Tham dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Tổng cục Môi trường; Cục Báo chí (Bộ Thông tin và truyền thông); Vụ tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương); dại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cùng với đó là lãnh đạo TP. Đà Nẵng, đại biểu 11 tỉnh ven biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; các doanh nghiệp và đông đảo chuyên gia về môi trường...
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hiện mỗi ngày Đà Nẵng có trên 1.100 tấn rác thải được thu gom và xử lý chôn lấp vệ sinh. Dự kiến, từ năm 2020 - 2025, phát sinh hơn 1.800 tấn/ngày; giai đoạn năm 2025- 2030 là hơn 2.400 tấn/ngày. Những con số cảnh báo trên cho thấy, đô thị Đà Nẵng đang đối mặt với quá nhiều áp lực về vấn đề rác thải trong tương lai. Hạ tầng kỹ thuật công tác thu gom - vận chuyển - xử lý chất thải rắn của thành phố thời gian qua có chiều hướng suy giảm, chưa đảm bảo, gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong thành phần rác thải của thành phố có sự gia tăng đáng kể thành phần rác thải nhựa và các loại khó phân hủy. Do đó việc xác định, lựa chọn các giải pháp về quản lý, công nghệ, kỹ thuật để xử lý hiệu quả đối với rác thải là rất quan trọng.
Ông Lê Trung Chinh thông tin, trong phong trào “Chống rác thải nhựa”, từ tháng 10/2018, với sự phát động của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phố đã chỉ đạo, giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, chủ trì tổ chức triển khai. Gần một năm thực hiện, phong trào bước đầu đã có nhiều hoạt động, hình thức tiêu biểu, đặc biệt là sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cộng đồng và người dân; đã có những doanh nghiệp tiên phong trong các sáng kiến, lồng ghép các hoạt động giảm thiểu nhựa dùng một lần vào chiến lược phát triển và coi đó là giá trị cốt lõi cho sự phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, do đó việc huy động thêm các doanh nghiệp khác cùng tham gia trong thời gian sắp tới là vô cùng cần thiết...
“Để hướng tới mục tiêu trở thành thành phố môi trường, trong các tiêu chí ở giai đoạn mới, thành phố Đà Nẵng bổ sung chỉ tiêu cụ thể về giảm rác thải nhựa, túi nilon cần đạt được tại các cấp quận, huyện và Sở, ngành. Đây sẽ là hoạt động xuyên suốt trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố. Tọa đàm hôm nay thực sự là cơ hội để các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, truyền thông chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận để xây dựng các định hướng, các giải pháp cụ thể, hữu ích, phù hợp để phong trào chống rác thải nhựa dần đi vào thực tiễn, bền vững...”, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh nói.
Tại tọa đàm, các đại biểu Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp cũng đã trình bày nhiều tham luận. Trong đó có những tham luận nổi bật như “Bối cảnh chung của thế giới và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 - Giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý rác thải nhựa hiện nay” của Bà Phạm Thu Hằng- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; “Công tác tuyên truyền với phong trào chống rác thải nhựa” của bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Vụ trưởng vụ tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương; “Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” - Những hành động tích cực từ các hiệp hội doanh nghiệp của Đà Nẵng” của ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Đà Nẵng; “Doanh nghiệp du lịch hưởng ứng thực hiện Phong trào Chống rác thải nhựa” của Ông Stefano Maccagno - Tổng Giám đốc khách sạn Four Points by Sheraton Danang- Tập đoàn Alphanam...
Nổi bật trong chương trình là sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông- báo chí về những chủ đề chống lại ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa; đề xuất các ý tưởng, sáng kiến xanh về tái chế, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; tích cực chung tay tuyên truyền cùng hành động chống rác thải nhựa.
Cũng tại tọa đàm, UBND TP. Đà Nẵng đã đưa ra dự thảo “Kế hoạch hành động về phong trào Chống rác thải nhựa của thành phố” và đã được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Hội, đoàn thể của Đà Nẵng ký cam kết.
Kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, ô nhiễm rác thải nhựa đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, để tiếp nối các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019, góp phần giải quyết ô nhiễm nhựa, nilon trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam; tôi kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa, túi nilon sử dụng một lần.
Trước hết, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.
Thứ hai, phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu đô thị, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn... không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần.
Thứ ba, tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định, chính sách để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, phân loại rác tại nguồn. Tăng cường đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong xử lý, tái chế chất thải nhựa và phát triển các sản phẩm, vật liệu thay thế, thúc đẩy nhanh nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam...
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế chung tay hành động chống rác thải nhựa, nhất là rác thải nhựa đại dương vì sự phát triển thịnh vượng chung của nhân loại và mỗi quốc gia.
Thứ năm, đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần của người dân. Đồng thời, phát hiện gương điển hình, mô hình tốt, cách làm hiệu quả, tạo sức lan tỏa, thắp sáng nỗ lực của toàn xã hội để phong trào Chống rác thải nhựa ngày càng được nhân rộng.
Thứ sáu, đối với 28 tỉnh/thành phố có biển và các cơ quan đơn vị tại các địa phương ven biển cần tăng cường tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã được làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý, kiên quyết không để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển...
“Tôi hoan nghênh việc làm ý nghĩa mà Báo TN&MT phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã tổ chức hôm nay. Tôi mong rằng các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, UBND các tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước triển khai rà soát, đánh giá hiện trạng công tác chỉ đạo và phân loại, thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp tổng thể về chính sách, công nghệ, huy động nguồn lực của toàn xã hội nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn. Bên cạnh đó, tổ chức lễ phát động, lễ ra quân và các hoạt động thiết thực, trực tiếp hoặc góp phần giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin, tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ môi trường, các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019...”, Thứ trưởng nhấn mạnh.