Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân
Ông Võ Văn Ngoan - Phó Chi Cục trưởng Phụ trách Chi cục BVMT Bến Tre cho biết: Công tác BVMT luôn được các cấp ủy Đảng, Chính quyền quan tâm, lãnh, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn ngành TN&MT đã đề ra nhiều giải pháp tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Theo đó, công tác quản lý về môi trường được tăng cường và nhận thức về trách nhiệm BVMT ở các cấp, ngành, các tổ chức và người dân được nâng lên. Công tác lập báo cáo hiện trạng môi trường, quan trắc dự báo môi trường kịp thời phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, ngành TN&MT Bến Tre thực hiện tốt thủ tục hành chính về BVMT, đặc biệt nâng cao chất lượng Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kiểm soát chặt chẽ các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm ngay từ bước đầu tư triển khai đầu tư. Thực hiện thu phí BVMT đúng quy định trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, làm thay đổi ý thức và nâng cao trách nhiệm BVMT đối với doanh nghiệp.
Đồng thời, cơ bản kiểm soát được các nguồn xả thải tác động môi trường trên địa bàn tỉnh. Các khu công nghiệp, các dự án đầu tư trong và ngoài khu, cụm công nghiệp đều có xây dựng và vận hành xử lý nước thải. Tất cả các Bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn thực hiện tốt phân loại, thu gom xử lý rác thải nguy hại y tế theo quy định; mạng lưới thu gom rác thải được mở rộng, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải rác sinh hoạt đô thị đạt khoảng 80%, nhiều mô hình xử lý rác nông thôn nhân rộng có hiệu quả
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Ngoan, dù đã tập trung lãnh đạo nhưng công tác BVMT thời gian qua vẫn còn những khuyết điểm, hạn chế nhất định. Trong đó, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, nhu cầu tăng cao dẫn đến gây áp lực lớn đến công tác BVMT. Ngày càng nhiều vấn đề về dư luận xã hội, bức xúc trong nhân dân về ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi như ô nhiễm do Nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt Bến Tre, các bãi rác huyện và bãi rác tạm ở các xã.
Ngoài ra, thực trạng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa chưa được thu gom, xử lý, xả bừa bải ở các khu vực công cộng, ven đường, sông rạch, ven biển, các điểm du lịch làm mất mỹ quan và sự thân thiện môi trường. Các kênh rạch trong nội ô TP. Bến Tre, thị trấn các huyện ngày càng ô nhiễm do tiếp nhận nguồn nước thải từ sinh hoạt đô thị chưa được thu gom, xử lý…
Bến Tre tập trung rà soát, đánh giá, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường |
Thực hiện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ BVMT
Cũng theo ông Võ Văn Ngoan, trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm về BVMT của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân. Xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về BVMT trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Hình thành các thiết chế văn hoá, đạo đức môi trường trong xã hội.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả đánh giá tác động môi trường, bảo đảm quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển đáp ứng các yêu cầu về BVMT từ khâu lập, phê duyệt, triển khai thực hiện. Thu phí BVMT theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, làm thay đổi ý thức và nâng cao trách nhiệm BVMT đối với doanh nghiệp.
Đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, ngành chế biến sản phẩm dừa, sản xuất than thiêu kết, nuôi tôm công nghệ cao. Kiểm soát ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống nhân dân. Quản lý tổng hợp môi trường, bảo vệ nguồn nước các hồ trữ ngọt cấp nước sinh hoạt, sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Tăng cường công tác quản lý rác thải, triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn và nhân rộng áp dụng phạm vi toàn tỉnh vào năm 2025. Nâng cấp cải tạo các bãi rác hiện hữu các huyện để giải quyết vấn ô nhiễm, mở rộng mạng lưới thu gom xử lý rác, không xây dựng bãi rác mới, đến sau năm 2025 xây dựng Khu liên hợp xử lý rác thải tập trung (diện tích khoảng 20 ha) cho toàn tỉnh.
Giải quyết vấn đề rác thải nhựa, thay đổi nhận thức người tiêu dùng, đến năm 2025 tỉnh Bến Tre sẽ không còn sử dụng sản phẩm nhựa một lần thải bỏ, từng bước thay thế sản phẩm đồ nhựa bằng sản phẩm thân thiện môi trường. Thực hiện triển khai các dự án đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và khu dân cư, đến năm 2025 hoàn chỉnh thu gom xử lý nước thải sinh hoạt TP. Bến Tre.
Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng hệ thống thoát nước, thu gom xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Phú Thuận, các cụm công nghiệp các huyện, thành phố. Thực hiện BVMT và an toàn vệ sinh thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới (tiêu chí 17) đến cuối năm 2021 có 142/142 xã đạt tiêu chí 17.
“Tỉnh Bến Tre cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, tạo dư luận xã hội phê phán và lên án các hành vi xâm hại môi trường; đồng thời, coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế, hợp tác vùng, nhất là quản lý, chia sẻ lợi ích sử dụng nước của tiểu vùng sông Mê Kông, liên kết vùng ĐBSCL và hợp tác với tỉnh bạn Tucea - Rumani trong ASEM về bảo tồn đa dạng sinh học gắn với du lịch sinh thái bền vững” - ông Võ Văn Ngoan cho hay.
(*) Bài viết này được thực hiện với sự phối hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre