Dấu ấn năm 2018 - Khởi đầu cho các nhiệm vụ và sự kiện lớn trong năm 2019 của Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam

31/01/2019 17:27

(TN&MT) - Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam kết thúc năm 2018  với nhiều dấu ấn quan trọng: Quốc hội Khóa XIV thông qua Luật Đo đạc và bản đồ; tổ chức thành công Hội nghị khoa học công nghệ toàn quốc Ngành Đo đạc và Bản đồ; hoàn thành Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và giám sát tài nguyên môi trường Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; triển khai xây dựng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia…

Nhìn lại năm 2018, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam có thể tự hào với những thành quả đạt được và để lại nhiều dấu ấn quan trọng, tạo niềm phấn khởi, tự hào của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động lĩnh vực đo đạc và bản đồ trên khắp cả nước.

Những thành tựu tiêu biểu, nổi bật năm 2018

Một là, hoàn thiện dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ trình Quốc hội Khóa XIV thông qua

Lãnh đạo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của năm 2018, phải ưu tiên thực hiện. Với sự chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan, dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ đã hoàn thành và được Đại biểu Quốc hội Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5, ngày 14 tháng 6 năm 2018 với tỷ lệ nhất trí cao.

QH bieu quyet thong qua Luat Do dac va Ban do
Quốc hội Khóa XIV thông qua Luật Đo đạc và bản đồ

Để đảm bảo đồng bộ với việc thi hành Luật vào ngày 01 tháng 01 năm 2019, các văn bản quy định chi tiết gồm 02 Nghị định, 02 Thông tư cũng đã được các Tổ soạn thảo khẩn trương hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành trong năm 2018.

 Việc ban hành Luật Đo đạc và bản đồ là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực đo đạc và bản đồ, là cơ sở pháp lý cao nhất để Nhà nước quản lý thống nhất hoạt động đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước.

Hai là, Tổ chức thành công Hội nghị khoa học công nghệ toàn quốc ngành đo đạc và bản đồ

Ngày 5 tháng 10 năm 2018, Hội nghị khoa học, công nghệ toàn quốc Ngành Đo đạc và Bản đồ lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc, đánh dấu sự kiện quan trọng của Ngành, tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý hoạt động đo đạc, bản đồ, viễn thám trên toàn quốc và các ngành có liên quan trao đổi, báo cáo thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ đo đạc và bản đồ toàn quốc trong giai đoạn vừa qua.

Chủ trì khai mạc Hội nghị khoa học, công nghệ Ngành Đo đạc và Bản đồ
Chủ trì khai mạc Hội nghị khoa học, công nghệ Ngành Đo đạc và Bản đồ

Với sự tham gia của gần 700 đại biểu là các nhà khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ trên khắp cả nước, Hội nghị đã tổng kết, đánh giá các thành tựu khoa học và công nghệ của Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trong thời gian qua.  Những kết quả nghiên cứu, triển khai về khoa học và công nghệ đã đóng góp quan trọng trong việc hình thành hệ thống luận cứ khoa học phục vụ việc ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ điều tra cơ bản, phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Cũng qua Hội nghị này, đã có nhiều bài báo, ý kiến đóng góp của Lãnh đạo, các nhà khoa học được trình bày, góp phần định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của Ngành trong thời gian tới phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, tạo nền tảng ứng dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Ba là, Hoàn thành dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và giám sát tài nguyên môi trường Cộng hòa

Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và giám sát tài nguyên môi trường CHDCND Lào” nằm trong khuôn khổ Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học - kỹ thuật được Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào ký kết tại Viêng Chăn ngày 07/01/2012.

Từ năm 2014, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam và Cục Bản đồ quốc gia Lào phối hợp tổ chức thực hiện Dự án với nhiệm vụ: Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình cơ bản và thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000 phủ trùm các khu vực Bắc và Trung Lào.

Sau gần 4 năm thực hiện, Dự án đã hoàn thành tất cả các mục tiêu, hạng mục đề ra, đảm bảo đúng yêu cầu về chất lượng, tiến độ thực hiện. Các sản phẩm của Dự án đã kịp thời bàn giao cho Cục Bản đồ quốc gia Lào quản lý, đáp ứng nhu cầu sử dụng, khai thác thông tin, dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, người dân tại CHDCND Lào; phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và giám sát tài nguyên môi trường của CHDCND Lào. Đồng thời, qua việc thực hiện Dự án, nhiều cán bộ kỹ thuật đo đạc và bản đồ của Cục Bản đồ quốc gia Lào đã được chuyển giao, đào tạo làm chủ hệ thống thiết bị và phần mềm tiên tiến, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, cập nhật, cung cấp dữ liệu nền thông tin địa hình và bản đồ địa hình của Cục Bản đồ quốc gia Lào. Thành quả của Dự án là món quà quý báu của Chính phủ và nhân dân Việt Nam tặng Chính phủ và nhân dân Lào, là một minh chứng cho tình đoàn kết anh em của hai nước Việt - Lào ngày càng sâu sắc và bền vững.

image005
Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết Dự án tại thủ đô Viên Chăn - Lào

Ghi nhận đóng góp vào thành công của Dự án, Chính phủ nước CHDCND Lào đã trao tặng nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen cho các tổ chức, cá nhân của Việt Nam tham gia chỉ đạo, thực hiện Dự án.

Bốn là, Triển khai xây dựng mạng lưới trạm định vị vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam

Từ cuối năm 2016, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam” với mục tiêu hình thành mạng lưới các trạm quan trắc thu liên tục số liệu từ các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh GNSS hiện hữu trên thế giới như GPS, GLONASS, Galileo, BeiDou, QZSS… trải trên khắp đất nước.

Trong 2018, Dự án đã hoàn thành xong việc xây dựng và vận hành thử nghiệm 17 trạm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Giai đoạn 1 của Dự án sẽ hoàn thành trong tháng 9 năm 2019 với 65 trạm CORS cố định phủ trùm các khu vực trọng yếu bao gồm Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, một số khu vực thuộc các tỉnh Tây nguyên.

Ăngten
Ăngten và thiết bị trạm định vị vệ tinh được lắp đặt tại Hà Nội

Mạng lưới trạm định vị vệ tinh của Việt Nam nhằm phục vụ xây dựng khung tham chiếu GNSS quốc gia trong hệ tọa độ quốc tế ITRS mới nhất và hệ quy chiếu địa phương truyền thống, có khả năng cung cấp số liệu phục vụ đo GNSS động thời gian thực với độ chính xác 2 cm - 4 cm về tọa độ, 10 cm về độ cao đối với vùng đồng bằng, 20 cm về độ cao đối với vùng núi (phấn đấu đạt khoảng 5 cm ở vùng đồng bằng và 10 cm ở vùng núi khi hoàn thành việc nâng cấp mô hình geoid địa phương trong thời gian tới). Mạng lưới trạm định vị vệ tinh sẽ phục vụ có hiệu quả đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, nghiên cứu khoa học, xác định tốc độ dịch chuyển mảng, dự báo động đất, hỗ trợ cho công tác dự báo thời tiết, nông nghiệp, giao thông, logistics và nhiều ứng dụng khác nhau; đưa các trạm GPS, GNSS rời rạc trên cả nước về cùng một hệ thống thống nhất nhằm tối ưu hoá thiết bị, giảm thiểu kinh phí đầu tư của các lĩnh vực khác. Mạng lưới trạm định vị vệ tinh của Việt Nam được thiết kế đảm bảo đủ tiêu chuẩn để xây dựng hệ tọa độ của Việt Nam tham gia vào hệ tọa độ động quốc tế, mạng lưới GNSS trên thế giới.

Một số nhiệm vụ, sự kiện quan trọng năm 2019

Phát huy những thành tựu đạt được trong năm 2018, ngay từ những ngày đầu năm 2019, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai thực hiện những nhiệm vụ và chuẩn bị cho những sự kiện quan trọng của năm 2019, cụ thể như sau:

Một là, Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ.

Đây là nhiệm vụ đầu tiên để đảm bảo triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 một cách thống nhất, có hiệu quả. Luật Đo đạc và bản đồ, các văn bản quy định chi tiết Luật đã xác định các nhiệm vụ cụ thể cần triển khai, bao gồm:

- Xây dựng, hoàn thiện, công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia;

- Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia;

- Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia và địa giới hành chính;

- Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI);

- Cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ.

Các nhiệm vụ trên đây phải được triển khai thực hiện từ năm 2019 để đảm bảo phục vụ hoạt động đo đạc và bản đồ các lĩnh vực, triển khai thực hiện quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, phục vụ công tác quản lý biên giới quốc gia và địa giới hành chính, thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021.

Hai là, Xây dựng Chiến lược phát triển Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI).

Chiến lược phát triển Ngành Đo đạc  và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020 đã chuẩn bị kết thúc; do đó cần thiết phải tổng kết, đánh giá các mục tiêu, chương trình, kết quả đã thực hiện, làm căn cứ xây dựng Chiến lược Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho những năm tiếp theo, đồng thời với việc xây dựng Chiến lược xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia cho phù hợp với quy định của Luật Đo đạc và bản đồ, phù hợp với điều kiện của đất nước, của Ngành hiện nay và những năm tiếp theo trong bối cảnh các cuộc Cách mạng công nghiệp diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Ba là, Hoàn thiện Giai đoạn 1 của dự án Xây dựng mạng lưới trạm định vị vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam, đề xuất triển khai Giai đoạn 2 của Dự án.

Theo kế hoạch, đến tháng 9 năm 2019 sẽ hoàn thành Giai đoạn 1 của dự án Xây dựng mạng lưới trạm định vị vệ tinh gồm 65 trạm trên lãnh thổ Việt Nam. Để đảm bảo phù trùm mạng lưới trạm định vị vệ tinh trên toàn bộ Việt Nam, cần thiết phải tiếp tục triển khai xây dựng 70 - 100 trạm cho các khu vực mà Giai đoạn 1 của Dự án chưa thực hiện. Việc triển khai Giai đoạn 2 của Dự án cần có cơ chế, chính sách phù hợp, huy động mọi nguồn lực của xã hội tham gia có hiệu quả.

Bốn là, Tổ chức Tuần làm việc của Hiệp đoàn Trắc địa thế giới 2019 (FIG 2019) tại Hà Nội.

Đây là sự kiện lớn của Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Với khoảng 1.000 đại biểu đến từ các quốc gia trên thế giới, FIG 2019 với chủ đề “Vì quyền dữ liệu không gian của mỗi công dân” sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian 5 ngày, từ 22 đến 26 tháng 4 năm 2019. FIG 2019 là diễn đàn quốc tế hàng đầu của những người làm công tác đo đạc trên toàn thế giới được tổ chức thường niên, luân phiên giữa các quốc gia.

FIG 2019 không chỉ là dịp để thúc đẩy hội nhập quốc tế cho những người đang làm công tác đo đạc, bản đồ, viễn thám và quản lý đất đai Việt Nam; mà còn là điều kiện cho các nhà đo đạc và bản đồ tại Việt Nam tiếp xúc với các nhà đo đạc và bản đồ trên thế giới để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.

Năm là, Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và thành lập Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (14/12/1959 - 14/12/2019).

Năm 2019 là năm diễn ra sự kiện 60 năm Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam xây dựng và trưởng thành. Đây là dịp để Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đánh giá, tổng kết thành tựu đóng góp của Ngành trong 60 năm qua đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước; khẳng định vị trí, vai trò ngày càng quan trọng đối với sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện các cuộc Cách mạng công nghiệp ngày càng hiện đại và có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của các quốc gia.

Hy vọng rằng, bước vào năm 2019, với tư duy mới, quyết sách mới và cách làm mới, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam sẽ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra và đạt được các kết quả tốt đẹp, góp phần xứng đáng hơn nữa vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn năm 2018 - Khởi đầu cho các nhiệm vụ và sự kiện lớn trong năm 2019 của Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO