Biến đổi khí hậu

Cần Thơ: Chuyển đổi phát triển sản xuất xanh, ứng phó BĐKH

Lê Hùng 13/10/2023 - 15:18

(TN&MT)- TP. Cần Thơ xác định công tác ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố. Do đó, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, TP. Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững.

a1-bdkh-ctho(1).jpg
TP. Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án góp phần nâng cao năng lực ứng phó với những rủi ro từ BĐKH

Nâng cao năng lực ứng phó BĐKH

Các hiện tượng cực đoan của BĐKH như ngập lụt, sạt lở, hạn hán, dông lốc đã diễn ra thường xuyên và ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực kinh tế- xã hội, đời sống người dân trên địa bàn thành phố. Để chủ động ứng phó một cách khoa học và toàn diện với các hiện tượng cực đoan của BĐKH đảm cho các mục tiêu phát bền vững, trong thời gian qua TP. Cần Thơ đã cập nhật kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2020-2030 tầm nhìn đến năm 2050”; lồng ghép BĐKH vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; triển khai kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu đến năm 2030 của thành phố đối với các lĩnh vực hạ tầng xanh, chuỗi giá trị về nông nghiệp, sinh kế, giảm nghèo.

Cùng với đó, TP. Cần Thơ đã huy động các nguồn lực đầu tư các công trình, dự án quan trọng nhằm nâng cao năng lực ứng phó với ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở tại khu vực đô thị và nông thôn. Cụ thể, với mục tiêu chủ động kiểm soát ngập cho vùng nội ô, thành phố đã tập trung nhiều nguồn lực, kể cả vốn vay ODA để đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình hồ Búng Xáng; hồ Xáng Thổi; đồng thời đẩy đang nhanh tiến độ xây dựng bờ kè hai bên sông Cần Thơ và một số tuyến kênh, rạch ở các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: “Khi các hạng mục của dự án xây dựng bờ kè hai bên sông Cần Thơ hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ vùng lõi của trung tâm thành phố trước rủi ro do ngập lụt do lũ và triều cường, tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố với các đô thị mới phát triển...”.

Cũng theo ông Đỗ Thanh Thảo, ngoài việc đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, TP. Cần Thơ cũng đẩy mạnh lồng ghép các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính tại khu vực đô thị. Hiện nay, 100% công trình sử dụng vốn nhà nước được kiểm soát sử dụng vật liệu không nung; hầu hết phương tiện xe buýt vận chuyển hành khách công cộng đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4; tăng cường khai thác năng lượng tái tạo cho hệ thống đèn chiếu sáng công cộng để tiết kiệm năng lượng; đồng thời đẩy mạnh xanh hóa đô thị, ưu tiên bố trí đất cho mảng xanh đô thị, khu dân cư; trồng cây phân tán và phát triển du lịch sinh thái miệt vườn góp phần bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên và nâng cao khả năng hấp thụ khí nhà kính.

a2-bdkh-ctho(1).jpg
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang góp phần giúp cho người dân TP. Cần Thơ thích ứng hiệu quả với BĐKH, nâng cao thu nhập, cải thiện đổi sống

Chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, bền vững

Bên cạnh đó, trước những tác động ngày càng phức tạp, khó lường của BĐKH đối với khu vực nông thôn, trong những năm gần đây TP. Cần Thơ cũng tập trung đầu tư cho khu vực này bằng những công trình đê bao khép kín bảo vệ diện tích lúa, cây ăn trái, rau màu; lắp đặt trạm quan trắc tự động phòng ngừa, ứng phó xâm nhập mặn; mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn sử dụng.

Cùng với đó, thành phố cũng đẩy mạnh việc lồng ghép thích ứng BĐKH, bảo vệ môi trường thông qua đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nhân rộng các mô hình sản xuất VietGAP, GlobalGAP; hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi, thủy sản theo hướng thân thiện môi trường và thích ứng với BĐKH.

Thực hiện theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của TP. Cần Thơ, trong thời gian qua huyện Phong Điền đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng trên đất lúa để thích ứng, an toàn trước tác động của hạn hán, ngập úng, xâm nhập mặn. Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, từ năm 2015 đến nay thông qua sự hướng dẫn, hỗ trợ của các ngành chức năng, nông dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi hàng ngàn hecta đất trồng lúa, đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái, rau màu cho giá trị cao; đồng thời khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động cho vườn cây nhằm sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm và giảm chi phí đầu tư.

Trước đây hầu hết người dân trong xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa 3 vụ/năm, tuy nhiên từ khoảng năm 2015 đến nay phần lớn diện tích đất trồng lúa trên địa bàn xã đã chuyên sang trồng cây ăn trái, rau màu. Là một trong những người đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng, ông Nguyễn Văn Cường ( ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa cho biết: “Để thích nghi với những bất lợi của thời tiết, nguồn nước, khai thác hiệu quả đất đai, trong thời gian qua gia đình tôi đã đầu tư lên líp 8 công đất lúa sang trồng nhãn, bắp, dưa leo, cà,...với hình thức chuyển đổi cây trồng này đã giúp cho đời sống gia đình tôi khấm khá hơn trước...”.

Theo ông Huỳnh Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa cho biết: “Lý do nhiều hộ dân trong xã chuyển sang trồng cây ăn trái, rau màu vì lợi nhuận kinh tế mang lại cho gia đình cao hơn trồng lúa và cũng để thích ứng tốt với điều kiện khó khăn về thời tiết, nguồn nước. Hiện nay, xã Nhơn Nghĩa có tổng cộng 1.751 hecta đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 1.736 hecta đất trồng cây ăn trái, rau màu, diện tích đất trồng lúa chỉ còn 15 hecta.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Những tác động của BĐKH đang diễn ra ngày càng thường xuyên hơn với mức độ tăng dần, do đó trong thời gian tới huyện sẽ thường xuyên kiểm tra, rà soát, gia cố hệ thống đê bao bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu; đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững trước các hiện tượng cực đoan của BĐKH như hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt; đẩy mạnh hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn; mở rộng liên kết sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Thơ: Chuyển đổi phát triển sản xuất xanh, ứng phó BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO