Đong đếm từng hạt mưa, chắt chiu từng giọt nước

Tuyết Chinh| 05/03/2020 16:00

(TN&MT) - Tăng cường các hoạt động dịch vụ thủy văn, cải thiện các hoạt động giám sát và dự báo là chìa khóa để giải quyết các vấn đề về thiếu hụt, ô nhiễm hay mất kiểm soát nguồn nước.

Dữ liệu nước – cơ sở giám sát và dự báo thủy văn

Chúng ta không thể quản lý những gì mà chúng ta không quan trắc nó. Do vậy, thu thập và chia sẻ dữ liệu nước là cơ sở giám sát và dự báo thủy văn, và các dịch vụ cảnh báo sớm về lũ lụt và hạn hán.

Các chính sách về lũ lụt và hạn hán chỉ có thể được thực hiện hiệu quả khi có dữ liệu và mô hình để đánh giá tần suất và mức độ của các hiện tượng cực đoan này. Quá trình hướng tới các mục tiêu như cải thiện hiệu quả sử dụng nước chỉ có thể thực hiện được khi có các hoạt động quan trắc và giám sát nguồn nước mặt, nước ngầm và tại các hồ chứa.

Thu thập và chia sẻ dữ liệu nước là cơ sở giám sát và dự báo thủy văn, và các dịch vụ cảnh báo sớm về hạn hán

Dữ liệu và thông tin thủy văn có thể giúp trả lời các câu hỏi về: Trữ lượng, chất lượng và phân bổ tài nguyên nước trên toàn lãnh thổ của từng quốc gia, từng lưu vực sông và tiểu lưu vực; Tiềm năng phát triển liên quan đến tài nguyên nước; Tài nguyên nước hiện nay có thể đáp ứng nhu cầu thực tế, bao gồm cả các nhu cầu của hệ sinh thái không?

Hay những thắc mắc liên quan đến lập kế hoạch, thiết kế và vận hành các dự án liên quan đến nguồn nước, bao gồm các dự án xây dựng thủy lực, các công trình thủy điện, giao thông thủy, hệ thống thủy lợi và thoát nước, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, an toàn vệ sinh nguồn nước, và phục hồi dòng sông; Các hoạt động quản lý tài nguyên nước tác động như thế nào đến môi trường, nền kinh tế và xã hội; Làm thế nào để có thể xây dựng chiến lược quản lý bền vững…

Thông qua Sáng kiến Cơ sở Dữ liệu Nước Thế giới, dưới sự dẫn đầu của chính phủ Úc, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hỗ trợ các quốc gia trong việc phát triển các chính sách liên quan đến nước nhằm cải thiện việc tiếp cận và sử dụng dữ liệu nước hiệu quả.

WMO HydroHub - Cơ sở hỗ trợ thủy văn toàn cầu cung cấp danh mục tài liệu chuyên môn phục vụ các quốc gia thành viên WMO, từ khoa học, công nghệ đến các dịch vụ sẵn có để hỗ trợ các tổ chức/cá nhân trong các ngành kinh tế khác nhau sử dụng dữ liệu và dịch vụ khí tượng thủy văn theo nhu cầu của mình.

Những kết nối này giúp tăng cường nền tảng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn được xây dựng và quản lý bằng các công nghệ và phương pháp tiếp cận mang tính đột phá, để hỗ trợ các thành viên WMO trong việc ra quyết định liên quan đến tài nguyên nước.

Cùng với đó, HydroSOS - Hệ thống quát sát và đánh giá hiện trạng thủy văn toàn cầu sẽ theo dõi và dự báo các điều kiện thủy văn nước ngọt toàn cầu. Hoạt động của hệ thống này cho phép báo cáo thường xuyên về tình trạng thủy văn toàn cầu, bao gồm cả nguồn nước ngầm, dòng chảy của sông và độ ẩm của đất; từng đánh giá về hiện trạng khác biệt đáng kể của một khu vực nào đó so với điều kiện bình thường. Chẳng hạn như là chỉ ra các tình huống hạn hán và lũ lụt tiềm tàng; các đánh giá những vấn đề hạn hán hay lũ lụt này có khả năng được cải thiện hay tồi tệ hơn trong nhiều tuần hay nhiều tháng tới.

WMO cam kết 8 mục tiêu tham vọng dài hạn liên quan đến nước

Mục tiêu số 6 của Phát triển bền vững xác định những mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2030 về nước sạch và vệ sinh môi trường. Việc thành lập Hội đồng cấp cao về tài nguyên nước thể hiện nỗ lực hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Tháng 3/2018, Hội đồng đã đưa ra một báo cáo có tên “Making Every Drop Count – Nâng niu giá trị của từng giọt nước”, cùng với các khuyến nghị.

Hơn 2 tỷ người sống ở các quốc gia đang chịu áp lực lớn về thiếu hụt nước

Nhu cầu sử dụng nước trên toàn thế giới sẽ tiếp tục gia tăng đều đặn và có thể đạt đến mức tăng từ 20% đến 30% tại năm 2050, so với mức sử dụng nước hiện tại. Theo Báo cáo phát triển nguồn nước toàn cầu năm 2019, nguyên nhân chủ yếu đến từ gia tăng nhu cầu sử dụng nước của khu vực công nghiệp và dân dụng.

Hơn 2 tỷ người sống ở các quốc gia đang chịu áp lực lớn về thiếu hụt nước, và khoảng 4 tỷ người gặp phải tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng trong ít nhất một tháng trong năm.

Các điều kiện thủy văn toàn cầu về lũ lụt và hạn hán cũng như các xung đột tiềm ẩn trong sử dụng nguồn nước chính là một trong những thách thức và mối đe dọa lớn nhất của nhân loại.

Tăng cường các hoạt động dịch vụ thủy văn, cải thiện các hoạt động giám sát và dự báo là chìa khóa để giải quyết các vấn đề về thiếu hụt, ô nhiễm hay mất kiểm soát nguồn nước, cũng như các hoạt động hỗ trợ quản lý vận hành, lập kế hoạch và ra quyết định.

Ở nhiều quốc gia, dịch vụ thời tiết và khí tượng được tách biệt với dịch vụ thủy văn và nước. Hợp tác giữa các hoạt động dịch vụ này, cùng với sự tham gia của người sử dụng dịch vụ chính là chìa khóa để cung cấp thông tin tích hợp và đầy đủ, cần thiết nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định thông thái.

Do vậy, WMO cam kết tám mục tiêu tham vọng dài hạn liên quan đến nước, bao gồm: Không ai bị động trước lũ lụt; Mọi người đều được chuẩn bị đối phó với hạn hán; Dữ liệu khí tượng, khí hậu và thủy văn hỗ trợ cho chương trình nghị sự an ninh lương thực; Dữ liệu chất lượng cao hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học; Khoa học cung cấp nền tảng vững chắc cho hoạt động thủy văn; Chúng ta có đủ kiến thức thấu đáo về nguồn tài nguyên nước trên toàn cầu; Thông tin của hệ thống quan trắc toàn bộ chu trình thủy văn hỗ trợ cho phát triển bền vững; Kiểm soát tốt chất lượng nước.

Chỉ 0,5% lượng nước trên trái đất có thể sẵn sàng cho nhu cầu sử dụng của con người. 40% người dân thế giới bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đong đếm từng hạt mưa, chắt chiu từng giọt nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO