25 năm thầm lặng cứu tàu cho ngư dân Trường Sa

13/06/2019 11:49

(TN&MT) - Khi nói đến những con tàu hư hỏng chết máy, đông đảo ngư dân Quảng Ngãi, Phú Yên và cán bộ chiến sĩ đảo Đá Tây luôn nhắc về ông. Họ bảo, nếu bà con ngư dân đi đánh bắt cá ở khu vực đảo Đá Tây không được ông giúp đỡ những lúc tàu của họ bị hư hỏng, thì chỉ trở về tay trắng và sạt nghiệp. 20 năm qua, ông không nhớ đã hồi sinh bao nhiêu ghe tàu cho ngư dân bị hỏng hóc ở đảo Đá Lát, Đá Tây, nhưng có một điều ông không quên, đó là ân tình của bà con ngư dân và cán bộ chiến sĩ đảo Đá Tây giành tặng ông bằng cái tên trìu mến “người hùng cứu tàu”. Ông là Mai Khả Dục, thợ sửa máy tàu ở Công ty Khai thác Dịch vụ hải sản Biển Đông, trên vùng biển, đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

anh 1
Ông Mai Khả Dục đang sửa lốc máy tàu cho một ghe cá ngư dân. Ảnh: Tấn Đức

“Dục bao công”

Đó là biệt danh cán bộ chiến sĩ trên đảo Đá Tây đặt cho ông, bởi mặt ông lúc nào cũng “bẩn” vì dính dầu nhớt, hai bàn tay cả năm chai sần, mái đầu điểm  nhiều tóc bạc. Tôi không tin nổi vào mắt mình khi nhìn người đàn ông tuổi 42 mà như 60. Ngoài nhận biết tuổi của ông qua giấy chứng minh nhân dân, không có điểm “ngoại hình” nào có thể chứng minh ông ở tuổi ấy. Bởi gương mặt dạn dầy nắng gió, đôi mắt đùng đục - hậu quả của nhiều lần căng mắt sửa máy tàu trong hầm tối, tiếng nói của người thợ phàm tục lăn lộn với biển cả khiến ông già trước tuổi.

Ông Dục bảo: “Cuộc đời của người thợ sửa máy tàu luôn lầm lũi dưới hầm sâu, nhiều khi cả ngày không ngửng mặt lên khỏi hầm, tuổi trẻ ném cả vào đây. Thợ sửa máy tàu không có khái niệm về thời gian không gian, mà sửa với tất cả tình yêu nghề nghiệp và yêu cầu của bà con ngư dân. Khi ghe tàu của bà con ngư dân hư hỏng lốc máy, họ nhờ đến mình là phải làm khẩn trương chứ không thể chần chừ, vì ở biển một ngày trôi qua là tốn trăm triệu đồng. Nghề sửa máy tàu cực nhọc, nhưng mỗi con tàu sửa máy thành công, niềm vui của tôi lại được nhân lên”.

anh 2,
Dãy nhà chế biến hải sản của công ty Hải sản Trường - nơi ông Dục công tác

“Thợ sửa máy tàu” là từ dùng để chỉ những người chuyên làm việc trong những hầm tàu. Nhiều người quan niệm “thợ sửa máy tàu” lúc nào tiền cũng ăm ắp trong túi, nhưng họ không thể hiểu, để có chừng 7 - 8 triệu đồng/tháng, ông Dục phải làm việc trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt, xung quanh là mùi hôi của xăng, dầu ngột ngạt. Ở tận đáy con tàu tối tăm, ông Dục miệng ngậm đèn pin, phải lần mò vặn từng con ốc, ráp các bộ phận trong điều kiện tàu chao đảo mạnh, mùi xăng, dầu xộc vào mũi, vào mồm. Nguy hiểm nhất là khi lốc máy tàu của ngư dân vỡ chìm trong nước, ông Dục phải lặn xuống dưới đáy tàu mò mẫm tháo lốc máy đưa lên khỏi mặt nước để sửa chữa. Mỗi lần lặn xuống đáy tàu, ông lấy hơi bằng cách hít thật sâu, nén trong bụng. Có lần đưa được máy tàu lên khỏi mặt nước, ông Dục đã ngạt thở vì mùi dầu nhớt. Làm việc trong điều kiện cực nhọc như thế, nhưng đó lại là niềm vui, nhất là mỗi khi tiếng máy tàu của ngư dân giòn giã vang lên sau nhiều giờ chết máy. Ông Dục chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là giúp đỡ bà con ngư dân khắc phục được hỏng máy, để họ tiếp tục đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển, đảo của Tổ quốc mình. Đây vừa là trách nhiệm của Công ty Khai thác dịch vụ biển Đông, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ cùng bà con ngư dân. Tất cả các ghe tàu của ngư dân hỏng lốc máy, hoặc gặp một sự cố, đều được chúng tôi sửa chữa khẩn trương trong thời gian nhanh nhất, để họ tiếp tục lao động, nhất định không thể để họ trở về đất liền khi khoang cá chưa đầy”.

Ông Dục kể, trong nhiều lần cứu tàu hỏng hóc máy, có một lần ông không thể nào quên được, đó là đêm 22/12 năm ngoái. Đêm ấy, tổ sửa máy vui văn nghệ mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tới tận khuya. Hơn 1 giờ sáng, trằn trọc phần vì thương nhớ vợ con ở quê nhà, phần lo công việc của 2 chiếc tàu của ngư dân Phú Yên sửa chữa chưa xong, ông nhận được tín hiệu cấp cứu của một tàu ngư dân phía Bắc đảo Đá Tây. Giữa đêm tối mịt mùng sóng gió cấp 8 cấp 9, ông cho tàu cơ động về vị trí cấp cứu. Tàu cá của ngư dân bị vỡ lốc máy, nước tràn vào khoang giữa, tàu có nguy cơ chìm. Không do dự, miệng ngậm đèn pin, ông lao luôn xuống hầm máy sửa chữa. Sau gần 6 giờ hì hục, tiếng máy tàu giòn giã vang lên trong sự vỡ òa niềm vui rơi nước mắt của mọi người. Cả đêm ấy ông và đồng đội không hề chợp mắt. Niềm vui cứu tàu giúp dân cứ sao xuyến trong tim.

Ông Trần Văn Tư (quen gọi là Tư E), chủ tàu VT-04953 ở cảng Cát Lở Vũng Tàu, đã được ông Dục sửa lốc máy trong một lần tàu cá của ông bị hư hỏng nặng ở vùng biển đảo Đá Lát cho biết: “Ngoài đảo khi hỏng máy tàu, nếu không có người như ông Dục, chúng tôi chỉ còn cách nhờ ghe của người khác kéo về bờ và coi như chuyến đi biển đó công toi, tốn kém ít nhất từ 200 - 300 triệu đồng, chưa kể hàng trăm triệu đồng mua đá lạnh và các vật dụng khác trước khi tàu ra khơi. Ông Dục đã cứu cánh nhiều con tàu”.

anh 4
Ghe cá của ngư dân được ông Dục sửa máy an toàn

Gắn đời mình với sóng gió

Tôi gặp ông Dục ở đảo Đá Tây A trong lần đến đây công tác. Mắt ông rưng rưng khi tôi tặng ông chiếc áo “góp đá xây Trường Sa”, ông nhìn ngôi nhà ở lâu bền mới được khánh thành rồi lại nhìn ra biển, nơi có con tàu của ông và đồng đội ông ngày đêm lênh đênh trên biển cứu dân. Ông Dục bảo: “Đời tôi gắn liền với biển đảo và ngư trường. Tuy vợ con ở tận quê xa, nhưng cứ về thăm được dăm bữa nửa tháng tôi lại vào đi biển. Vợ tôi bảo, tôi nhớ biển hơn nhớ vợ con, ở biển nhiều hơn ở nhà. Đi biển cũng có nhiều niềm vui, nhưng vui nhất là mỗi lần nghe tiếng máy tàu của ngư dân giòn giã vang lên sau nhiều giờ bất động”.

- Năm nay đã cứu được bao nhiêu ghe tàu của ngư dân hỏng hóc thưa anh?

- Từ đầu năm đến giờ chữa được hơn chục chiếc. Năm ngoái cứu 18 ghe. Các ghe tàu của bà con ngư dân hỏng hóc chủ yếu bị hư lốc máy, nặng nhất là bo lốc máy. Mỗi lần sửa chữa ghe cho ngư dân lành lặn là thấy vui rồi. Giữa biển khơi, nếu bị bo lốc máy chỉ có nước thả trôi chờ cứu chứ không làm ăn gì được.

Ông Mai Khả Dục sinh ra ở vùng quê nghèo xã Nga Yên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tạm biệt quê nghèo, năm 1989, ông lên đường nhập ngũ khoác áo hải quân. Sau những tháng ngày huấn luyện ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang), ông được đi học thợ sửa chữa máy tàu ở Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân Cát Lái, Quận 2 TP. Hồ Chí Minh. Ông Dục vào Đoàn vận tải Trường Sa 955 công tác từ năm 1991. Đảo đầu tiên ông Dục đặt chân đến Nam Yết, sau đó là Sinh Tồn, rồi về Đá Tây. Trong suốt thời gian ở đây, ông Dục đã cùng đồng nghiệp sửa chữa nhiều tàu ghe của ngư dân bị hỏng máy móc. Sau thời gian ở đảo Nam Yết, Sinh Tồn, ông Dục được chuyển về Sở Thủy sản Thanh Hóa công tác.

Sau những năm tháng ở đảo Trường Sa, ông Dục được giải quyết chế độ xuất ngũ một lần. Trở về đời thường làm lúa trồng đay, nhưng trong tâm trí ông, không thể  nào quên được những ngày sửa tàu cho ngư dân ở Trường Sa. “Thật ra, từ khi về quê, lúc nào cũng nghĩ tới Trường Sa. Việc gì cũng kiếm tiền phục vụ cuộc sống, nhưng làm việc ở Trường Sa thì khác, đó là được cống hiến một phần công sức nhỏ của mình cho Tổ quốc. Tôi xin nhập ngũ lần 2, có người nói tôi khùng, nhưng tôi quyết”, ông Dục chia sẻ.

Cũng vì nhớ Trường Sa, nhớ những bước chân của lính đảo và nhớ những lần sửa chữa máy tàu cho ngư dân, mà ông Dục đã viết đơn tình nguyện xung phong ra đảo Đá Tây, coi đây là nơi “đóng đô” của mình. Ông bảo: “Tôi đã một thời gian làm việc trên vùng biển Caribê ở Hàn Quốc, được tiếp xúc nhiều loại máy tàu hiện đại. Nay tôi quyết định cả đời gắn bó với nghề thợ sửa máy tàu ở đảo Đá Tây cũng là muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cùng bà con ngư dân và lính đảo trong việc bảo vệ, khai thác giữ gìn chủ quyền của Tổ quốc mình. Mới ngày nào ra đảo Đá Tây mà đã hơn 25 năm trôi qua, cuộc đời người thợ sửa máy tàu cả ngày dưới hầm quả là ngắn ngủi nhưng niềm vui thì không bao giờ kể xiết”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
25 năm thầm lặng cứu tàu cho ngư dân Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO