Doanh nghiệp - doanh nhân

Bảo vệ môi trường trong sản xuất linh kiện điện tử

Thu Thuỷ 11/12/2024 - 16:34

Đáp ứng nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử ngày càng cao của người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang tích cực đầu tư xây dựng rất nhiều nhà máy, phân xưởng sản xuất. Điều này đem lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử trong nước nhưng cũng đặt ra những vấn đề về môi trường.

Linh kiện điện tử là một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp hiện đại, được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như thiết bị truyền thông, điện tử tiêu dùng và điện tử ô tô. Tuy nhiên, quá trình sản xuất linh kiện điện tử thường liên quan đến lượng lớn năng lượng tiêu thụ và phát thải chất gây ô nhiễm, đặc biệt là khi xử lý các hóa chất độc hại, kim loại nặng và rác thải điện tử.

Theo nghiên cứu của tổ chức bảo vệ môi trường Silicion Valley Toxics Coalition có trụ sở tại San Jose (California, Mỹ), rác thải điện tử có thể làm phát tán và rò rỉ các loại chất gây hại có trong thủy ngân, bari, bery, kẽm hay chì vào trong nguồn nước và không khí. Điều này là cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe của những người dân sinh sống quanh khu vực sản xuất thiết bị điện tử này.

san-xua-linh-kien-dien-tu-intech.png
Sản xuất linh kiện điện tử gắn với bảo vệ môi trường

Chẳng hạn như thủy ngân gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, hệ tiêu hóa và sự miễn dịch trong cơ thể người. Nếu hít phải hơi thủy ngân nhiều, trong thời gian dài có nguy cơ dẫn đến tử vong; asen nếu tiếp xúc hàng ngày có thể gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể, gây loét da, làm ảnh hưởng đến tim mạch, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến ung thư; nhiễm độc chì có thể gây dị tật não ở trẻ, phụ nữ mang thai nếu tiếp xúc nhiều với chì có thể dẫn đến xảy thai, sinh non; crom gây tác hại đến hệ hô hấp của con người…

Nhằm bảo vệ môi trường sống của người dân một cách hiệu quả nhất, đã có nhiều quy định yêu cầu các công ty phải giảm việc sử dụng các chất độc hại, cải thiện việc sử dụng tài nguyên và tăng cường khả năng tái chế và tái sử dụng chất thải. Theo Thông tư của Bộ Công Thương về những quy định tạm thời trong việc giới hạn hàm lượng cho phép của các loại hóa chất độc hại trong sản phẩm điện – điện tử số 30/2011/TT-BCT, các mặt hàng điện tử lưu thông tại thị trường Việt Nam phải đảm bảo được hàm lượng hóa chất độc hại để không vượt qua mức cho phép của Nhà Nước. Ngoài ra, một số loại hóa chất không được sử dụng hoặc bị giới hạn trong các sản phẩm điện tử bao gồm: Thủy Ngân (Hg), Chì (Pb), Cadami (Cd), Crom hóa trị 6 (Cr6+), Polybrominated diphenyl ete (PBDE) và Polybrominated biphenyl (PBB). Quy định này của Nhà Nước nhằm giúp giảm thiểu lượng độc tố có trong các thiết bị điện tử hiện nay để hạn chế sự ảnh hưởng của những sản phẩm này đến người sử dụng.

Với nhận thức ngày càng tăng về môi trường toàn cầu và sự cải thiện liên tục của các chính sách của chính phủ, ngành công nghiệp linh kiện điện tử sẽ tiếp tục phải đối mặt với các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về môi trường. Cùng với đó, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm xanh đang dần tăng lên, điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa sự chuyển đổi của ngành linh kiện điện tử theo hướng bảo vệ môi trường. Do đó, trong những năm tới, tác động của các chính sách môi trường đối với ngành sẽ tiếp tục sâu sắc hơn, sản xuất xanh và phát triển bền vững sẽ trở thành chủ đề cốt lõi của sự phát triển của ngành.

Để đáp ứng những quy định ngày càng nghiêm ngặt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp điện tử nói chung và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện nói riêng phải áp dụng các phương pháp sản xuất xanh. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm và áp dụng các công nghệ và vật liệu thân thiện với môi trường. Sử dụng vật liệu tái chế, thay thế các hóa chất độc hại bằng các chất liệu an toàn hơn, hoặc áp dụng các công nghệ sản xuất ít thải khí CO2. Để giảm việc sử dụng các chất độc hại, nhiều công ty đang tích cực phát triển các vật liệu mới như chất hàn không chì, chất chống cháy không halogen…Một số công ty sản xuất linh kiện điện tử đã chuyển sang sử dụng sơn gốc nước thay vì sơn gốc dung môi để giảm lượng khí thải VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi). Đồng thời triển khai hệ thống quản lý chất thải tự động và theo dõi lượng chất thải phát sinh hàng tháng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tối ưu hóa quy trình sản xuất. Đơn cử như Samsung đã đầu tư vào công nghệ sản xuất tiên tiến như máy móc tự động hóa và các hệ thống giám sát quy trình sản xuất để giảm thiểu chất thải và tăng cường hiệu quả. Những cải tiến này giúp giảm chi phí sản xuất và làm giảm tác động môi trường của quá trình sản xuất.

Sự chuyển đổi này không chỉ đáp ứng các yêu cầu về môi trường mà còn nâng cao hiệu suất sản phẩm, giúp các doanh nghiệp duy trì vị trí dẫn đầu trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ môi trường trong sản xuất linh kiện điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO