Biển đảo

Thấy cây như thấy quê hương

Nhà thơ Lữ Mai 11/02/2024 - 15:31

(TN&MT) - Khi đất liền phố phường tấp nập, người người, nhà nhà rộn rã sum vầy ấm cúng bên mâm cỗ tất niên… thì vẫn có những chuyến tàu cấp hàng lặng lẽ làm nhiệm vụ ra đảo.

Nhiều chuyến tàu khởi hành đúng ngày Ba mươi Tết, tàu vừa chạy vừa nấu bánh chưng. Cây xanh từ khắp mọi miền Tổ quốc cũng rộn ràng ra đảo để mùa xuân trên đảo thêm sức sống.

Màu xanh của niềm tin, hy vọng…

Nhiều năm qua, dịp Tết đến xuân về, tặng cây ra quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã trở thành một nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa sâu sắc gắn kết đất liền với đảo. Bao giờ cũng vậy, khi cây vừa từ xuồng lên đảo đã có những người lính trẻ đứng đón sẵn. Trước đó, chỉ huy các đảo đã chia sẻ rất kỹ: Để một cây xanh ra tới đảo, biết bao công sức chăm sóc, nâng niu. Đầu tiên là khâu đánh gốc, vận chuyển lên ô tô, tàu hỏa, chăm tưới trên tàu, cho cây “uống” thuốc B1, lá bọc phải nửa kín nửa hở, ni lông phải chọn màu trắng để cây vẫn quang hợp được... Vào tới cảng Cam Ranh, cây còn sống đã mừng lắm rồi, nhưng sau đó là cả chặng đường dài thấp thỏm bốc dỡ từ cầu cảng xuống, đưa lên ô tô trung chuyển rồi lên tàu, đối diện với gió biển, nước mặn, lá úa tơi bời, đồng loạt trút sạch. Câu chuyện chỉ tới đó, những ánh mắt đã rưng rưng, những người lính đều hiểu mình cần phải làm gì…

nhung-nguoi-linh-la-mua-xuan-cua-dao.-anh-mai-thang.jpg

“Trường Sa xanh” là chương trình mà Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương luôn duy trì, không chỉ mùa hè mà còn vào dịp Tết và luôn nhận được sự hưởng ứng của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Miền Bắc tặng cây đào, quất xuân, hoa giấy; miền Trung, miền Nam tặng mai vàng, cây cảnh… Cùng với cây, các địa phương thường tặng cờ Tổ quốc cho đảo.

Trong hành trình tham gia “Trường Sa xanh”, chúng tôi gặp nhiều bô lão, tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, nhưng tinh thần vẫn đầy nhiệt huyết, quyết tâm. Ở thôn Phi Liệt (xã Liên Nghĩa, Văn Giang, Hưng Yên) có cựu quân nhân Phạm Hoàng Tài từng công tác tại đảo Vĩnh Thực (Quảng Ninh) ngày ngày vẫn miệt mài với ruộng đồng và chăm từng cây quất cảnh để gửi tặng Trường Sa, Nhà giàn DK1. Lứa quất đặc biệt nhất từ dáng cây đến lượng quả, mầm chồi… là lứa quất ông dành tặng đảo xa. Nâng niu từng nhành cây, vun xới từng vồng đất, tình cảm của người lính năm xưa gửi vào đất đai, để mỗi độ sắp sửa Tết đến xuân về lại ngóng chờ được trao đi những cây quất mình tự tay lựa chọn, chăm sóc.

Câu chuyện của người cựu chiến binh ấy khiến chúng tôi nhớ tới chuyến công tác Trường Sa cách đây vài năm. Hôm ấy, xuồng vừa cập đảo đã thấy một sĩ quan gương mặt rạng rỡ reo vui khi thấy cây quất cảnh được bộ đội chuyển từ xuồng CQ lên cầu cảng. Rất nhanh, anh băng qua cây cầu sắt vừa được tận dụng để chuyển hàng quà rồi cúi xuống nâng cây quất lên, ôm vào lòng và chạy về phía đảo. Gặp ai, anh cũng tự hào khoe: “Quất xuân quê tớ đấy, Văn Giang, Hưng Yên đấy. Thấy một cái cây từ quê nhà vượt muôn trùng sóng dữ vào đảo như thấy quê hương đang hiện hữu, gần kề”.

Cũng chuyến ấy, chúng tôi lên thăm nhà giàn, mọi người trầm trồ phát hiện những cây chanh, cây quất trĩu trịt quả. Một thành viên đoàn công tác thích thú tò mò định hái một quả nếm thử xem giữa bốn bề mặn mòi sóng nước hương vị có gì khác ở đất liền đã kịp “phanh” lại khi gặp ánh mắt đầy xúc cảm của anh bộ đội nhà giàn đang đắm đuối “canh chừng” cây. Anh bảo, bộ đội đôi khi vẫn ngắt một chiếc lá vò ra đưa lên ngửi mà cảm nhận nồng nàn hương vị quê hương. Họ che chắn, nâng niu từng chồi nụ, quả non lúc vừa thấp thoáng trong kẽ lá. Mùa hè năm ấy, tính tới khoảnh khắc ấy, đã là tháng thứ sáu liên tục quần đảo Trường Sa không có mưa, mọi thứ khô khốc, nóng nực đến chật chội. Nước ngọt điều chỉnh từ 12 lít xuống còn 9 lít/người/ngày, rồi nhỏ giọt 5 lít/người/ngày. Đến bàng vuông cũng cho hoa và quả bé bằng một nửa so với mùa mưa. Ấy vậy mà tại đảo Sơn Ca, hai cây quất của huyện Văn Giang tặng vẫn đơm hoa, đậu quả trái mùa. Mỗi ngày, sư thầy chùa Sơn Ca đều dùng phần nước ngọt hiếm hoi của mình tưới cho cây. Cạnh đó còn có vài cây quất khác bộ đội gửi nhờ chăm giúp. Cách bộ đội đưa cây sang chùa chẳng khác nào mang trẻ con đi gửi, lỉnh kỉnh xô chậu, nước ngọt, bình tưới theo cùng. Thầy bộc bạch: “Đảo mà có được cây xanh, hoa thơm, trái ngọt thì quý lắm. Đó là màu xanh của niềm tin, hy vọng. Cây trái mang lời thầm thì về sức sống, về bao kỷ niệm gói trọn niềm thương nhớ của đất liền gửi ra nơi đầu sóng”.

Ươm khát vọng vững bền

Giờ đây, đặt chân lên bất cứ đảo nổi nào đều thấy cây cối xanh ngắt một màu từ cầu tàu đến cuối đảo. Nhiều chục năm về trước, từ những quả dừa khô nơi đất liền theo con người vượt hành trình đầy cam go sóng gió, những mầm dừa đầu tiên đội cát, hệt mũi tên xanh ngắt in thẳng trên nền trời. Giờ đây, đảo Nam Yết xôn xao phủ kín bóng dừa nhưng chỉ hội thao đặc biệt hoặc dịp lễ Tết thì đơn vị mới quyết định “hạ” một vài quả để bày biện ngũ quả. Hoặc nước dừa để dành cho người ốm bồi dưỡng. Còn lại, ngày qua ngày, từng buồng dừa vẫn lúc lỉu trên cao tới khi già khô, bộ đội lại cẩn trọng ươm thành mầm cây mới.

quatetchonhagiandk1-5-jpg-1704767120.jpg
Lính đảo Trường Sa với món quà từ đất liền

Nhẩn nha tính kỹ, khắp quần đảo Trường Sa, loại cây cho quả thực sự hiếm hoi. Ngoài dừa ở Nam Yết có thêm cây tra, mới nhất là chanh, quất được một đoàn công tác tặng nguyên cây và bầu đất chuyển vào dịp Tết. (Riêng bầu, bí, mướp… thì bộ đội đã “biên chế” thuộc nhóm rau xanh). Cây tra có mặt hầu hết trên đảo nổi, vững vàng hệt phong ba, bàng quả vuông. Loài cây ấy khá lạ lùng, khi lá trên cành ngả màu vàng đỏ thì quả màu xanh ngọc. Ngược lại, quả chín đỏ vào đúng đợt lá xanh. Quanh năm cứ đều đều như thế. Quả tra gần giống nho nên quân dân trên đảo gọi là “nho Trường Sa”. Lúc xanh quả chát, chín lại pha đủ vị mặn, ngọt, chua...

Ở đảo chìm và nhà giàn, cán bộ chiến sĩ tận dụng tăng gia trên từng centimet đất chuyển ra từ đất liền nên tiết kiệm, nâng niu hết mức. Nơi đây, chỉ cần một cơn sóng lớn tung nước biển lên cao rồi bất thình lình đổ xuống cũng đủ làm rũ chết cả vườn rau chứ chưa nói giông bão. Trên đảo chìm, hàng chục, hàng trăm thùng rau dịch chuyển theo mùa gió. Cảnh bộ đội bê cây chạy quanh đảo tránh sóng là rất thường tình.

Nơi đảo xa, sức sống không đến từ ngẫu nhiên tạo hóa mà phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí, trách nhiệm của con người, cụ thể là bộ đội. Nhiều đồng chí chỉ huy đảo tự tay ươm trồng từng quả bàng vuông, cùng các chiến sĩ kiểm soát tất cả quả xanh trên cây, đếm quả to để làm rọ thép bảo vệ, tránh rụng rơi thất thoát. Một điều khá đặc biệt ở quần đảo Trường Sa là mỗi khi bộ đội tăng gia trên biển, gặp quả bàng vuông trôi nổi đều vớt đưa về ươm thử. Nhờ lớp vỏ dày, kết cấu hạt khá đặc biệt cùng bàn tay nâng niu, chăm sóc của những người lính, vài tháng sau quả bàng vuông ngấm mặn vẫn bật chồi mạnh mẽ, khỏe khoắn. Chỉ huy trưởng các đảo khi không có nhiệm vụ, công việc đặc biệt đều xông xáo lao động như chiến sĩ, bởi theo các anh, một cây xanh trên đảo trồng xuống, nếu sống được cũng phải qua mươi mười lăm mùa thay quân thì bộ đội mới được hưởng cảnh quan, bóng mát. Vì thế, tất cả những cây tra, bàng vuông, phong ba, bão táp mà các đoàn công tác vẫn trầm trồ khen ngợi đều là thành quả kết tụ từ tình yêu biển đảo của bao thế hệ trước. Bộ đội đảo xa không trồng cây cho mình mà cho đất liền và thế hệ mai sau.

Càng vào những ngày giáp Tết này, hành trình ra đảo càng nặng thêm tình nghĩa. Trong hành trình tha thiết ấy không thể thiếu màu xanh của cây như dòng chảy xanh nối đất liền thêm gần lại. Ai cũng muốn góp thêm một chút xanh để mùa xuân biển đảo thêm xanh màu quê hương. Ai cũng sẵn sàng chia sẻ những gì mình có để những người lính nơi đầu sóng ngọn gió đón mùa xuân trong yêu thương tràn ngập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấy cây như thấy quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO