Cần Thơ: Hiệu quả từ các dự án, mô hình xử lý rác sinh hoạt
(TN&MT) - Trong thời gian qua, nhằm chung tay cùng TP. Cần Thơ thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, các tổ chức quốc tế đã tích cực hỗ trợ thành phố triển khai một số dự án, mô hình thu gom, phân loại rác thải và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần xây dựng thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Thí điểm nhiều dự án, mô hình
Tháng 6/2020, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã phối hợp với Tổ chức Làm sạch biển (TOC) của Hà Lan triển khai thí điểm Dự án “Thu gom tự động rác nổi trên sông TP. Cần Thơ”. Hệ thống thu gom rác nổi này gồm: một chiếc xà lan, trên xà lan có gắn các thiết bị như lưới chắn rác, thùng chứa rác và đặt cố định trên sông Cần Thơ, đoạn thuộc phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều. Về nguyên lý hoạt động của hệ thống thu gom rác nổi này là nhờ vào sức đẩy của dòng chảy đưa rác men theo lưới chắn rác đến băng chuyền và lưu chứa tại các thùng rác. Khi tất cả các thùng chứa rác trên xà lan đã đầy sẽ được tàu kéo đến vị trí tập kết và chuyển rác lên bờ đưa đi xử lý.
Tiếp đến tháng 6/2024, Sở TN&MT TP. Cần Thơ phối hợp Tổ chức Quỹ đảo tái chế CLEAR RIVERS tổ chức khởi động Dự án “Thí điểm cải thiện việc thu gom rác thải nhựa đại dương bằng bẫy rác và thiết lập hệ thống tái chế địa phương. Mục tiêu của Dự án là tìm cách tiếp cận lâu bền và hiệu quả bằng cách thu hồi rác thải trên tuyến rạch Cái Khế (quận Ninh Kiều) bằng hệ thống bẫy rác; tái chế rác thải nhựa. Theo đánh giá của Sở TN&MT, sau một thời gian đi vào hoạt động, các dự án thu gom rác nổi tại một số tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố đã thu gom được tổng cộng 177 tấn rác thải, trong đó, riêng hệ thống thu gom rác nổi trên sông TP. Cần Thơ bằng xà lan đã thu gom được khoảng 175 tấn rác.
Ngoài 02 dự án trên, Sở TN&MT TP. Cần Thơ còn phối hợp với Tổ chức Quỹ đảo tái chế CLEAR RIVERS triển khai thí điểm mô hình “Trường học xanh giảm thiểu rác thải” tại trường Tiểu học Tô Hiến Thành (quận Ninh Kiều) với mục tiêu nhằm truyền đạt những kiến thức về nguồn gốc rác; phân biệt các loại rác; quy trình phân loại rác, ủ rác, tái chế rác nhựa, lợi ích của việc sử dụng lon nhôm cho giáo viên, phụ huynh học sinh, học sinh; tổ chức các chương trình, hoạt động để học sinh thực hành phân loại rác thải nhựa tại trường.
Ông Lưu Tấn Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Cần Thơ cho biết: Sau một thời gian đưa vào vận hành thí điểm, các dự án, mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải trên đại bàn thành phố đã thu được nhiềm kết quả tích cực. Cụ thể, các dưa án thu gom rác trên sông, kênh rạch với thiết kế đơn giản, chi phí vận hành thấp, nhưng hiệu quả mang lại tương đối cao thông qua khối lượng rác đã thu gom được; đồng thời, những số liệu về khối lượng rác thải cũng như các loại rác thải nhựa thu thập được từ các dự án này đã cung cấp cơ sở dữ liệu thực tế giúp cơ quan chức năng thành phố kịp thời đưa ra các giải pháp quản lý chất thải rắn nói chung, chất thải nhựa trên sông, kênh rạch nói riêng ngày càng tốt hơn.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Theo ông Lưu Tấn Tài với sự hiện diện của hệ thống thu gom rác thải trên sông, kênh rạch và các chương trình thực hành phân loại rác thải tại trường học trong thời gian qua, còn mang lại hiệu ứng tích cực về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân, giáo viên, học sinh; đồng thời cũng giúp người dân hiểu rõ hơn về sự quan tâm của thành phố trong việc triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, từ đó thay đổi những thói quen, hành vi xấu gây ô nhiễm môi trường nước, không khí.
Chia sẻ với Phóng viên, cô Nguyễn Trần Tú Trinh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Tô Hiến Thành cho biết, vào tháng 9/2024, Ban Giám hiệu Nhà trường rất vui mừng khi được Sở TN&MT TP. Cần Thơ, Tổ chức Quỹ đảo tái chế CLEAR RIVERS triển khai thí điểm mô hình “Trường học xanh giảm thiểu rác thải” tại trường. Với sự hỗ trợ tích cực từ Sở TN&MT và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, sau một thời gian thực hiện mô hình này bước đầu đã giúp các em học sinh của trường hình thành ý thức bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.
Theo cô Nguyễn Trần Tú Trinh, thông qua mô hình này đã giúp các em học sinh thu gom, phân loại và để rác thải đúng nơi quy định; hạn chế dùng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần; sử dụng rác thải nhựa tái chế làm các đồ dung dạy học và tích hợp vào giảng dạy ở các môn như: Stem, công nghệ, khoa học. Thông qua mô hình “Trường học xanh giảm thiểu rác thải”, giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học Tô Hiến Thành còn tận dụng, tái chế các sản phẩm nhựa thành bàn ghế, thùng rác, trang phục thời trang, đồ dùng học tập, đồ chơi, tranh treo tường hoặc trồng cây xanh, qua đó góp phần xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, bền vững.
Nhiều phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tô Hiến Thành đều cho rằng, thông qua mô hình “Trường học xanh, không rác thải” đã giúp cho các em học sinh nhận biết được đâu là rác thải sinh hoạt, đâu là rác thải nhựa; những tác hại của rác thải đối với môi trường, sức khỏe con người nếu không được thu gom, xử lý đúng cách cũng như lợi ích mang lại của việc tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa.
Từ những kết quả bước đầu của mô hình “Trường học xanh, không rác thải”, Ban Giám hiệu, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tô Hiến Thành cũng mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố cũng như Tổ chức Quỹ đảo tái chế CLEAR RIVERS tiếp tục hỗ trợ Nhà trường thực hiện mô hình này để gúp các em học sinh hiểu biết sâu rộng hơn về các biện pháp thu gom, phân loại, xử lý rác thải, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.