Cởi nút thắt trong tích tụ ruộng đất: Tích tụ ruộng đất - xu hướng tất yếu

Thúy An| 26/10/2021 10:58

(TN&MT) - Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tích tụ ruộng đất thúc đẩy đầu tư áp dụng khoa học công nghệ, chuyên canh, hiện đại hóa, công nghiệp hóa khu vực nông nghiệp. Tích tụ ruộng đất là yêu cầu tất yếu, khách quan nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, sức cạnh tranh của nền nông nghiệp nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung. 

Khắc phục nhiều hạn chế trong sử dụng đất nông nghiệp

Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, hệ thống pháp luật về đất đai từng bước được hoàn thiện, đã có những cải cách, đổi mới, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai và thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai; khẳng định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, từng bước mở rộng các quyền của người sử dụng đất.

Cụ thể, các chính sách về đất đai thời gian gần đây đã khắc phục được nhiều hạn chế của việc sử dụng đất nông nghiệp như: Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, trong đó kể cả diện tích vượt hạn mức giao đất; Cho phép chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Tập trung, tích tụ ruộng đất nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao.

Những thay đổi này đã tạo điều kiện thúc đẩy người sử dụng đất mở rộng sản xuất, khuyến khích nông dân gắn bó, yên tâm đầu tư lâu dài vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội. Các quyền của người sử dụng đất được mở rộng, được Nhà nước bảo đảm thực hiện tạo điều kiện để người sử dụng đất gắn bó hơn với đất đai, người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, các hình thức tích tụ, tập trung đất đai được thực hiện trên thực tế ở nhiều địa phương như Hà Nam, Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Nghệ An… bước đầu đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng ghi nhận, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chậm tích tụ ruộng đất - nút thắt trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, là một trong những nút thắt của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Những vướng mắc về cơ chế, chính sách cản trở phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục được tháo gỡ.

Thực tế, đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Thị trường cho thuê đất chưa phát triển so với thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Có trường hợp đã tích tụ, tập trung được đất đai nhưng vẫn chưa tổ chức sản xuất và khai thác sử dụng đất đai có hiệu quả. Việc tiếp cận đất nông nghiệp của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do quỹ đất nông nghiệp đã được giao, cho thuê cho các tổ chức, cá nhân sử dụng. Không ít nơi chưa có sự đồng thuận cao của người sử dụng đất nên không thể tích tụ, tập trung đất đai.

Mặt khác, tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp nhưng chưa gắn kết đồng bộ giữa kinh tế nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp với khoa học công nghệ và thị trường nên chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.

Hài hòa lợi ích trong tích tụ ruộng đất

Sau khi thực hiện tổng kết các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất ở Hà Nam, Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Nghệ An…Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nguyên tắc quan trọng nhất để thực hiện thành công chủ trương này là tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, đặc biệt là của người dân.

Chính phủ đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều nội dung được đưa vào Dự thảo như: quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê... và thế chấp quyền sử dụng đất của người sử dụng đất nông nghiệp; thời hạn sử dụng đất nông nghiệp theo hướng được nâng lên; hạn mức sử dụng đất nông nghiệp được mở rộng... Đây được coi là “chìa khóa” quan trọng để thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Đặc biệt, cần ưu tiên các hình thức tập trung đất, trong đó bảo đảm người dân không mất quyền sử dụng đất, sử dụng đất hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường, Nhà nước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ có liên quan một cách đầy đủ và thuận lợi nhất. 

Ngoài ra, tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phải dựa trên cơ sở tự nguyện; phải phù hợp với điều kiện về đất đai, địa hình, khí hậu thực tế từng vùng, từng địa phương. 

Tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phải theo quy hoạch, định hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tăng hiệu quả sử dụng đất với quy mô, hình thức sản xuất phù hợp, gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động - việc làm trong nông nghiệp, nông thôn. Tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phải gắn với nhu cầu của thị trường và năng lực sản xuất từng vùng, từng khu vực, từng địa phương.

Tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phải đạt được mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tăng hiệu quả sử dụng đất với những quy mô và hình thức sản xuất phù hợp, gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động - việc làm trong nông nghiệp, nông thôn.

Bởi thế, việc lựa chọn hình thức và giải pháp để thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp không chỉ dựa trên thực tiễn của quá khứ và hiện tại, mà còn phải gắn với tầm nhìn và mục tiêu trong tương lai của phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Chính sách tích tụ ruộng đất phải nhằm vào phát triển kinh doanh nông nghiệp, vì nông dân, cho nông dân. Khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp, nghiêm cấm việc đầu cơ ruộng đất, sử dụng ruộng đất kém hiệu quả. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cởi nút thắt trong tích tụ ruộng đất: Tích tụ ruộng đất - xu hướng tất yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO