùng tiếng hát Ví, hát Giang, lòng tôi thấy nao nao, vui cùng niềm vui của bà con nơi đây.
Niềm vui ấy được nhân đôi khi những hạt lúa căng tròn rủ nhau vào bồ, những đon ngô nếp lủng lẳng phơi ngoài hiên thơm mùi “no ấm” và đặc biệt gần 2km đường từ trung tâm xã Thu Ngạc và khu Mang Thượng hoàn thành các công đoạn mở rộng nền đường, lu lèn, rải đá dăm.

1(4).jpg
Bằng sự đầu tư của Nhà nước và các nguồn vốn khác, huyện Thanh Sơn làm mới cầu Bến Bụt, xã Yên Lãng

Chỉ tay về phía khúc cua “tay áo”, phía bên trên là khoảng rừng cây nguyên liệu keo lá tràm, tai tượng 2, 3 năm tuổi, ông Hoàng Trọng Linh - Trưởng khu Mang Thượng nói: “Nếu không có nhà anh chị Nhung hiến 6.000m2 đất rừng sản xuất có cả cây nguyên liệu để làm đường thì đến nay chưa chắc đã xong, bởi chỗ này trên là rừng, dưới là hủm sâu, nên phải lấy chỗ cao, cào chỗ thấp mới thành đường. Anh Hà Văn Nhung nói như giãi bày: “Nhà mình góp thêm ít công, ít của, miễn sao đường được mở cho bà con dân bản là vui rồi...”.
Dẫu biết rằng đất là vàng thế nhưng nhiều hộ dân ở khu Mang Thượng chẳng mảy may tiếc khi hiến đất, làm đường. Rồi mai đây, công đoạn đổ bê tông sẽ được nhà thầu thực hiện đúng tiến độ. Niềm vui sắp có đường mới khang trang, dài rộng hơn đã hiện rõ trên khuôn mặt của người dân nơi đây...

2(5).jpg
Hộ ông Hà Văn Nhung, khu Mang Thượng, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn hiến 6.000m2 đất và cây nguyên liệu trên đất để làm đường

Xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, nơi có gần 100% đồng bào Dao sinh sống. Trước đây đời sống của bà con rất nghèo, thu nhập chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp và phát nương làm rẫy, giờ khu Đù đã đổi thay, đường trục chính được bê tông hóa, hai bên đường trồng hoa, nhà ở của người dân khang trang, sạch đẹp. Đến nay, hạ tầng kinh tế - xã hội của xã Xuân Thủy đã có những thay đổi rõ rệt, đời sống của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm. Đường giao thông liên xã, thôn, xóm, nội đồng cùng hệ thống thủy lợi cơ bản được cứng hóa đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân trong xã. Xác định hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Yên Lập đã tập trung đầu tư phát triển mạng lưới giao thông, đặc biệt là các tuyến đường liên thôn, liên xã. Trong hơn 2 năm qua, huyện đã làm mới gần 82km đường giao thông nông thôn, xây mới 9 cầu với tổng số tiền gần 342 tỷ đồng. Nhờ đó, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện tương đối đồng bộ, tỷ lệ giao thông nông thôn được cứng hóa đạt trên 33% và 43% kênh mương nội đồng được cứng hóa, đảm bảo tưới, tiêu cho trên 90% diện tích đất nông nghiệp.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được nâng cấp, phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng và quy hoạch sử dụng đất. Mạng lưới giao thông nông thôn không ngừng được mở rộng đã thúc đẩy KT - XH phát triển, khơi dậy tiềm năng của các vùng trước đây còn nhiều khó khăn như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập... Kết quả đó khẳng định sự đồng thuận từ các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có trên 11.334km đường giao thông nông thôn, trong đó, đã kiên cố hóa được gần 7 nghìn km, đạt 62% phục vụ cho việc đi lại hằng ngày và làm ăn, sinh sống của người dân. Trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh sẽ làm mới gần 2 nghìn km đường giao thông nông thôn, trong đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng, cát, đá, sỏi với tổng kinh phí gần 4 nghìn 200 tỷ đồng, còn lại huy động từ các nguồn đóng góp khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường quê thay "áo mới"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO