Trước đây, thôn Lũng Slàng (100% dân số là người dân tộc Dao) gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài, nhất là khi thời tiết xấu. Cách thị trấn Thất Khê gần 15 km, nằm lọt thỏm trong lòng chảo, bao quanh là núi non trùng điệp hiểm trở, đường đi lại khó khăn, điện lưới quốc gia chưa có, các hộ dân nơi đây vẫn duy trì đời sống theo hướng tự cung, tự cấp. Có những thời điểm khó khăn, thời tiết không thuận lợi cho trồng trọt, người dân chỉ có ăn ngô, ăn sắn mà sống. Nhưng nay, Lũng Slàng đã khác.
Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, một con đường về lòng chảo Lũng Slàng đã được mở ra, mặc dù bề rộng của đường vẫn còn nhỏ hẹp chỉ đủ cho xe máy lưu thông nhưng đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu buôn bán của bà con trong thôn. Đặc biệt, năm 2009, Chương trình 135 đưa điện lưới quốc gia về với bản, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Dao nơi đây đã được nâng lên rõ rệt.
Việc học tập của con em trong bản cũng được cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục quan tâm, đã có phân trường cho học sinh tiểu học và mẫu giáo tại thôn. Ông Triệu Văn Phin, người dân Lũng Slàng phấn khởi cho biết, có điện, có đường, có trường học cho các cháu học sinh nên bà con trong bản vui lắm, bây giờ xem ti vi, biết nhiều cách để sản xuất tốt, lại có đường xe máy đi được ra ngoài để tới chợ buôn bán, đi làm nên cuộc sống cũng khá hơn, ai cũng muốn thoát nghèo, ai cũng cố gắng lao động.
Giờ đây, nhiều hộ dân đã có những phương tiện sản xuất được cơ giới hóa, máy móc đã thay thế sức người. Bên cạnh đó, người dân cũng được tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng vào sản xuất đạt năng suất, hiệu quả cao. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Viển, là hộ tiên phong trong việc phát triển kinh tế của thôn. Hiện, ông Viển chăn nuôi gần 10 con bò thịt và phát triển mô hình trồng cây thạch đen, mỗi năm thu nhập bình quân khoảng 30 triệu đồng.
Người dân tộc Dao ở Lũng Slàng hạ sơn từ cách đây hơn 70 năm. Những năm 79, 80 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc của quân và dân ta diễn ra ác liệt, người Dao trong bản sơ tán lên tỉnh Cao Bằng rất nhiều, từ đó mà nhiều phong tục tập quán của người Dao đã bị mai một. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, kinh tế phát triển, đời sống tinh thần được nâng lên cũng là cơ hội để các phong tục tập quán của người Dao được khôi phục và giữ gìn.
Người Dao nơi đây cũng đã biết phát huy những mặt tích cực và xóa bỏ những tập quán hủ tục còn lạc hậu như hôn nhân cận huyết. Việc cưới của người Dao thôn Lũng Slàng nay không còn thách cưới bạc nén, mổ lợn, giết gà mà vẫn độc đáo, giữ được nét đặc sắc rất riêng của dân tộc mình.
“Là người đứng đầu của thôn bản, tôi phải đi trước, làm trước, thoát nghèo trước từ các mô hình trồng cây ăn quả, trồng ngô nấu rượu… Nhờ đó, khi tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bà con cũng đồng lòng, tin tưởng, cùng nhau phấn đấu phát triển kinh tế mà vẫn giữ gìn bản sắc riêng của người Dao chúng tôi” - Bí thư Chi bộ thôn Lũng Slàng Triệu Xuân Phú cho biết.
Theo UBND xã Tri Phương, từ các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng nỗ lực của chính người dân nên đời sống của bà con đã có nhiều khởi sắc. Từ 100% hộ dân là hộ nghèo, đến nay toàn thôn chỉ còn 3/37 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân của người dân trong bản khoảng 24 triệu đồng/người/năm.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn như thiếu đất sản xuất, đường giao thông vẫn còn nhỏ hẹp, ô tô vẫn chưa về tới bản... nhưng cuộc sống của người dân ở Lũng Slàng đã ấm no hơn, không còn cái đói, cái nghèo, những ngôi nhà mái ngói đang đua nhau mọc lên giữa núi rừng. Bản làng người Dao hôm nay đã thực sự khởi sắc, đón một mùa xuân mới tràn đầy niềm tin và hy vọng.