Cảnh báo sớm không để bị động vì thời tiết cực đoan

Tuyết Chinh (thực hiện)| 27/02/2020 16:29

(TN&MT) - Một trong những thách thức đặt ra trong quản lý tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề cảnh báo sớm để ứng phó với thời tiết cực đoan.

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) đã có những trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường xung quanh vấn đề này.

 PV: Trong bối cảnh tác động tiêu cực của BĐKH, cảnh báo sớm để ứng phó với thời tiết cực đoan cần được chú trọng. Vấn đề này được triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường:

Biến đổi khí hậu đã và đang tác động khiến tình hình khí tượng thủy văn (KTTV), đặc biệt là thiên tai những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, cả về không gian, thời gian và quy mô. Để ứng phó với diễn biến phức tạp và khó lường của thiên tai, Tổng cục KTTV đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoàn thiện các văn bản pháp luật, các quy trình quy định về dự báo, cảnh báo, quan trắc, truyền tin; theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến KTTV và thiên tai trên phạm vi cả nước, đảm bảo các thông tin dự báo, cảnh báo được ban hành kịp thời, sát với diễn biến của thiên tai.

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT)

Nhờ có các chỉ đạo thường xuyên, sát sao, và kịp thời của Tổng cục, nên các bản tin dự báo, cảnh báo đã được chi tiết hơn, đáp ứng được tốt hơn yêu cầu của các cơ quan phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, góp phần giảm thiểu thiệt hại, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế  - xã hội của quốc gia.

Cụ thể, các bản tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới đã kéo dài thời hạn dự báo đến 3 ngày và cảnh báo đến 5 ngày. Các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn diện rộng, nắng nóng, không khí lạnh cũng cảnh báo trước 2 - 3 ngày và dự báo trước 1 - 2 ngày. Nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sớm và sát với thực tế xảy ra… được chuyển kịp thời đến các cơ quan phòng chống thiên tai các cấp và được đánh giá cao của cộng đồng xã hội.

PV: Vai trò của cảnh báo sớm rất quạn trọng, việc hiện đại hóa hệ thống quan trắc và công nghệ dự báo được đầu tư ra sao?

Ông Hoàng Đức Cường:

Về hệ thống quan trắc, Tổng cục đã đầu tư xây dựng mới và duy trì hiệu quả hệ thống quan trắc kết hợp truyền thống, hiện đại và tự động bao gồm 327 trạm quan trắc khí tượng (trạm nông nghiệp, bức xạ, trạm thủ công, tự động); 781 trạm đo mưa tự động; 359 trạm quan trắc thủy văn (trạm thủ công và tự động); 27 trạm quan trắc hải văn; 18 trạm, điểm đo môi trường.

Về công tác dự báo, cảnh báo và phòng chống thiên tai KTTV, Tổng cục chỉ đạo các đơn vị dự báo đổi mới công tác dự báo theo hướng hiện đại, tiếp cận theo định hướng phát triển của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), dự báo tác động đến các ngành nghề như nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, y tế, du lịch... để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội. Bản tin dự báo thời tiết được thể hiện chi tiết đến từng thành phố, thị xã trên toàn quốc.

Hiện đại hóa dự báo KTTV

Đặc biệt, các đơn vị dự báo theo dõi chặt chẽ và dự báo, cảnh báo kịp thời, sát diễn biến các hiện tượng KTTV nguy hiểm như: Áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, nước dâng, nắng nóng, hạn hán, rét hại, sương muối; cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV một cách đầy đủ, kịp thời và dưới nhiều hình thức cho các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương, các cơ quan truyền thông, báo chí phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai.

PV: Nếu dùng một câu để đánh giá về khả năng “cảnh báo sớm” các hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay là gì, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường:

Theo tôi, đó là sự chủ động và sát thực tế. Mặc dù vậy, các hiện tượng thời tiết cực đoan vốn mang tính bất định, bất quy luật, lại thêm tác động của biến đổi khí hậu, các hoạt động của con người và hạn chế về khoa học công nghệ nên thách thức đặt ra cho dự báo, cảnh báo còn rất lớn.

Việc dự báo, cảnh báo thiên tai đã khó, việc đánh giá mức độ tác động, tính rủi ro, mức độ nguy hiểm của thiên tai khó khăn hơn vì còn phụ thuộc vào hiện trạng, năng lực ứng phó của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và gián tiếp của thiên tai.

PV: Trước những cái “khó” như vậy, theo ông cơ quan dự báo KTTV có giải pháp cụ thể gì?

Ông Hoàng Đức Cường:

Để nâng cao hiệu quả cảnh báo sớm các thiên tai KTTV, Tổng cục sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm thông tư, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật KTTV và các văn bản quy phạm pháp luật khác để thực thi hiệu quả luật KTTV.

Năm 2019, Tổng cục đã đưa trạm ra đa thời tiết Quy Nhơn vào hoạt động ngay trước khi các cơn bão số 5, số 6 ảnh hưởng trực tiếp khu vực Nam Trung Bộ. Đồng thời, củng cố hoạt động của toàn bộ mạng lưới gồm 10 trạm ra đa, 6 trạm thám không vô tuyến, 18 trạm phát hiện giông sét trong mạng lưới định vị sét toàn cầu được đưa vào sử dụng. Tổng cục đang rà soát, xây dựng quy hoạch mạng lưới quan trắc tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó, tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; sử dụng hiệu quả vốn từ ngân sách và nguồn lực xã hội để tăng cường mạng lưới trạm KTTV; ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo KTTV; chú trọng truyền tin thiên tai; nêu cao tinh thần chủ động trong cảnh báo, đánh giá và xác định các rủi ro do thiên tai có thể gây ra; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai, nâng cao ý thức của người dân chủ động cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo từ các nguồn tin chính thống, chủ động lên phương án phòng tránh khi có nguy cơ xảy ra thiên tai tại khu vực mình sinh sống.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo sớm không để bị động vì thời tiết cực đoan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO