Đồng Nai: Nâng cao hiệu quả quản lý về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu

Tường Tú (thực hiện)| 09/09/2021 09:13

(TN&MT) - UBND tỉnh Đồng Nai vừa có Quyết định số 2517/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo “Đánh giá khí hậu tỉnh Đồng Nai”. Trong đó, có giao Sở TN&MT Đồng Nai là đơn vị đầu mối, nghiên cứu vận dụng Báo cáo này nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (BĐKH). Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ quan trọng này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai.

PV: Xin ông cho biết những kết quả quan trọng mà Đồng Nai đã đạt được trong công tác quản lý về khí tượng thủy văn và BĐKH trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Ngọc Hưng:

Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng trung và hạ lưu của hệ thống sông Đồng Nai. Tuy có lượng mưa trung bình năm tương đối lớn vào khoảng 2.188mm, tương đương với tổng lượng 12,9 tỷ m3 và có 3 con sông lớn là Đồng Nai, sông Bé, La Ngà thuộc lưu vực sông Đồng Nai chảy qua cung cấp một lượng nước dồi dào, nhưng do địa hình bị cắt xẻ nhiều khiến nguồn nước mặt phân phối không đều theo không gian.

Những năm gần đây, Đồng Nai nổi lên là tỉnh có vốn đầu tư nước ngoài đứng hàng thứ 3 trên cả nước, tỉnh đã và đang hình thành nhiều khu công nghiệp tập trung quy mô lớn với diện tích hàng ngàn ha, thu hút hàng trăm ngàn công nhân. Đây là điều kiện quan trọng để Đồng Nai phát triển nhanh về kinh tế, song cũng đặt ra nhiều khó khăn mới như gia tăng việc cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhà máy...

Do đó, tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm đến quản lý khai thác, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh nhằm giảm sự nóng lên của khí hậu và đề xuất các giải pháp thích ứng với BĐKH, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Để quản lý tốt tài nguyên nước, nhất là tài nguyên nước dưới đất, Đồng Nai chú trọng công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, trong đó có lồng ghép các quy hoạch thành phần như: quy hoạch bảo vệ, quy hoạch phân bổ tài nguyên nước và quy hoạch phòng chống các tác hại do nước gây ra. Tỉnh Đồng Nai còn ban hành nhiều chính sách trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, ứng phó BĐKH để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tỉnh Đồng Nai còn chú trọng xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH. Đồng thời, Đồng Nai cũng thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản BĐKH, nước biển dâng cụ thể cho giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện, cập nhật, ứng dụng Kịch bản BĐKH và nước biển dâng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đạo các Sở, ban, ngành nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng với BĐKH. Qua đó, có nhiều dự án nghiên cứu khoa học được UBND tỉnh phê duyệt, điển hình như: Dự án “Đánh giá, phân tích ảnh hưởng ngập lụt do tác động tăng cường của BĐKH đối với cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp tỉnh Đồng Nai”, Dự án “Nghiên cứu xây dựng chương trình khoa học công nghệ ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2050”...

Sở TN&MT Đồng Nai có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý về đất đai, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh

PV: Xin ông chia sẻ về các tác động của BĐKH, hiện tượng khí hậu cực đoan,... làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống tại địa phương?

Ông Nguyễn Ngọc Hưng:

Mặc dù Đồng Nai không thuộc các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, song theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn cho thấy tác động của BĐKH đã làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong xu thế BĐKH chung của toàn cầu thì nhiệt độ ở tỉnh Đồng Nai cũng đã có sự thay đổi đáng kể, trong đó có sự gia tăng của nhiệt độ đặc biệt trong vài thập kỷ gần đây.

Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xuất hiện những điểm “nóng” về ngập lụt khi mưa lớn xảy ra. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp như: thực hiện nạo vét, dọn dẹp các lòng suối, đầu tư hệ thống bờ kè, công trình chống ngập…, tình trạng ngập nước vào mùa mưa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nhiều khu vực, nút giao thông vẫn còn ngập nặng, chưa được xử lý triệt để.

Theo kết quả phân tích đánh giá khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2021 cho thấy, tổng lượng mưa năm tại các trạm quan trắc trên địa bàn tỉnh có khuynh hướng tăng trong các kịch bản tương lai tiếp theo, khu vực phía Bắc của tỉnh Đồng Nai thường có cường độ mưa hàng năm cao nhất, còn khu vực phía Nam và Đông Nam thì ghi nhận có tổng lượng mưa hàng năm thấp nhất trên toàn tỉnh trong các kịch bản.

Qua tính toán ngập cho thấy chỉ có huyện Nhơn Trạch bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng hơn các huyện khác do nằm ở khu vực gần biển. Ngoài ra, huyện Long Thành cũng bị ảnh hưởng bởi lũ do sự thay đổi dòng chảy, nhưng diện tích này không đáng kể. Tỷ lệ diện tích ngập ở toàn bộ các kịch bản theo các năm dao động trong khoảng 1,56 - 1,68% tương ứng với diện tích ngập khoảng 92,21 - 99,09km2. Qua đánh giá cho thấy các lĩnh vực dễ bị tổn thương và chịu sự tác động nhiều nhất của BĐKH trên địa bàn tỉnh là tài nguyên nước, năng lượng, nông nghiệp và hạ tầng kỹ thuật.

PV: Thời gian tới, Sở TN&MT Đồng Nai sẽ có giải pháp nào để thực hiện tốt hơn công tác quản lý về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Hưng:

Hiện tại, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực trong ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm quản lý tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ môi trường; đồng thời, tăng cường năng lực về thích ứng, phòng chống thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững và hiệu quả; góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hoàn thành các chương trình, dự án đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030.

Trong đó, Đồng Nai sẽ đẩy mạnh đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên; tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến cho công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chú trọng các giải pháp về công nghệ, định hướng từng bước xây dựng ngành công nghiệp môi trường, và ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển tài nguyên tái tạo, công nghệ tiên tiến vào khai thác khoáng sản; xây dựng và hoàn thiện cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ về phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong quan trắc môi trường, nhất là quan trắc tự động để cảnh báo ô nhiễm qua hệ thống thông tin viễn thông, ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tiếp tục tăng cường đầu tư ngân sách, sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí sự nghiệp và xây dựng cơ bản, sự nghiệp kinh tế và các nguồn kinh phí khác để thực hiện các dự án, công trình đầu tư về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tỉnh Đồng Nai cũng sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; công khai để người dân giám sát việc quản lý khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi xã hội hóa cho ứng phó với BĐKH, đầu tư vào các công trình hạ tầng về môi trường và phát triển các dịch vụ môi trường.

Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành trong khu vực và hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin, tiếp cận công nghệ mới, học tập kinh nghiệm về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phối hợp với các tỉnh, thành trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai để có giải pháp ứng phó kịp thời với BĐKH, quản lý chặt chẽ tài nguyên nước, khai thác khoáng sản, bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học; tham gia tích cực thực hiện các công ước, hiệp định quốc tế và khu vực, nhất là các nước ASEAN về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Nâng cao hiệu quả quản lý về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO