Bình Thuận: Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu
(TN&MT) - Trước tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan, những năm gần đây, tỉnh Bình Thuận đã chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ và kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) nhằm giảm thiệt hại kinh tế, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thời tiết cực đoạn
Bình Thuận là một trong những tỉnh thuộc khu vực miền Trung nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng ẩm, lượng mưa lại phân bố không đồng đều. Chính vì vậy, địa phương này chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, trong đó bão, lũ lụt và hạn hán thường xuyên xảy ra.
Những năm gần đây trên địa bàn Bình Thuận nắng nóng kéo dài trong mùa khô, lượng mưa phân bố không đều, do đó, sau mỗi mùa gió Đông Bắc, khu vực bờ biển ở một số xã, huyện trên địa bàn xảy ra tình trạng sạt lở, đe dọa đến các khu dân cư bờ biển, khu du lịch và bãi tắm, làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, tình trạng sa mạc hóa ngày càng nghiêm trọng ở các địa phương ven biển. Tốc độ thoái hóa đất diễn ra ngày càng nhanh, đặc biệt tại các vùng trọng điểm khô hạn như huyện Bắc Bình.
Mặc dù nằm trong khu vực có khí hậu phức tạp nhưng Bình Thuận lại được thiên nhiên ban cho nguồn tài nguyên phong phú như: Đất đai màu mỡ, diện tích lưu vực các con sông chính khá lớn, tài nguyên biển với trữ lượng nguồn lợi hải sản lớn…
Để thích ứng với BĐKH ngày càng cực đoan, những năm qua tỉnh Bình Thuận đã có nhiều chủ trương, chính sách ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với khí hậu thực tại. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó với BĐKH, coi đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Chủ động ứng phó
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh văn bản tiếp tục chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, hàng năm UBND tỉnh Bình Thuận còn xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, từ đó làm cơ sở cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Nhiều địa phương đã chuyển đổi đất lúa để trồng các cây trồng khác có hiệu quả hơn. Việc luân canh cây trồng đã giúp hạn chế sự phát triển của dịch bệnh, cải tạo dinh dưỡng và sức khỏe cho đất, tiết kiệm nguồn nước vào mùa khô.
Tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai. Bên cạnh đó tỉnh còn tổ chức các lớp tập huấn cho người dân ở các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai nhằm nâng cao kiến thức, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai theo Đề án 1002 của Chính phủ về “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”.
Huy động các nguồn lực để thực hiện các biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và trồng rừng tập trung nhằm đảm bảo tối đa các yêu cầu phòng hộ, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì cân bằng sinh thái, ổn định về môi trường đất, môi trường nước và khí hậu, phòng chống thiên tai. Thực hiện tốt trồng rừng phòng hộ ven biển, trồng rừng thay thế và các dự án bảo vệ phát triển rừng. Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa, hệ thống kênh tiếp nước nối mạng, các công trình cấp nước sinh hoạt nhằm đảm bảo chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân, nhất là vùng khô hạn và phục vụ phòng chống hạn, ứng phó với BĐKH, đồi thời triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên toàn địa bàn.
Tỉnh Bình Thuận cũng đã tham gia dự án “Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải các-bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai trên địa bàn ba huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam.