Ra đảo để thử thách lòng yêu nghề
(TN&MT) - Có một Trạm Khí tượng hải văn Cô Tô nằm lặng lẽ trong huyện đảo du lịch Cô Tô đông đúc và náo nhiệt.
Ở đó có những con người quanh năm bám trụ, vượt lên khó khăn gian khổ, đếm gió đo mây, cung cấp số liệu quan trắc kịp thời, chính xác, góp phần quan trọng vào công tác dự báo khí tượng thủy văn…
Chúng tôi đến Trạm Khí tượng hải văn Cô Tô vào lúc bình minh, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển, trên làn nước trong xanh, ngàn tia nắng lung linh rọi xuống tạo nên một bức tranh tuyệt mĩ.
Trạm Khí tượng hải văn Cô Tô nằm về phía Đông Nam đảo Cô Tô, trên quả đồi cao 70m so với mặt nước biển. Trạm có vị trí quan trọng trong việc quan trắc, cung cấp thông tin phục vụ cho dự báo bão, gió mùa Đông Bắc và khai thác vùng biển phía Bắc Tổ quốc.
Khác với hình dung của chúng tôi về một huyện đảo du lịch Cô Tô náo nhiệt trên đà phát triển với những khách sạn cao tầng, những bãi tắm đông đúc, ở đây vắng vẻ, ít người qua lại. Trạm trưởng Trạm Khí tượng hải văn Nghiêm Xuân Hoan nói với chúng tôi rằng, vào những ngày bão gió, sóng biển gầm rít ngoài bãi đá, xô vào mạn thuyền dữ dội, vòm trời phủ một màu xám mờ mịt như sương khói, cả một vùng mênh mông không bóng người, chỉ có những người đếm gió đo mây bám trụ với thiên nhiên.
7 giờ là giờ anh chị em Trạm Khí tượng hải văn chính thức bước vào ca sáng. Chế độ trực ở đây không phân biệt cán bộ hay nhân viên. Trước giờ vào ca, Trạm trưởng Hoan đưa chúng tôi lên tham quan vườn quan trắc. Rồi anh nhanh chóng bắt tay vào việc, những công việc rất đỗi quen thuộc của một cán bộ quan trắc trước khi vào ca trực như: kiểm tra máy, kiểm tra ẩm kế, chuẩn bị giản đồ tự ghi, bút, sổ quan trắc… Anh bảo, công tác chuẩn bị diễn ra trong vòng 10 phút, đúng giờ tròn theo quy định, bắt đầu xác định mây, quan trắc gió, xác định trạng thái mặt đất, nhiệt độ mặt đất, đọc nhiệt kế khô, xác định thời tiết hiện tại, quan trắc khí áp… Tất cả thao tác cần nhanh gọn chính xác để hoàn thành số liệu, thảo mã điện chuyển về Đài khu vực Đông Bắc, như vậy mới hoàn thành một “ốp”. Một ngày 8 “ốp”.
Chúng tôi kiên nhẫn quan sát công việc và chờ đợi hết ca trực để nghe anh Hoan chia sẻ. Tuy nhiên, khác với những gì chúng tôi nôn nóng được nghe về công việc cá nhân, anh chỉ nhẩn nha nói về công việc chung và Trạm Khí tượng hải văn Cô Tô từ những ngày đầu thành lập.
Qua lời kể của anh Hoan, chúng tôi được biết, ngay sau Chính phủ ban hành Nghị định số 588/TTg ngày 28/9/1955 thành lập Nha Khí tượng (nay là Trung tâm dự báo quốc gia Khí tượng Thủy văn - KTTV), Nha Khí tượng đã cho củng cố, thiết lập mạng lưới khí tượng thủy, hải văn trên toàn quốc.
Tháng 10/1958, Nha Khí tượng quyết định thành lập Trạm Khí tượng hải văn Cô Tô trên cơ sở phát triển trạm đo nhiệt độ không khí và lượng mưa trước đây. Trạm lúc đó đặt tại tỉnh Hải Ninh (một tỉnh cũ thuộc vùng Đông Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn tỉnh Hải Ninh hiện nay tương ứng với một phần tỉnh Quảng Ninh và một phần tỉnh Lạng Sơn). Biên chế ban đầu vỏn vẹn 5 quan trắc viên. Năm 1963, sau khi Hải Ninh được chia tách, sát nhập một phần Hải Ninh với Hồng Gai thành tỉnh Quảng Ninh, Trạm chính thức nằm trên địa bàn Quảng Ninh, trực thuộc Đài KTTV Quảng Ninh.
Nhiệm vụ của Trạm Khí tượng hải văn Cô Tô bao gồm hàng ngày theo dõi thời tiết liên tục 24/24h và quan trắc 8 ca chính (còn gọi là “ốp”) vào các giờ tròn 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19, 22h trong ngày. Sau khi quan trắc, thảo mã điện Synop theo mã luật Khí tượng bề mặt, phát báo về Đài KTTV Quảng Ninh.
Thoáng chút trầm tư, anh Hoan cho biết, trước đây, khi chưa có đường lưới điện quốc gia, công việc ở đây vất vả vô cùng, đặc biệt là những lúc làm ca đêm. Đèn pin lúc ấy được coi là tài sản quý, nhiều hôm chưa kịp mua pin, mọi người phải đốt đèn bão để đi quan trắc, kịp lấy số liệu gửi về trung tâm. Ngày bình thường còn đỡ, những ngày bão gió, các cán bộ, quan trắc viên phải có mặt ở Trạm 100%, túc trực 24/24h, sẵn sàng chuyển những thông tin quý giá cho phòng tổng hợp thông tin dự báo, trong bản tin dự báo thời tiết.
Anh đã nhiều lần chứng kiến những cơn giông bão khi Mẹ thiên nhiên nổi giận. Những con sóng dâng lên cao rồi đột ngột ụp xuống, gió giật liên hồi như muốn nhổ tung nhà cửa, cây cối quẳng lên không trung. Bão thường đổ vào miền Bắc nước ta từ tháng 4 cho đến tháng 10 hàng năm. Anh Hoan bảo, những người bám trụ được ở Trạm thường phải có sức khỏe vạm vỡ, chịu được sóng gió và nhất là phải biết bơi. Hơn thế, còn phải là người kiên trì, bản lĩnh và tự lập, bởi ngoài những lúc làm ca còn phải chống chọi với sự cô đơn nhớ nhà, nhớ bạn bè và người thân. Ở đây, các anh chị em vẫn thường đùa nhau: ra đảo là để thử thách lòng yêu nghề, tính cách kiên trì và nhẫn nại.
Chị Luyến - người đã gắn bó trên 30 năm với Trạm tâm sự: “Lúc bão đến, đứng trên đồi quan trắc hay ra cọc thủy trí đo nước, có cảm tưởng như gió thổi bay xuống biển luôn, gió mưa ràn rạt quất vào người rát buốt, mặc mấy lần áo mưa bảo hộ nhưng về đến Trạm là ướt run hết, nếu không can đảm và yêu nghề thực sự thì sẽ không trụ nổi”.
Cái nắng ở đây cũng khác thường, nắng bỏng rát như thiêu đốt vào những ngày hè, nắng cùng với gió biển mặn mòi ướp và da thịt khiến làn da lúc nào cũng ướt dính và đen sạm. Các anh chị thường động viên nhau rằng cái màu da đó khiến ai trông cũng rắn rỏi hơn. Cô Tô còn một món đặc sản là mưa biển. Mưa lê thê đến mức anh chị em thấy việc đó thành quen, còn bảo nhau “chắc là mưa quyến luyến anh em trên Trạm Cô Tô nên mới ở lâu đến vậy”…
Thực sự có đến nơi đây, nghe chuyện đời chuyện nghề, trải nghiệm cùng anh chị em mới hiểu sự khắc nghiệt của công việc. Chỉ nói riêng về thời gian đã phải chính xác đến từng phút, cùng thời điểm tất cả các quan trắc viên trên cả nước, đảm bảo thông tin được cập nhật đồng bộ trên thế giới.
Vất vả thiệt thòi là thế, nhưng trong họ, dường như tình yêu nghề không suy suyển. Nhiều năm gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, ngôi nhà nhỏ đơn sơ mang tên Trạm Khí tượng hải văn Cô Tô thực sự đã trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều anh, chị em trong Trạm. Những tổ ấm được kết tinh từ tình yêu, công việc và tâm huyết với nghề giờ đây đang rộn rã tiếng cười con trẻ. Ngoài những ca trực, anh chị em còn tranh thủ học thêm nghề đan lưới, đi biển để tăng thêm thu nhập, khắc phục khó khăn với đồng lương hạn hẹp, cũng là thêm động lực hoàn thành tốt công việc được giao.
Giờ thì tôi đã hiểu vì sao những con người nơi đây lại gắn bó với công việc vất vả khó khăn và đơn điệu như vậy. Với các anh chị em ở Trạm Khí tượng hải văn Cô Tô, đếm gió đo mây để hiểu được lòng trời và đưa được thông tin bổ ích đến mọi người là công việc thực sự có ích, vì thế, mọi khó khăn vất vả trở thành đơn giản, miễn còn sức khỏe là còn bám trụ, gắn bó với công việc ý nghĩa này.
Chia tay anh chị em Trạm Khí tượng hải văn Cô Tô, tôi trở về đất liền mà trong lòng vấn vương bao ý nghĩ. Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước ý chí, nghị lực và tinh thần cống hiến, gắn bó với nghề của những cán bộ, nhân viên Trạm Khí tượng hải văn Cô Tô. Chuyến đi vừa rồi như tiếp thêm động lực cho tôi, mỗi lần đứng trước khó khăn, tôi lại hình dung ra công việc và điều kiện sống của các anh chị em trên Trạm để làm động lực vượt qua khó khăn của chính bản thân mình.