Chuyên gia hiến kế cấp bách giảm thiểu chất thải rắn tại đô thị: Đưa chính sách quản lý vào cuộc sống
(TN&MT) - Trước mối lo về môi trường do chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) gây ra, tại Tọa đàm "Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị" mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ nhiều giải pháp cho mục tiêu giảm thiểu hiệu quả.
Nhiều mối nguy
Trước làn sóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường, trong đó có chất thải rắn. CTRSH và chất thải nhựa tại các đô thị,... ngày càng gây áp lực nặng nề lên xã hội.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức: Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng chất thải rắn lớn, phát sinh từ các khu đô thị, nông thôn và khu công nghiệp. Theo thống kê của Cục, đến cuối năm 2023, cả nước phát sinh khoảng 24,5 triệu tấn CTRSH. Về cơ sở và công nghệ xử lý hiện nay, toàn quốc hiện có 1.456 cơ sở xử lý CTRSH, trong đó có 7 cơ sở đốt CTRSH có phát điện; 7 dự án đốt rác phát điện; 476 cơ sở đốt chất thải rắn không phát điện, 951 cơ sở chôn lấp CTRSH.
Về công nghệ xử lý, theo số liệu năm 2019, có 70% rác thải chôn lấp, con số này hiện đã giảm xuống còn khoảng 64%. "Theo Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia, mục tiêu đến năm 2030 toàn quốc giảm tỷ lệ CTRSH chôn lấp trực tiếp xuống còn dưới 30%. Đây là áp lực rất lớn cho ngành và các địa phương bởi thời gian qua, Bộ TN&MT đã quan tâm chỉ đạo sát sao mới giảm được 6%", Cục trưởng Hoàng Văn Thức chia sẻ.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, có khoảng 20% CTRSH ở nước ta có thể tái chế; 60% chất thải hữu cơ có thể làm compost, phân vi sinh, biogas... chất thải còn lại có thể đốt thu hồi nhiệt hoặc chôn lấp. Như vậy, phần lớn các thành phần trong CTRSH đều có thể tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng.
Trong các loại chất thải thì CTRSH khó quản lý và xử lý triệt để nhất do ý thức của đa số người dân còn chưa cao, hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, tại các đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa cao, các khu vực phát triển công nghiệp nhanh, nguồn phát sinh CTRSH tăng nhanh trong các năm gần đây, nhiều nơi không thể bố trí địa điểm chôn lấp mới trong khi chưa có các công nghệ xử lý tiên tiến thay thế, người dân chưa triệt để thực hiện phân loại.
Đưa chính sách vào cuộc sống
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những hoạt động quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường và không thể tách rời với công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói chung. Giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt nói chung, rác thải nhựa nói riêng cần sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và người dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho rằng, vấn đề chủ yếu và cấp bách nhất là phải đưa chính sách quản lý CTRSH đi vào cuộc sống. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, hạn chót ban hành các quy định về CTRSH ở địa phương là 31/12/2024. Bắt đầu từ năm 01/01/2025, tất cả các địa phương phải triển khai quy định về phân loại rác tại nguồn.
Với mong muốn nâng cao hiệu quả trong thực thi chính sách, Cục trưởng Hoàng Văn Thức đề xuất tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý CTRSH cần đi theo hướng giảm thiểu chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng.
Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình điểm về tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ CTRSH, lựa chọn mô hình phù hợp nhân rộng trên phạm vi cả nước. Áp dụng công nghệ tái chế hiện đại, thân thiện môi trường thay thế công nghệ cũ, lạc hậu.
Ông Văn Ngọc Thịnh - Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) khuyến nghị các địa phương triển khai các giải pháp và mô hình dựa vào cộng đồng, song song với việc hoàn thiện hệ thống quản lý và đồng bộ cơ sở hạ tầng như: Ưu tiên thực hiện ngay từ các cơ quan, đơn vị hành chính giảm sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; Tổ chức các phong trào cộng đồng tham gia xóa điểm nóng rác thải, ngăn chặn chất thải thất thoát ra môi trường; Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng dân cư; Thúc đẩy các mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn trong cộng đồng, như mô hình "Ngư dân mang rác về bờ", Giáo dục bằng hành động tại các hộ gia đình, hay mô hình "Trường học không rác thải nhựa".