Yên Mỹ (Hưng Yên): Giải quyết tranh chấp đất đai theo giấy tờ “giả mạo” chữ ký?

03/11/2018 23:44

(TN&MT) – Liên quan đến nội dung tranh chấp đất đai giữa ông Nguyễn Đình Khuyến và ông Nguyễn Đình Sáng (là 2 anh em con chú con bác) (thôn Yến Đô, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), trong biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất ngày 14/7/2004 của ông Nguyễn Đình Khuyến có 3 chữ ký giả mạo, đặc biệt vào thời điểm ký, một người dù đã chết trước đó vẫn có chữ ký trong biên bản.

Chữ ký giả mạo?

Trong đơn gửi đến Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Đình Khuyến khẳng định: “Đất đai của gia đình tôi là do thừa kế của bố mẹ tổ tiên để lại, đã tồn tại mấy chục năm qua, gia đình tôi ở giữa xóm, mốc ranh giới giáp với các gia đình đều được các gia đình xây tường rào trước năm 2000, hoàn toàn không tranh chấp gì với ai. Tôi làm nhà trên phần đất gia đình tôi tự tôn tạo cạp vượt từ đáy ao lên đã sử dụng từ năm 1981 đến nay, không tranh chấp với ai”.

Đứng tại nơi vừa bị cưỡng chế không lâu, ông Khuyến kể về nỗi oan khuất của ông suốt 5 năm nay
Đứng tại nơi vừa bị cưỡng chế không lâu, ông Khuyến kể về nỗi oan khuất của ông suốt 5 năm nay

Theo ông Nguyễn Đình Khuyến, từ năm 1981 đến nay không có con đường giao thông thủy lợi nào đi qua phần đất của gia đình ông, ông đã xin chữ ký của các hộ xung quanh xóm và nhân dân trong thôn ký tên làm chứng.

“Năm 2005 nhà nước mới đo đạc lại thổ cư và có vẽ thửa đất 170 số tờ bản đồ 25 loại đất DGT là nằm hoàn toàn trên phần đất của gia đình tôi đang sử dụng từ năm 1981 đến nay mà gia đình tôi không biết có thửa đất này” - ông Nguyễn Đình Khuyến nói.

Ông Nguyễn Đình Khuyến bức xúc cho biết: “Trước năm 2005 gia đình ông Nguyễn Đình Sáng chỉ có một thửa đất của cụ Sang là bố đẻ để lại. Đến năm 2005 mới tách làm 2 là thửa của bà Nguyễn Thị Bóng – thửa đất 169 và của ông Nguyễn Đình Sáng – thửa đất 164. Hai thửa đất này đều đã có cổng đi. Đến năm 2012, ông Sáng mới cho con trai là ông Nguyễn Văn Bừng làm nhà 3 tầng trên thửa đất đó, khi làm nhà xong mới sang đặt vấn đề với gia đình tôi để đổi một phần đất của mình lấy một phần đất của gia đình tôi để làm cổng đi cho thuận tiện. Vì tình cảm, gia đình tôi mới nhất trí đổi cho, giấy đổi đất đã được 2 gia đình có các anh em ruột và anh em trong dòng họ cùng Trưởng thôn ký kết làm bằng chứng. Thế nhưng sau khi đổi đất để làm cổng đi thành công, bố con nhà ông Sáng bỗng “lật mặt” không trả đất cho gia đình tôi như đã thỏa thuận ban đầu”.

Gia đình ông Khuyến sống trong ngôi nhà mái ngói cũ kỹ, tồi tàn. Sau lần cưỡng chế, ngôi nhà vốn nhỏ bé trở nên chật chội hơn bởi phải chứa thêm nhiều đồ dùng của ngôi nhà bị phá dỡ
Gia đình ông Khuyến sống trong ngôi nhà mái ngói cũ kỹ, tồi tàn. Sau lần cưỡng chế, ngôi nhà vốn nhỏ bé trở nên chật chội hơn bởi phải chứa thêm nhiều đồ dùng của ngôi nhà bị phá dỡ 

Theo ông Nguyễn Đăng Ngần, Nguyên Trưởng thôn Yến Đô, biên bản họp khu dân cứ để lấy ý kiến của các ngành xã Tân Việt và ý kiến khu dân cư ngày 13/3/2014 là không chấp nhận được, vì vắng rất nhiều người ở thôn. Cuộc họp đó chỉ có 1 Phó thôn, 1 phụ nữ, 1 Cựu chiến binh và 3 người dân (trong đó có 1 người là em vợ ông Nguyễn Đình Sáng).

“Nếu UBND tỉnh Hưng Yên dựa vào biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất ngày 14/7/2004 của hộ gia đình ông Khuyến (ông Khuyến là chủ hộ) và biên bản ngày 13/3/2014 để khẳng định phần ngõ đi vào các hộ là ngõ đi chung do UBND xã quản lý là không có căn cứ bởi 3 chữ ký của ông Đặng Quang Năm, ông Nguyễn Đình Tán và ông Nguyễn Đình Khuyến trong biên bản ngày 14/7/2004 là chữ ký giả mạo. Đáng chú ý, ông Nguyễn Đình Tán chết năm 2001 mà vẫn có chữ ký trong biên bản năm 2004” – ông Ngần cho biết.

Những phản ánh trên của ông Khuyến và ông Ngần khiến PV không khỏi nghi ngờ: Liệu rằng có sự dàn dựng, sắp xếp với lệ phí “ngầm” trong việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình ông Khuyến và ông Sáng?

Xã Tân Việt – cả văn phòng “bận” họp, ai tiếp công dân?

Để có thông tin đa chiều, PV đã đến trụ sở UBND xã Tân Việt để làm việc với Chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên, khi PV đến, phòng làm việc của Chủ tịch, Phó chủ tịch và Bí thư xã đều “cửa đóng then cài” trong khi văn phòng UBND mở cửa nhưng không hề có một nhân viên nào trực để tiếp công dân.

Phải rất vất vả, PV mới xin được số điện thoại để liên hệ với ông Đào Quang Huy – Chủ tịch UBND xã Tân Việt. Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Huy cho biết: “Anh không còn ở cơ quan nữa vì hết giờ làm việc rồi (lúc đó mới 16h31 – PV). Có gì em liên hệ lại sau nhé”.

Cả văn phòng UBND xã Tân Việt 'im lìm' trong khi rất nhiều công dân chờ được làm việc
Cả văn phòng UBND xã Tân Việt "im lìm" trong khi rất nhiều công dân chờ được làm việc

Khi PV đề cập đến việc PV đến đặt lịch làm việc nhưng không hề có một nhân viên nào trực ở văn phòng UBND xã, ông Huy tỏ ra bối rối: “Văn phòng hôm nay họp hết ở hội trường. Một đồng chí đi tập huấn, một đồng chí dự cuộc họp để ghi biên bản hội nghị”.

Theo quan sát của PV, văn phòng UBND xã có đến 5 vị trí chỗ ngồi của cán bộ, nhân viên. Nếu sự thật như ông Huy nói, có một đồng chí đi tập huấn, một đồng chí dự cuộc họp để ghi biên bản hội nghị, vậy còn 3 nhân viên nữa “bận” đi đâu trong khi rất nhiều công dân xếp hàng ngồi chờ được liên hệ làm việc? Thiết nghĩ, người đứng đầu UBND xã Tân Việt cần sớm chấn chỉnh giờ giấc làm việc và cách quản lý cán bộ, nhân viên để đảm bảo quyền và trách nhiệm của công dân.

Ra Quyết định dựa trên văn bản “chưa phải là cơ sở pháp lý”?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ cho biết: Về vấn đề tranh chấp đất đai giữa 2 gia đình ông Nguyễn Đình Khuyến và ông Nguyễn Đình Sáng (thôn Yến Đô, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đã được tất cả các cơ quan ban ngành từ tỉnh đến huyện trả lời rõ ràng.

Khi PV hỏi đến trường hợp các chữ ký trong biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất ngày 14/7/2004 của hộ gia đình ông Khuyến có phải là giả mạo hay không, ông Nguyễn Văn Dũng trả lời: “Biên bản đó do cơ quan đo đạc thực hiện chứ cũng chưa phải là cơ sở pháp lý để sau này giải quyết…”.

Thế nhưng, trước đó, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh: “Tranh chấp có lịch sử từ trước. Trên cơ sở toàn bộ hệ thống bản đồ được lưu ở các cấp, UBND huyện Yên Mỹ đã ra Quyết định 1223 ngày 24/3/2014 và UBND tỉnh Hưng Yên công nhận Quyết định này là đúng”.

Cảnh tượng ngổn ngang tại ngôi nhà bị phá dỡ trong lần cưỡng chế khiến bà con lối xóm của ông Khuyến phải xót xa (Ảnh do gia đình ông Khuyến cung cấp)
Cảnh tượng ngổn ngang tại ngôi nhà bị phá dỡ trong lần cưỡng chế khiến bà con lối xóm của ông Khuyến phải xót xa (Ảnh do gia đình ông Khuyến cung cấp)

Nếu chưa phải là cơ sở pháp lý như ông Dũng nói thì tại sao Quyết định số 1159 ngày 29/6/2015 của UBND tỉnh Hưng Yên lại khẳng định: “Tại biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất ngày 14/7/2004 của hộ gia đình ông Khuyến (ông Khuyến là chủ hộ), có chữ ký của ông Khuyến, các hộ giáp ranh, đơn vị đo đạc đại diện UBND xã Tân Việt thể hiện hộ ông Khuyến sử dụng diện tích 295m2 thuộc thửa 164, Tờ bản đồ số 25, loại đất ONT và thửa đất trên giáp với ngõ đi chung (đất giao thông)”?

Phải chăng có điều gì uẩn khúc khiến vị Chủ tịch UBND xã Tân Việt “né” báo chí còn Phó chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ lại có câu trả lời mâu thuẫn như trên?

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Mỹ (Hưng Yên): Giải quyết tranh chấp đất đai theo giấy tờ “giả mạo” chữ ký?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO