Lá của chuối rừng được mua nhiều hơn cả bởi đặc tính dai, đẹp màu hơn. Lá chuối rừng bán được giá 2.000 đồng/kg chứ lá chuối mốc chỉ chừng 1.500 đồng. Ngày gần Tết, bên cạnh chặt buồng chuối, người làng còn đi cắt lá chuối rừng. Đi một ngày, rong ruổi qua các rẫy chuối, bà con thu trung bình được một bao lá chuối, tương đương 40 kg”.
Không chỉ người trồng, người mua cũng không kém phần chộn rộn với mùa chuối Tết. Tại một vài điểm thu mua tập trung ở xã Vĩnh Kim, buồng chuối, lá chuối đã phủ xanh từ trong nhà ra đến ngoài hiên. Chị Nguyễn Thị Huyền Trang (42 tuổi), một tiểu thương nhiều năm mua chuối ở làng K6 cho hay, bước sang đầu tháng Chạp, lượng người mua chuối đã tăng lên nhiều. Để có được nguồn chuối lớn, người thu gom phải về từng nhà đặt hàng với bà con.
Chuyện trò quanh cây chuối trên rẫy mới nhận ra người Bana rất tự hào về cây chuối xứ mình. Ấy là giống chuối sạch bởi quanh năm lớn lên và cho quả giữa mênh mông, không thuốc trừ sâu, không khói bụi. Phàm cây chuối được trồng ở đất đồi cao lại càng tươi tốt, cho trái đẹp.
Vậy nên, nhà nào cũng mong chuối được mùa vào vụ Tết để những ngày đầu năm thêm ấm no, sung túc.
Những ngày cận Tết, chợ thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh trở thành “chợ chuối”. Hàng trăm hộ dân từ khắp nơi đều cõng chuối, chở chuối về đây để bán, tạo nên một khung cảnh tấp nập, rộn ràng.
Bà con ở đây đều bảo nhau, dù ở xa chợ thế nào, vẫn trực tiếp đi bán bởi lẽ “ra đến chợ, không bán được người này thì ta bán cho ngưòi khác. Giá lúc nào cũng cao hơn so với bán tại rẫy, tại nhà”. Ông Lê Công Chính, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, khẳng định: “Trung bình hơn chục triệu cho mỗi mùa chuối Tết là khoản đáng kể với đồng bào miền núi, cũng là động lực để thoát nghèo. Hơn 80% người dân Vĩnh Kim đang dựa vào trái chuối, lá chuối, hột chuối, bắp chuối... để ổn định cuộc sống hằng ngày. Cữ này, màu xanh của chuối đang lan xa, nối dài trên những đồi, rẫy, đường đèo và các chợ là màu của no ấm cho đồng bào vùng cao.