Đảm bảo đời sống cho đồng bào DTTS trước biến đổi khí hậu

Khánh Ly| 09/01/2020 15:49

(TN&MT) - Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động nặng nề đến đời sống, kinh tế của nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.

Trong ngắn hạn, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho bà con. Về dài hạn, Đảng và Nhà nước chủ trương tiếp tục chủ động ứng phó với BĐKH theo tinh thần của Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết 24

Theo Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Nghị quyết 24 về chủ động thích ứng BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đẩy mạnh việc lồng ghép mục tiêu ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường trong các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trên cả nước. Thực tế cho thấy, công tác ứng phó BĐKH đã được quan tâm nhiều trong những năm gần đây, thể hiện qua việc nhiều địa phương chú trọng phát triển, ứng dụng các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với tác động của BĐKH; tích cực phục hồi và bảo vệ rừng cũng như các hệ sinh thái tự nhiên…

10-11.jpeg

Chuyển đổi cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: MH

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém. BĐKH diễn biến nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn. Khả năng thích ứng với BĐKH, phòng, chống thiên tai còn thấp, nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại lớn khi có thiên tai xảy ra. Điển hình là năm 2020, thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt đã ảnh hưởng đến hầu hết hoạt động kinh tế - xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi. Nhiều nơi là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc miền núi. Cuộc sống vốn đã khó khăn, thiếu trước hụt sau thì thiên tai ập tới, cuốn đi tất cả tài sản, thậm chí là tính mạng người dân.

Theo ngành nông nghiệp nhiều địa phương, sản xuất những năm qua gặp nhiều thách thức do thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa, mưa cường độ cao đều gây ảnh hưởng đến thời vụ xuống giống, khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất của tất cả các loại cây trồng, tạo điều kiện phát sinh sâu bệnh hại, sâu bệnh nguy hiểm. Gặp thời tiết giá rét, vật nuôi dễ chết bệnh hàng loạt .

Các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 về tiếp tục thực Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH. Đặt yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển.

10-11.jpg

Tích cực phục hồi và bảo vệ rừng cũng như các hệ sinh thái tự nhiên. Ảnh: MH

Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với BĐKH, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ứng phó với BĐKH và bảo đảm thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Một số nhiệm vụ cấp bách là tiếp tục cập nhật, cụ thể hóa "Kịch bản BĐKH, nước biển dâng" của cả nước và đến từng vùng, miền, địa phương. Lựa chọn các hạng mục, giải pháp ưu tiên để lồng ghép triển khai thực hiện. Đầu tư hoàn thiện và nâng cấp hệ thống đê biển, các công trình chống sạt lở ven sông, ven biển, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long. Rà soát, hỗ trợ di dời dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở núi, lũ quét và các nguy cơ thiên tai khác. Tiếp tục đầu tư, bảo đảm an toàn các hồ chứa nước; phát triển thủy lợi, nâng cao khả năng tưới, tiêu nước cho các vùng thường xuyên bị hạn hán, úng ngập nặng, nhất là ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tăng cường hệ thống quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở Trung ương, địa phương và đẩy mạnh quản trị môi trường trong các doanh nghiệp…

Chủ trương, đường lối của Đảng về ứng phó với BĐKH đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh những vấn đề này, trong đó, nêu cao việc phải phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo đời sống cho đồng bào DTTS trước biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO