Bạn đọc - Pháp luật

Long đong "phận sứa" trên đảo Cô Tô - Kỳ 3: Cần có vùng quy hoạch sứa tập trung

Doãn Xuân – Phạm Hoạch 26/04/2024 - 08:03

Đi tìm lời giải cho “phận sứa” trên đảo Cô Tô, chúng tôi đã phải nhờ vào nhiều mối quan hệ để liên lạc và được trao đổi với nguyên Bí thư đầu tiên của xã Cô Tô (nay là Thị trấn Cô Tô); Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, người tiên phong và gắn bó mật thiết, cũng như chứng kiến quá trình thịnh suy của nghề chế biến sứa nơi đây. Đồng thời, chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia và đơn vị quản lý nhà nước tỉnh Quảng Ninh với hy vọng tìm lại “danh phận” cho nghề chế biến sứa.

20240327_104832.jpg
Công nhân đang vận chuyển sứa vào khu "ăn muối"

Sớm có lời giải cho “phận sứa” ở Cô Tô

Cô Tô được xem là “rốn sứa” của ngư trường miền Bắc, “kho vàng trắng” vô giá mà thiên nhiên đã dành tặng cho người dân Cô Tô nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Bởi sau mỗi mùa thu hoạch, chế biến, con sứa đã đem lại cho ngư dân và các cơ sở chế biến sứa nguồn lợi kinh tế rất lớn, đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương.

Nghề chế biến sứa tỉnh Quảng Ninh phát triển rất mạnh ở huyện Vân Đồn và Cô Tô, điều đó được thể hiện vào năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh đã ra Văn bản số 255/KHCN-QLKH ngày 29/3/2013 về việc ứng dụng và nhân rộng kết quả thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực chế biến sứa biển tập trung tại huyện Cô Tô và Vân Đồn”. Sau đó, huyện Cô Tô đã có Thông báo số 48/TB-UBND ngày 3/6/2013 về việc hướng dẫn công nghệ xử lý chất thải của hoạt động chế biến sứa biển trên địa bàn. Đồng thời tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn xây dựng hệ thống bể xử lý nước thải từ hoạt động chế biến sứa biển cho tất cả các cơ sở.

anh-5(1).jpg
Công nhân xử lý nhớt sứa – quy trình bắt buộc trước khi tiến hành cho sứa “ăn muối”

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết: Đến nay, tất cả các cơ sở chế biến sứa biển đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Hiện khu vực Thôn 2, xã Thanh Lân đã được UBND xã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các cơ sở chế biến sứa. Như vậy, có thể khẳng định, chủ trương xây dựng và phát triển vùng chế biến sứa tập trung ở Cô Tô đã được manh nha từ rất lâu. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm phát triển, nghề chế biến sứa vẫn còn tên nhưng “danh phận” thật sự cho nghề này thì còn đó câu hỏi thiếu lời giải!

HĐND huyện Cô Tô đã xác định sứa biển là sản phẩm lợi thế ngành khai thác và chế biến thủy sản của huyện, do đó đã đưa vào Nghị quyết số 66/NQ-HĐND ngày 19/12/2019, nhằm thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất đối với con sứa. Thế nhưng, không hiểu vì sao, đến nay “phận sứa” vẫn long đong trên đảo, thiếu đất để dung thân.

Ông Mai Tuấn Phượng - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, người tiên phong và gắn bó với sự thịnh suy của nghề chế biến sứa ở Cô Tô, cho biết: “Huyện Cô Tô có vị trí chiến lược quan trọng đặc biệt trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Với ngư trường rộng hơn 300km2, vùng biển Cô Tô được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao, trong đó có con sứa. Để tận dụng tài nguyên và tạo việc làm cho ngư dân trên đảo, lãnh đạo huyện Cô Tô đã giao cho tôi phối hợp với các sở, ngành giúp các chủ xưởng sứa xây dựng hệ thống nhà xưởng, bể thu gom và xử lý nước thải từ hoạt động sản xuất sứa. Sau đó, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội huyện Cô Tô có quy hoạch sản xuất sứa vào cụm công nghiệp Nam Âu cảng hậu cần nghề cá, lúc đó chưa xác định vị trí cụ thể để quy hoạch sản xuất sứa tập trung, vì phải đợi quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vùng nuôi trồng, chế biến thủy sản huyện Cô Tô”.

Chia sẻ với chúng tôi khi đề cập về tiềm năng và triển vọng của con sứa ở Cô Tô, ông Bùi Điển, năm nay gần 80 tuổi, hơn 50 năm tuổi Đảng, Nguyên là Bí thư đầu tiên của xã Cô Tô (nay là thị trấn Cô Tô), cho biết: Nghề khai thác và chế biến sứa vốn có từ lâu, mỗi năm vào vụ sứa đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương và các tỉnh khác đổ về. Con sứa biển Cô Tô vừa đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, vừa đóng góp vào nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy vậy, việc một số hộ dân thuê đất để xây dựng xưởng chế biến sản phẩm từ con sứa biển chưa mang tính lâu dài, khu chế biến không có đường giao thông đi lại, không điện lưới, không nguồn nước ngọt. Bởi vậy, các cấp chính quyền cần tính toán lập quy hoạch khu vực chế biến tập trung sao cho phù hợp, mang tính lâu dài. Còn về trước mắt, chính quyền địa phương nên tiếp tục cho các hộ dân thuê đất để an tâm đầu tư, ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Về lâu dài, các ngành liên quan, huyện Cô Tô cần có phương án xây dựng thương hiệu sứa Cô Tô để tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm từ sứa.

anh-2(2).jpg
Công nhân cho sứa “ăn muối”

Ông Điển cho biết thêm: “Dân biển chỉ biết làm nghề liên quan tới biển, nếu không khéo trong việc giải quyết việc làm cho họ thì rất lo ngại. Anh biết đấy, thực tế lâu nay đang chứng minh, nhiều người dân Cô Tô là nữ giới, người già, thậm chí nhiều người trẻ bỏ nghề biển chỉ còn cách đi làm rửa bát, bưng bê, lau dọn thuê cho các nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, nhưng cũng chỉ tập trung được mấy tháng hè, đến mùa đông thì lại không có việc làm, nên theo tôi, huyện Cô Tô cần quan tâm phát triển đa dạng ngành nghề, không phân biệt đối xử với ngành nghề nào cả, miễn sao ngành nghề đó giải quyết nhiều việc làm, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân, mà Nhà nước vẫn thu được ngân sách”.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: Để nâng cao giá trị con sứa, cần quan tâm từ khâu sơ chế đến chế biến sâu để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô dưới hình thức “ăn đong”, bởi các sản phẩm dưới dạng tươi sống, khó bảo quản, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ. Hiện, Quảng Ninh đã xây dựng quy hoạch nhiều cụm, khu công nghiệp, trong đó có các nhà máy chế biến thủy sản, tạo ra các sản phẩm thủy sản có giá trị cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, vẫn nên duy trì nghề khai thác, chế biến con sứa và tất nhiên phải kết hợp được với các nhà máy có dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại để tạo ra sản phẩm sứa ăn liền cung cấp trong nước và đáp ứng xuất khẩu.

Cần bổ sung sớm quy hoạch khu chế biến sứa tập trung

Được biết, từ năm 2014, tại Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Cô Tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện đã đặt ra mục tiêu rất rõ ràng: Cô Tô nên thu hút những doanh nghiệp nước ngoài của Hàn Quốc, Nhật Bản cho ngành chế biến sứa, bởi những quốc gia này là thị trường tiêu thụ trực tiếp cho các sản phẩm sứa hiện nay. Hơn nữa, tiêu chuẩn kỹ thuật để sản phẩm sứa Việt Nam nói chung và của Cô Tô nói riêng có thể thâm nhập trực tiếp vào thị trường này trên thực tế là khá cao. Vì vậy, để tăng giá trị của sản phẩm sứa Cô Tô, cần thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước để áp dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại hơn trong việc sản xuất các sản phẩm sứa ăn liền.

anh-1.png
Nhiều chủ cơ sở chế biến sứa có nguy cơ mất nghề, hàng ngàn lao động sẽ mất việc nếu như huyện Cô Tô không quyết tâm bổ sung quy hoạch vùng sản xuất sứa tập trung

Ngoài ra, năm 2018, UBND huyện Cô Tô đã ban hành Quyết định số 750/QĐ-UBND, ngày 20/12/2018 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ: 1/500 vùng nuôi trồng, chế biến thủy sản huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với quy mô 28 cơ sở chế biến sứa, tổng diện tích 9ha, tại Khu 4, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô. Đây có thể coi là cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng để các chủ xưởng chế biến sứa tin tưởng vào kế hoạch dài hạn của chính quyền huyện Cô Tô, để rồi họ lạc quan “ném tiền tỷ” vào khu chế biến sứa tập trung ở Khu 4, thị trấn Cô Tô mà không hề hay biết quy hoạch đó tới nay vẫn còn nằm “trên giấy”.

Một chủ xưởng (xin giấu tên) ở thị trấn Cô Tô bức xúc: “Thú thật chúng tôi (các chủ xưởng chế biến sứa) có cảm giác mình bị dụ “kẹo ngọt” vậy, ban đầu vận động, kêu gọi chúng tôi đầu tư khu chế biến sứa để tận dụng tài nguyên biển dồi dào và góp phần giải quyết việc làm cho người dân, đến nay, khu chế biến sứa đã thành hình hài rõ rệt thì huyện Cô Tô ra thông báo thu hồi đất, không gia hạn thuê đất, vậy có khác gì đánh đố?! Chúng tôi rất hoang mang và cũng không biết tương lai sẽ ra sao”.

Thời gian khai thác sứa biển ở Cô Tô bắt đầu từ tháng 12 âm lịch năm trước tới hết tháng 3 dương lịch năm sau (tùy từng năm, nếu mưa kèm sấm muộn thì vụ khai thác sứa biển có thể kéo sang tháng 4); hàng năm thu hút khoảng 120 - 150 tàu thuyền tham gia khai thác sứa, sản lượng sứa đóng thùng khoảng 220.000 - 250.000 thùng (tùy theo mùa khai thác trong năm); số lao động tham gia nghề chế biến sứa bình quân khoảng 2.000 - 2.500 người/vụ. Cụ thể: Lao động khai thác (vớt, lưới) ước tính khoảng từ 1.000 - 1.500 lao động (lao động trong huyện Cô Tô chiếm khoảng 20 - 25%); Lao động tại các cơ sở chế biến khoảng 1.000 lao động (lao động trong
huyện Cô Tô chiếm khoảng 40%); Thu nhập bình quân từ 12 - 18 triệu đồng/lao động/tháng.

Trong khi đó, theo Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Phụ lục số V, của Quyết định số 80 đã phê duyệt Cụm công nghiệp Nam Âu cảng thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, diện tích dự kiến 10ha, với tính chất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông - lâm - thủy sản... Đến ngày 24/2/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phân bổ trên địa bàn huyện Cô Tô bố trí đất cụm công nghiệp 10ha để phát triển phù hợp với quy hoạch tỉnh theo Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ.

anh-4(1).jpg
Nhiều chủ xưởng sứa phải dừng sản xuất do huyện Cô Tô ra thông báo thu hồi đất

Sau đó, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh liên quan tới việc quy hoạch vùng sản xuất sứa tập trung tại huyện Cô Tô, tỉnh sau đó đã giao cho các Sở chuyên môn trả lời. Theo Văn bản trả lời phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh có ghi: Thực hiện Nghị quyết số 201/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm hoặc không phù hợp với quy hoạch, huyện Cô Tô đang triển khai các bước để sắp xếp, bố trí lại các cơ sở sản xuất sứa cho phù hợp, thời gian hoàn thành: Phải đảm bảo các trình tự, thủ tục theo quy định, dự kiến năm 2024 phấn đấu: Lập, phê duyệt Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; Lập phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp.

Ngoài ra, Văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh còn khẳng định: Việc sử dụng đất thuê của hộ gia đình cá nhân khi hết hạn mà không được gia hạn sẽ không được bồi thường về tài sản trên đất, các vấn đề liên quan đến xử lý tài sản trên đất sau thu hồi, tiền vay ngân hàng… thì chủ cơ sở chế biến sứa có trách nhiệm với các tổ chức tín dụng. Đồng thời, đối với nguyện vọng của các hộ gia đình, cá nhân xin thuê đất để chế biến thủy sản, sứa biển trên địa bàn huyện sẽ được xem xét gia hạn thuê đất hoặc không gia hạn và được UBND huyện Cô Tô và các cơ quan chuyên môn thông báo, công khai rộng rãi để các cơ sở, UBND các xã, thị trấn biết để tổ chức thực hiện.

Video cần quy hoạch vùng sản xuất sứa tập trung ở Cô Tô

Ông Mai Tuấn Phượng cho biết thêm: Huyện Cô Tô cần có quy hoạch vùng sản xuất sứa tập trung. Bởi huyện Cô Tô đã có quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao, do đó cần quy hoạch khu sản xuất, chế biến sứa tập trung (đây là tiền đề quan trọng để cung cấp sản phẩm sứa nguyên liệu phục vụ cho chế biến sâu các sản phẩm từ sứa sau này - PV) để không làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch, dịch vụ. Khi đã có khu chế biến tập trung đạt tiêu chuẩn cũng là điểm đến tham quan, học tập của du khách thập phương, kết hợp quảng bá sản phẩm để tiêu thụ hàng hóa.

Trong quá trình sản xuất sứa tập trung, cần diện tích mặt bằng để xây hệ thống bể chứa và có sử dụng một lượng hóa chất (muối nhập về từ Ấn Độ, có độ mặn cao - PV) nhất định để làm sạch sản phẩm, vì vậy khu chế biến sứa cần nằm biệt lập với khu vực khác để không làm ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cô Tô. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến sứa Cô Tô đã hình thành từ rất lâu và nằm cách xa khu dân cư (mũi Đuôi Chuột - PV), các điểm du lịch, bãi tắm ở Cô Tô. Do đó nên nghiên cứu lập quy hoạch tại các cơ sở đang hoạt động chế biến sứa hiện nay, tất nhiên cả thị trấn Cô Tô và xã Thanh Lân là phù hợp - ông Phượng thẳng thắn chia sẻ.

img_7653.jpg
Công nhân bốc sứa lên tàu thủy để đưa vào miền Nam tiêu thụ

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Khi có dự án mới về khu chế biến sứa tập trung tại huyện Cô Tô được chấp thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ căn cứ chức năng nhiệm vụ tham gia cụ thể vào từng hồ sơ hoặc chủ trì tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường nếu thuộc thẩm quyền, trong đó yêu cầu chủ dự án đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, công trình xử lý chất thải đảm bảo thu gom, xử lý chất thải theo quy định trước khi xả thải ra môi trường.

Thiết nghĩ, việc quy hoạch khu vực chế biến sứa tập trung tại huyện Cô Tô cần sớm được triển khai với sự vào cuộc của UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng các Sở, ngành liên quan. Vì nếu không sớm đưa vào quy hoạch hoặc chính quyền “thiếu mặn mà” với con sứa sẽ dẫn tới chậm trễ cho tương lai phát triển của ngành khai thác, chế biến và xuất khẩu sứa mà huyện Cô Tô đã từng khẳng định và đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Cô Tô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long đong "phận sứa" trên đảo Cô Tô - Kỳ 3: Cần có vùng quy hoạch sứa tập trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO