Khẩn trương di dân
Đó là thông tin vừa được ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo đến các Sở, ngành, quận huyện trên địa bàn trong ứng phó cơn bão số 9 (Molave) sắp đổ bộ vào miền Trung.
Theo đó, dự báo đến chiều tối 27/10, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ TP.Đà Nẵng đến Phú Yên, vùng gần tâm bão sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Cơn bão dự kiến rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rất rộng, sức tàn phá lớn.
Tại TP.Đà Nẵng, theo ghi nhận, ngày 27/10, trời nắng đẹp, tuy nhiên, trước những cảnh báo của cơ quan chức năng người dân địa phương đã chủ động trong ứng phó.
Ngư dân bắt đầu kéo thuyền thúng lên cao. |
Tại khu vực biển Sơn Trà, Nguyễn Tất Thành... theo ghi nhận của PV, nhiều ngư dân bắt đầu kéo thuyền thúng lên cao. Nhiều hàng quán, nhà dân ở khu vực biển cũng dùng cát chèn chắn tôn, gia cố nhà cửa. Nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TP.Đà Nẵng như Tôn Đản, Nguyễn Phước Nguyên... lực lượng quản lý cây xanh tiến hành tỉa cành, chống cây.
Ông Lê Trung Chinh cho biết, chính quyền đã có chỉ đạo đến các quận, huyện, đặc biệt các quận ven biển tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 9. Triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn trước 15h ngày 27/10.
Công tác ứng phó đang được tất bật triển khai |
Cấm đánh bắt cá mùa mưa bão
TP.Đà Nẵng cũng sẽ kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn.
"Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống,... dài ngày và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn", ông Chinh thông tin.
Trong khi đó, theo lãnh đạo bộ Chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng, để ứng phó với bão, ngoài việc hỗ trợ người dân sơ tán, chằng chống nhà cửa..., lực lượng quân đội cũng sẽ triển khai quân số các khu vực, địa bàn xung yếu, trọng điểm như đập An Trạch, đập Hà Thanh, 2 hồ chứa Đồng Nghệ và Hòa Trung để kịp thời hỗ trợ chính quyền địa phương các cấp chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.
Cắt tỉa cây xanh ứng phó bão số 9 |
Đây là những khu vực trọng yếu, nguy hiểm, tuy nhiên, bất chấp cảnh báo những đợt mưa lũ trước đây người dân liên tục chèo thuyền đánh bắt cá. Những vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra.
Còn bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo TP.Đà Nẵng cho hay, Sở cũng phát đi thông báo cho học sinh nghỉ học chiều 27/10, tiếp tục theo dõi tình hình bão, mưa lũ,... để chủ động cho học sinh nghỉ học trong ngày 28/10.
Ngành giáo dục địa phương này cũng sẽ rà soát, kiểm tra chống ngã đổ cây xanh trong trường học.
Những khu vực nguy hiểm?!
Theo ghi nhận của PV, thời gian mưa lũ vừa qua, nhiều vị trí ở TP.Đà Nẵng thuộc diện có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu như ven sông Cu Đê, Túy Loan, các xã miền núi Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú, các tuyến đường ĐT 601, ADB5 Bắc Thủy Tú – Phò Nam, QL 14G, đường lên, khu vực bán đảo Sơn Trà, Nam Hải Vân, Bà Nà – Núi Chúa,...Do đó, người dân và chính quyền các khu vực này cần rất cẩn trọng trong cơn bão sắp đến.