Trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng miền núi xứ Thanh

Thanh Tâm| 05/07/2020 21:59

(TN&MT) - Miền Tây xứ Thanh với những tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ, những nét văn hóa đặc trưng xuyên suốt chiều dài lịch sử. Nơi khởi nguyên của tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” những di chỉ khảo cổ, của những lễ hội đặc sắc. Những thác nước hùng vĩ, đại ngàn hoang sơ…

Suốt chiều dài trong lịch sử dân tộc, Thanh Hóa tương đối ổn định về mặt địa giới hành chính. Vùng đất này là địa bàn sinh tụ của 7 dân tộc người anh em: Kinh, Mường, Thái, Dao, H’Mông, Thổ và Khơ Mú, mỗi dân tộc mang một sắc thái riêng, tạo nên bức tranh lung linh đa sắc của văn hóa xứ Thanh.

Miền núi Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng của khu vực Tây Bắc và cả nước. Với địa hình chủ yếu là núi, gắn với hệ núi cao Tây Bắc và hệ núi Trường Sơn, khu vực miền núi Thanh Hóa còn lưu giữ được các hệ sinh thái rừng nguyên sinh, hệ sinh thái núi đá vôi, đây được cho là cơ sở hình thành và phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm. Không chỉ vậy, khu vực miền núi Thanh Hóa còn có các di chỉ khảo cổ quan trọng, nơi xuất hiện con người tối cổ, qua các di tích, di chỉ tiêu biểu: Hang Con Moong, Mái Đá Điều, Hang Làng Tráng… đã minh chứng điều đó.

Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới vẫn trường tồn cùng thời gian

Không chỉ hùng vĩ với núi cao, rừng sâu, đại ngàn thác đổ, nơi khởi nguyên của tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” với tục thờ đá, thờ nước, rừng cây và con người có sức mạnh phi thường khai sơn, phá thạch, dựng bản, lập mường… đời nối đời được tri ân, thờ phụng.

Nơi đây còn được biết đến với hàng trăm lễ hội đặc sắc như: lễ hội Khai Hạ, lễ hội Mường Xia, lễ hội Nàng Han.. Các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống: Dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, canh đắng, rượu siêu men lá, rượu cần…Đó là sự kết tinh từ tinh hoa của đất trời của văn hóa vùng miền do những người dân tần tảo tạo nên đến nay vẫn còn lưu giữ và trao truyền trong khắp mường trên, bản dưới.

Với địa hình nghiêng dốc hướng Tây Bắc – Đông Nam, độ dốc lớn cùng với hệ thống sông ngòi dày đặc không chỉ mang lại nguồn nước mát lành, mang lại lợi ích kinh tế, giá trị thủy điện mà còn tạo ra giá trị cảnh quan phục vụ phát triển du lịch của địa phương, đó là dòng sông Mã, sông Chu, là hồ Công (huyện Lang Chánh), hồ Hai Dòng (huyện Cẩm Thủy), hồ Cửa Đặt (huyện Thường Xuân) hồ Bến En (Như Thanh). Cùng với đó là hàng trăm thác ghềnh hùng vĩ được phân bố khá đều ở khắp khu vực miền núi Thanh Hóa đã tạo nên sức lôi cuốn, hấp dẫn du khách thích khám phá, trải nghiệm loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái…

Thác Mây địa điểm du lịch nổi tiếng ở huyện miền núi Thạch Thành

Miền núi Thanh Hóa cũng có hệ thống núi đá vôi khá đồ sộ như: dãy núi Pù Luông, Pù Rinh (huyện Quan Hóa, huyện Bá Thước), Đồng Mười (huyện Như Thanh) và các dãy núi đá vôi kéo dài ở các huyện. Hệ thống núi đá vôi trải dài khắp đã tạo nên quần thể hang động kỳ thú như: Động Bàn Bù hay gọi là hang Ngán ( huyện Ngọc Lặc), hang Con Moong (huyện Thạch Thành)… tất cả các hang động có giá trị về địa chất và cảnh quan, thích hợp cho những du khách ưa khám phá, nghiên cứu và mạo hiểm.

Ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp vươn tới đỉnh trời

Đến với miền núi xứ Thanh, cảnh quan làng bản nơi đây vẫn giữ nguyên vẻ đẹp truyền thống. Không gian sống của đồng bào được hình thành lâu đời và mang bản sắc văn hóa bản địa đặc trưng. Những nếp nhà sàn truyền thống nép mình trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng; những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp vươn cao tới đỉnh trời, mùa lúa về rực rỡ một màu vàng no ấm, bốn màu hoa thơm và trái ngọt luôn có sức hấp hẫn đến mê hoặc du khách. Những con đường ngoằn nghoèo vào bản làng xa xôi, những cảnh sinh hoạt thường nhật bình dị mà nên thơ, những phiên chợ vùng cao với váy áo, khăn thêu rực rỡ như một rừng hoa tỏa hương, khoe sắc… là những điểm đến độc đáo có sức quyến rũ, gọi mời du khách đến với các bản làng miền núi phía Tây Thanh Hóa.

Vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của miền Tây xứ Thanh

Là nơi sinh tụ từ rất sớm của người Việt cổ, Thanh Hóa có hệ thống di tích văn hóa khảo cổ đa dạng. Hiếm có vùng đất nào lại có đầy đủ những điểm mốc quan trọng và nổi tiếng, đánh dấu các giai đoạn văn hóa khảo cổ Việt Nam như Thanh Hóa.

Miền Tây xứ Thanh là miền lễ hội lung linh, muôn màu sắc, đến bất cứ bản, mường nào cũng đều bắt gặp. Đặc biệt, lễ hội nơi miền non xanh, nước biếc này bừng lên và đắm say lòng người khi mỗi độ xuân về và rẫy trên, ruộng dưới vàng rực một màu ấm no, hạnh phúc. Cùng với các di sản văn hóa vật thể là hàng trăm lễ hội, trò diễn dân gian được lưu giữ tại mỗi di tích lịch sử - văn hóa. Nếu di tích là vật chất, là hình thức bề ngoài mang tính tĩnh, thì lễ hội là linh hồn, mang tính động, chuyền tải các ý tưởng thiêng liêng của con người đối với các nhiêu thần, nhân thần theo tâm thuyết của người xưa.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ Mường, Thái

Đồng bào dân tộc ở miền núi Thanh Hóa có rất nhiều nghề thủ công truyền thống có sức hút đối với khách du lịch như: Dệt thổ cẩm của người Mường, Thái ở Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa… Nấu rượu siêu men lá ở Lang Chánh; làm giấy của người Dao… không chỉ phục vụ cho đời sống thường nhật, mà còn góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng miền núi xứ Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO