Biển đảo

Hạch toán vốn tự nhiên để phát triển kinh tế biển xanh bền vững

Khánh Ly 19/02/2025 - 18:35

(TN&MT) - Ngày 19/2, Cuộc họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo Dự án “Lồng ghép đánh giá và hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển vào kế hoạch phát triển của Việt Nam nhằm hướng tới nền kinh tế biển xanh bền vững một số lĩnh vực” đã diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

_mg_0073.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp

Dự án có thời gian triển khai 3 năm, từ 2024 – 2026 trên phạm vi cả nước, thí điểm thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu nhằm lồng ghép các giá trị của vốn tự nhiên, bảo vệ các hệ sinh thái biển và ven biển vào kế hoạch phát triển, cải thiện quản lý sinh cảnh. Từ đó, hỗ trợ chính sách phát triển kinh tế biển xanh bền vững tại Việt Nam.

Năm 2024, Ban Quản lý dự án tập trung vào các thủ tục theo quy định để tiếp nhận Dự án, kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện và xây dựng kế hoạch triển khai. Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, công tác chuẩn bị triển khai dự án đã hoàn tất và sẽ có những hoạt động cụ thể từ năm 2025. Đây có thể trở thành một minh chứng tốt cho việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

_mg_0092.jpg
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường chia sẻ về tiến độ dự án và Kế hoạch năm 2025

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường – Ủy viên Ban Chỉ đạo kiêm Giám đốc dự án quốc gia cho biết: Kết quả của dự án sẽ giúp hoàn thiện hệ thống thể chế quốc gia, dữ liệu và giám sát để áp dụng hạch toán vốn tự nhiên của kinh tế biển xanh.

Hoạt động thí điểm tại Quảng Ninh sẽ lồng ghép hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển, hỗ trợ tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 – 2030. Trong đó, tối đa hóa sự phối hợp của các ngành kinh tế và sử dụng không gian tài nguyên biển, ven biển; xác định lĩnh vực đầu tư và vận hành để cải thiện hiệu quả quản lý cho các khu bảo tồn, hướng tới giảm tác động vào vốn tự nhiên, sử dụng tài khoản tích hợp hệ sinh thái vốn tự nhiên.

Dự án cũng sẽ nâng cao nhận thức, truyền thông tập trung vào mối liên hệ giữa vốn tự nhiên, đa dạng sinh học và phát triển kinh tế.

_mg_0081(1).jpg
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo đã xem xét, cho ý kiến về kế hoạch thực hiện năm 2025 để có cơ sở triển khai các hoạt động của dự án, kiện toàn Ban chỉ đạo Dự án sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiến hành hợp nhất. Trong đó, chú trọng tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo thực hiện dự án theo kế hoạch; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực; tổ chức các chương trình, tập huấn chuyên sâu về hạch toán vốn tự nhiên cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp liên quan.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kế hoạch năm cần đưa ra chi tiết các nội dung cụ thể, cùng với điều khoản tham chiếu để tuyển dụng nhân sự, chuyên gia phù hợp.

Về vấn đề kỹ thuật, dự án hoàn thiện phương pháp luận về hạch toán vốn tự nhiên dựa trên phương pháp hạch toán kinh tế môi trường – hạch toán hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc. Khi áp dụng phương pháp này cần lưu ý có phần điều tra, khảo sát để có các hệ số phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Với hoạt động thí điểm tại tỉnh Quảng Ninh, ông Tuấn đề nghị làm việc với cả cơ quan chức năng và cộng đồng dân cư ven biển, có thể lồng ghép các hoạt động qua hệ thống khuyến nông, chương trình nông thôn mới của địa phương...

_mg_0088(1).jpg
Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại cuộc họp

Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế biển và coi đây là một trong những nội dung đột phá của năm 2025. Vấn đề đặt ra là việc xác định tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển xanh trong GDP rất khó khăn, không có căn cứ lập luận, đánh giá hay hạch toán các yếu tố thành phần. Bởi vậy, Quảng Ninh rất ủng hộ dự án và mong muốn đóng góp để xây dựng một phương pháp chung cho cả nước.

_mg_0063.jpg
Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu kết luận cuộc họp

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản nhất trí với đề xuất kế hoạch dự án năm 2025. Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT – cơ quan thường trực dự án tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Kế hoạch năm 2025 và Kế hoạch tổng thể cả dự án trong 3 năm; xác định rõ người, rõ việc để có cơ sở đảm bảo đúng tiến độ dự án đề ra.

Thứ trưởng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo tiếp tục rà soát kế hoạch và chủ động đề xuất tham gia hoạt động phù hợp, phát huy thế mạnh của từng đơn vị. Bên cạnh đó, đầu mối các cơ quan cần tích cực phối hợp để giải quyết các vấn đề thủ tục phát sinh trong quá trình 2 Bộ sáp nhập, đảm bảo dự án triển khai thông suốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạch toán vốn tự nhiên để phát triển kinh tế biển xanh bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO