Câu chuyện môi trường

Cẩm Lệ (Đà Nẵng): Xây dựng khu dân cư thân thiện môi trường

Lan Anh 05/12/2024 - 09:28

(TN&MT) - Mô hình “Khu dân cư thân thiện môi trường” được triển khai tại 2 phường Hòa Phát và Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) đang ngày càng phát huy hiệu quả với việc phân loại và xử lý rác thải tại mỗi hộ gia đình. Qua đó, đã giảm thiểu đáng kể lượng rác thải ra môi trường, góp phần chung tay xây dựng Đà Nẵng thành phố môi trường.

Giảm thiểu rác thực phẩm

Nhiều tháng nay, người dân tổ 24 phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) tham gia thực hiện mô hình phân loại xử lý rác tại hộ gia đình bằng men vi sinh. Ông Ngô Văn Đoàn là một trong 25 hộ dân ở tổ phường Hòa Thọ Tây được chọn để hỗ trợ thực hiện xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ.

camle1.jpg
Người dân Cẩm Lệ được cán bộ của CAB hỗ trợ làm men để ủ rác thực phẩm tại hộ gia đình

Ông Đoàn cho biết, tất cả rau, củ quả và thức ăn thừa không sử dụng nữa được gia đình mang đi ủ. Cách ủ khá đơn giản, chỉ cần làm men vi sinh từ đường, nước và cám, men trộn đều để sau 1 đêm. Từ men ủ này, cứ một lớp rau, củ, quả, ông lại rải một lớp men bột khô vừa và cứ thế lần lượt cho đến khi hết. Sau 3 ngày lên men, ông lọc phần nước ra tưới cây, phần xác chôn lấp trong đất để tự phân hủy. Nhờ thế mà gia đình ông được sử dụng thực phẩm an toàn lại góp phần bảo vệ môi trường.

“Tôi thấy việc thực hiện phân loại rác thải này rất thiết thực, vừa giảm lượng rác đưa lên bãi rác xử lý vừa có thể bón phân cho cây. Loại phân hữu cơ này hỗ trợ cải tạo đất, kích thích quá trình ra hoa, đậu quả, không gây ô nhiễm môi trường khi phân hóa học không thể làm được”- ông Đoàn chia sẻ.

Cũng giống như ông Đoàn nhiều tháng nay chị Lương Thị Hạnh (tổ 33, phường Hòa Thọ Tây) cũng tận dụng các loại rác thải từ rau, củ, quả, vỏ trứng, thức ăn thừa… làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Chị Hạnh cho biết, nếu trước đây, những loại rác thực phẩm ăn uống hằng ngày được chị gom chung với các loại rác khác dồn lại bỏ thùng rác khiến lượng rác mỗi ngày rất lớn thì nay đã được xử lý thành phân bón, lượng rác giảm hẳn.

camle3.jpg
Rác thực phẩm được ủ thành công đã cho ra nước tưới cây vừa an toàn vừa giúp cây phát triển tốt

“Gia đình tôi rất đông người, lượng rác thải mỗi ngày rất nhiều. Tuy nhiên từ ngày thực hiện mô mình xử lý rác thải hữu cơ bằng men, lượng rác thải ra môi trường giảm đáng kể. Nếu trước kia 2 ngày tôi phải đổ rác 1 lần nhưng từ khi ủ rác thực phẩm 1 tuần nhà tôi cũng chưa có rác để đổ”- chị Hạnh chia sẻ.

Sẽ tiếp tục nhân rộng

Theo Phòng TN&MT quận Cẩm Lệ, thực hiện Kế hoạch số 2040/KH-UBND ngày 26/8/2024 của UBND quận Cẩm Lệ về việc triển khai Mô hình Khu dân cư thân thiện môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xử lý chất thải thực phẩm tại phường Hòa Thọ Tây và Hòa Phát, địa phương đã chọn 41 hộ thực hiện thí điểm xử lý rác thực phẩm bằng men.

Trước khi triển khai mô hình, Phòng TN&MT quận Cẩm Lệ phối hợp với Trung tâm nghiên cứu xây dựng năng lực thích ứng (CAB) thuộc Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật TP. Đà Nẵng tổ chức tập huấn phân loại rác tại nguồn, hướng dẫn làm men vi sinh và xử lý rác thực phẩm cho người dân phường Hòa Phát và phường Hòa Thọ Tây. Đồng thời, bàn giao trang thiết bị phân loại rác thải cho các khu dân cư 2 phường nói trên. Trong quá trình thực hiện, đại diện các phường, khu dân cư, Tổ dân phố thường xuyên theo dõi để có hướng dẫn kịp thời và khích lệ bà con.

Đến nay có 28 hộ đã thực hiện ủ rác thực phẩm. Qua đó, lượng rác thải sinh hoạt tại khu vực này đã giảm đáng kể khoảng 50% lượng rác phải mang lên bãi rác Khánh Sơn để chôn lấp.

camle2.jpg
Từ khi thực hiện ủ rác thực phẩm, người dân đã được sử dụng thực phẩm an toàn lại góp phần bảo vệ môi trường.

Theo ông Đinh Phạm Công Anh Tuân – Phó phòng TN&MT quận Cẩm Lệ, thời gian vừa qua, mô hình “Khu dân cư thân thiện môi trường” đã được triển khai tại 2 phường (tổ 33 phường Hòa Phát; tổ 23, 24,34 và 35 phường Hòa Thọ Tây). Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Ông Tuân cho rằng, lâu nay nhiều người vẫn nghĩ ủ rác thực phẩm là chuyện nhỏ nhưng thực tế rác thải thực phẩm chiếm khối lượng lớn trong rác thải sinh hoạt và tạo áp lực lớn đối với kinh tế - xã hội. Thực tế thời gian qua, bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng) đã phải nhiều lần mở thêm các hộc rác để đáp ứng việc chôn lấp, xử lý rác thải của thành phố. Với việc thực hiện mô hình “Khu dân cư thân thiện môi trường” đã từng bước làm thay đổi ý thức, cách làm của người dân về việc tham gia bảo vệ môi trường, lượng rác đưa lên bãi rác Khánh Sơn xử lý cũng đã giảm đáng kể.

“Từ những lợi ích thiết thực trên, bằng nguồn lực của địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đây là ngân sách nhà nước nên chúng ta càng phải thực hiện hiệu quả bằng cách xét chọn các gia đình tham gia mô hình phải thực hiện kỹ càng, hộ nào không thực hiện được thì phải chuyển cho hộ khác, đảm bảo tính hiệu quả của mô hình.

Duy trì và phát triển mô hình sẽ tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường”- ông Tuân cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩm Lệ (Đà Nẵng): Xây dựng khu dân cư thân thiện môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO