COP 21: Việt Nam với chính sách ứng phó với BĐKH

08/12/2015 00:00

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP 21) đang diễn ra tại Paris (Pháp), đoàn Việt Nam đã tham dự hội thảo...

 

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP 21) đang diễn ra tại Paris (Pháp), đoàn Việt Nam đã tham dự hội thảo bên lề “Từ Lima đến Paris và xa hơn nữa” do Peru tổ chức.

Peru lựa chọn chủ đề này bởi Lima – thủ đô Peru là nơi đăng cai tổ chức COP 20 năm trước. Dấu ấn của COP 20 đã thông qua Hiệu triệu Lima, đặt nền móng cho thỏa thuận Paris năm nay.

Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) chia sẻ những thông tin về hệ thống chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) chia sẻ những thông tin về hệ thống chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Tại hội thảo này, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã chia sẻ những thông tin về hệ thống chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Ông Tuệ cho biết, hiện Việt Nam có 5 văn bản lớn hệ thống hóa các chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là: Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược Tăng trưởng xanh; Nghị quyết 24 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường có một chương riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ các văn bản này, Việt Nam triển khai xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương; Kế hoạch hành đồng quốc gia về tăng trưởng xanh; đồng thời triển khai trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Một số chương trình lớn là: Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SPRCC), Hỗ trợ xây dựng thị trường cacbon tại Việt Nam, tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…

Tại Việt Nam, việc triển khai các chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được một số kết quả. Đó là phân bố lại các khu vực dân cư thường xuyên chịu thiên tai; trang bị kiến thức về biến đổi khí hậu cho cộng đồng; phòng chống thiên tai để thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương châm “bốn tại chỗ”; tích hợp vấn đề thích ứng với biến đổi khi hậu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp.

Ông Tuệ chia sẻ, trong giai đoạn 2012-2020, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tập trung vào các vấn đề chính yếu là: Tăng cường giám sát khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; Chủ động ứng phó với thiên tai; ngập úng cho các thành phố lớn; củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa; Tăng cường năng lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách hành chính về BĐKH; Huy động sự tham gia của tất cả các ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Ngoài ra Việt Nam tiếp tục xây dựng các mô hình ứng phó hiệu quả dựa vào cộng đồng, nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực. Phát triển khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực tài chính là vấn đề không thể thiếu”, ông Tuệ nói.

Thực tế từ nhiều năm qua cho thấy, Việt Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Biến đổi khí hậu sẽ làm cho thiên tai trở nên trầm trọng hơn, nhiều đối tượng bị tổn thương bởi thách thức này. Với kinh nghiệm lâu năm trong phòng chống thiên tai, Việt Nam đã và sẽ có chính sách để sử dụng các kiến thức bản địa, đồng thời huy động sự tham gia của người dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chu Thanh Hương (từ Paris – Pháp)

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
COP 21: Việt Nam với chính sách ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO