Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Đơn giản tối đa thủ tục hành chính
(TN&MT) - Bên cạnh việc kế thừa những chính sách của Luật Khoáng sản hiện hành và bổ sung một số nội dung khác, Bộ TN&MT đã làm rõ các nội dung về phân công, phân cấp, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó, rà soát, đơn giản tối đa các nội dung liên quan TTHC.
Dự thảo Luật đã kế thừa những chính sách, quy định của Luật Khoáng sản hiện hành đang được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, gồm các nội dung: Chính sách của Nhà nước về địa chất và khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thăm dò, khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản; công cụ kinh tế, tài chính trong hoạt động khoáng sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản.
Đồng thời, đã sửa đổi một số chính sách, quy định để tháo gỡ bất cập, vướng mắc liên quan đến quyền của tổ chức, cá nhân được tuyển chọn tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; TTHC, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật đã quy định rõ các nội dung về phân công, phân cấp và cải cách TTHC. Đối với phân công quản lý thống nhất về quy hoạch khoáng sản, theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, “Tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; được quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả”.
Hiện nội dung phân công lập quy hoạch theo Luật Khoáng sản năm 2010 đang giao cho 3 Bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng) lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT đề xuất gộp 3 Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thành 2 Quy hoạch: Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I; Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II, đồng thời giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chế biến, kinh doanh, xuất khẩu khoáng sản theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ phân công.
Về phân cấp quản lý, Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cơ quan cấp dưới kèm theo việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là ở cấp trực tiếp thực hiện.
Công tác cải cách TTHC trong thủ tục cấp phép cũng được quy định trong Dự thảo Luật.
Cụ thể, tiếp tục duy trì việc phân cấp quản lý nhà nước về khoáng sản như Luật Khoáng sản hiện hành, theo đó, UBND cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm III, IV; giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nhóm I, II và III; giấy phép khai thác khoáng sản nhóm I và II tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ TN&MT khoanh định và công bố.
Ngoài ra, bổ sung việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh đối với các nội dung: Phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương; quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Về cải cách TTHC, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có 23 thủ tục. Trong số này, 18 thủ tục được kế thừa từ hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản hiện hành, 5 thủ tục mới (bao gồm điều chỉnh giấy phép thăm dò; cấp lại giấy phép thăm dò; điều chỉnh giấy phép khai thác; cấp lại giấy phép khai thác; điều chỉnh đề án đóng cửa mỏ) nhằm giải quyết các yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý và để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản.
Theo Bộ TN&MT, các TTHC đã được rà soát, đơn giản tối đa trình tự, thủ tục giải quyết. Ví dụ, đối với khoáng sản nhóm IV, thay vì phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác thì chỉ cần thực hiện đăng ký khai thác khoáng sản (cắt giảm 90% thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp).
Trên cơ sở những nội dung kế thừa, bổ sung và các nội dung làm rõ trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT đã tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Chính phủ xem xét, phê duyệt dự án Luật, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).