(TN&MT) - Đến đầu tháng 3, gần 2.000 công nhân của Công ty Texwell Vina - KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) vẫn đang sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng, không công ăn việc làm, không tiền trang trải cuộc sống. Có cớ sự như vậy là do bộ sậu các ông chủ Hàn Quốc “biến mất” khỏi công ty trong những ngày qua.
Lâm vào đường cùng
Những ngày trở lại sau Tết, hàng nghìn công nhân của Công ty Texwell Vina hiện đang rời vào cảnh sống khốn khó. Gặp chúng tôi, hầu hết công nhân đều thể hiện một sự bất an. Họ đang trong những ngày “vất vưởng” vì không công ăn việc làm, không có tiền trả thuê trọ, tiền học cho con. Chị Ngô Kim Tuyến (38 tuổi, quê tỉnh Lạng Sơn) buồn rầu cho biết, chị cùng 3 người con thuê phòng trọ ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom). Một mình chị nuôi hai con nhỏ nên càng rơi vào cảnh túng thiếu. Toàn bộ chi phí trang trải trông chờ vào tiền lương của chị. “Giờ đây, tiền trọ, tiền học cho con, tiền ăn và các khoản chi tiêu đều không có. Tôi phải dè xẻn hết mức. Bình gas trong bếp cũng đã hết. Tôi phải chạy vạy, vay mượn…”, chị Tuyến nói như mếu.
Trong khi đó, vợ chồng chị Thái Thị Lợi, công nhân công ty Texwell Vina cũng ở trọ tại khu vực cho biết, vì cuộc sống ngoài quê còn khó khăn nên chị cùng chồng và 2 con nhỏ tìm đi làm công nhân tại đây đã 3 năm. Giáp Tết, trong lúc mọi chi phí lo toan đều dựa vào đồng lương của hai vợ chồng thì công ty “gặp chuyện”. Được sự hỗ trợ của chính quyền, gia đình nhỏ loanh quanh rồi cũng qua Tết. Thế nhưng sau Tết, không công việc, vài đồng tiền ít ỏi để dành cho mấy miệng ăn đã hết, cả gia đình mới thật sự lâm vào cảnh lao đao. Giờ đây, thực sự họ đang phải đối mặt với nỗi lo đói ăn hàng ngày. “Mấy hôm nay, đến hạn nộp tiền trọ mà chưa có, chúng tôi phải nhờ cậy chủ nhà trọ thông cảm cho, may mắn lại được chủ trọ cảm thông thương tình cho mượn thêm 1 triệu đồng, mừng rơi nước mắt…”, chị Lợi buồn rầu nói.
Cùng cảnh ngộ, một nữ công nhân khác chia sẻ: Kể từ hôm Tết tới giờ, bản thân chị không dám chi tiêu, chỉ ăn uống sơ sơ để cầm cự vì sợ hết tiền, trong khi tương lai thì chưa biết ra sao. “Đã túng thiếu trăm bề mà công việc lại trục trặc thế này, ngày trước có công việc thì còn có đồng ra đồng vào chi tiêu, giờ thì phải nhịn cả ăn. Những người có bà con ở đây còn có thể vay mượn, mình công nhân xa quê, công việc bấp bênh thế này không ai dám cho vay”, nữ công nhân này than thở.
Đi cũng dở, ở không xong
Trong khi đó, nhiều công nhân của công ty này cho biết “đói thì đầu gối phải bò”. Một số người mặc kệ công ty, tìm cách đi nơi khác để hỏi dò xin việc. Sau buổi rảo bước đến một số công ty ở huyện Trảng Bom xin việc, chị T. cùng nhóm công nhân trở về trong tình trạng tay trắng. Nhóm công nhân này cho biết, họ đi đến nhiều chỗ nhưng chưa thể có kết quả gì vì thực hiện xong các thủ tục thì phải có thời gian, trong khi hồ sơ, quyền lợi đều đang nằm tại công ty cũ.
Chị Hồng, với tâm lý không muốn bỏ công ty vì đã gắn bó nhiều năm và các quyền lợi đều đang ở đó, nên chị đi tìm việc làm tạm thời. “Tôi đến các công ty và xin làm công nhân thời vụ nhưng cũng không tìm được. Có thể, tôi sẽ đi làm bưng bê, rửa chén bát ở quán xá gì đó để có tiền nuôi con…”, chị Hồng cho hay. Còn chị Nguyễn Thị Tâm cho biết, chị làm việc cho Công ty Texwell Vina đã 6 năm nên công nhân này vẫn hy vọng doanh nghiệp hoạt động trở lại để chị có thể tiếp tục làm việc.
Một số công nhân cho biết, hiện cũng có doanh nghiệp trên địa bàn tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu vào đơn vị mới những công nhân của Công ty Texwell Vina phải chấp nhận nghỉ hẳn việc ở công ty này. Nhiều công nhân thì lo lắng vì sức khỏe yếu, đã lớn tuổi, đang mang thai. Chẳng hạn như chị Thúy, có thâm niên làm việc tại công ty hơn 3 năm, lo sợ bởi đang mang bầu, nếu công ty phá sản thì chỉ có thất nghiệp vì các công ty khác không nhận người mang bầu vào làm việc. “Tôi bị cao huyết áp. Tôi cũng đã trên 40 tuổi. Trường hợp công ty phá sản, tôi sẽ mất việc và không còn cơ hội xin làm công nhân được nữa…”, một công nhân khác thì cho hay.
Tìm hướng gỡ khó cho công nhân
Như Báo Tài nguyên & Môi trường online đã đưa tin, ngày 9/2, hàng trăm công nhân Công ty Texwell Vina đồng loạt kéo lên vây công ty yêu cầu trả lương tháng 1 sau nhiều lần thất hẹn.
Ngoài ra, công ty còn nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 8/2017 đến nay với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng. Thời điểm vụ việc xảy ra, lãnh đạo của Công ty Texwell Vina đã rời khỏi Việt Nam. Lực lượng chức năng đang tổ chức bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng tài sản của công ty để xử lý.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đồng Nai duyệt tạm ứng khoảng 7 tỷ đồng trả 50% lương tương ứng cho hơn 1.900 công nhân Công ty Texwell Vina bị công ty nợ lương tháng 1. Số tiền trích từ ngân sách tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cũng hỗ trợ mỗi công nhân 500.000 đồng, Ủy ban MTTQVN tỉnh Đồng Nai hỗ trợ mỗi công nhân thêm 100.000 đồng để giúp công nhân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo ông Đoàn Văn Đây, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, vụ việc gần 2.000 công nhân Công ty Texwell Vina lâm vào cảnh lao đao vì bị nợ lương ngay dịp Tết trong khi chủ công ty “biến mất” đã khiến nhiều ban ngành phải quan tâm, lo lắng hỗ trợ trong tình huống gấp gáp. LĐLĐ tỉnh cũng đã sớm chủ động liên hệ với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn để phòng trường hợp chủ doanh nghiệp không trở lại thì cũng sẵn sàng có phương án để công nhân có việc làm sau Tết.
Tại thời điểm cuối tháng 2 vừa qua, Tỉnh ủy Đồng Nai đã có buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, yêu cầu LĐLĐ tỉnh tập trung quan tâm tình hình công nhân lao động của Công ty TNHH Texwell Vina.
Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ đạo LĐLĐ tỉnh bám sát tình hình, chủ động phối hợp và định hướng giải quyết tình hình cho công nhân lao động. Phía LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục làm việc với Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM, đồng thời có các giải pháp đảm bảo các chính sách, chế độ việc làm cũng như bảo hiểm xã hội cho công nhân. Dự kiến ngày 6/3 tới, sẽ có thông báo mới đến công nhân lao động.
“Có một vướng mắc hiện tại là do chủ doanh nghiệp đã rời khỏi công ty, do đó không thể chốt sổ bảo hiểm cũng như bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân. Sở LĐ-TB-XH đã đề xuất xin ý kiến của Bộ LĐ-TB-XH để giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân” - bà Nguyễn Thị Như Ý, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết.
“Đối với các trường hợp tương tự, các ông chủ “xù nợ” công nhân thì người lao động có thể khởi kiện ra tòa, yêu cầu thanh toán lương và các chế độ theo quy định, hoặc có thể nộp đơn yêu cầu doanh nghiệp tuyên bố phá sản theo quy định. Công ty phá sản thì các tài sản sẽ được đấu giá, bán để thanh toán nợ cho người lao động. Tuy nhiên, cần có các biện pháp khác để đảm bảo quyền lợi cho công nhân, nếu không, rơi vào trường hợp trên thì thường họ sẽ bị thiệt”- luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) cho biết.