Biến đổi khí hậu

Những nơi nào ở châu Á đang phải hứng chịu nhiệt độ cao kỷ lục và nắng nóng sẽ kéo dài bao lâu?

Theo Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Straitstimes) 01/05/2024 - 13:32

Từ Myanmar đến Philippines, nhiều khu vực rộng lớn ở châu Á đang phải hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục và buộc hàng triệu trẻ em phải nghỉ học ở nhà.

Chú thích ảnh
Người dân dùng ô che nắng khi di chuyển trên phố ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Nắng nóng thiêu đốt càn quét nhiều khu vực

Nắng nóng đã bao phủ phần lớn Nam Á và Đông Nam Á. Trong đó, những khu vực như Chauk của Myanmar và thủ đô Manila của Philippines đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong những ngày gần đây.

Tại Thái Lan, giới chức đã đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của tình trạng nắng nóng nghiêm trọng. Trong khi đó, chính quyền Campuchia, Myanmar, Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh đều dự đoán mức nhiệt cao vượt ngưỡng 40 độ C.

Philippines và Bangladesh đã phải đã đình chỉ các lớp học trực tiếp. Trong khi Ấn Độ đang xem xét liệu nắng nóng có ảnh hưởng đến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quốc gia hay không.

Ngay cả miền bắc Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi sóng nhiêt. Nhiệt độ ở Sapporo của Nhật Bản vào tháng 4 đã vượt mốc 25 độ C - thời điểm sớm nhất trong lịch sử.

Nguyên nhân gây nắng nóng gay gắt

Những tháng trước mùa mưa hoặc gió mùa, khu vực châu Á thường hứng chịu nắng nóng, nhưng nhiệt độ năm 2024 vào thời điểm này lại cao hơn nhiều so với mức trung bình ở nhiều quốc gia.

Các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu đang gây ra những đợt nắng nóng thường xuyên, dữ dội và kéo dài hơn.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới - cơ quan của Liên hợp quốc, châu Á cũng đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu.

Tiến sĩ Milton Speer, nhà khí tượng học và nhà nghiên cứu khách mời tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết hiện tượng El Nino đóng vai trò quan trọng gây ra đợt nắng nóng năm 2024.

“Việc thiếu mây khi El Nino xảy ra có nghĩa là nhiệt độ trung bình có thể sẽ cao hơn. Nhiệt độ bề mặt nước biển trong khu vực này hiện cao hơn vài độ C so với thông thường, khiến nhiệt độ tăng cao hơn mức trung bình đất liền qua đêm. Vì vậy, nhiệt độ ban ngày cũng tăng từ mức cao hơn”, ông Speer giải thích.

Ngoài ra còn có những yếu tố khác gây ra đợt nắng nóng bất thường này, bao gồm nạn phá rừng làm giảm bóng râm và tăng diện tích bề mặt khô, và hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, nơi các kết cấu bê tông, kính và thép hấp thụ thay vì phản xạ nhiệt.

Những người dễ bị tổn thương bởi nắng nóng

Chú thích ảnh
Châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Ảnh: ST

Nhiệt độ cao kỷ luc ảnh hưởng không tương xứng đến trẻ em, người cao tuổi và những người sống trong nghèo đói.

Trẻ em, người cao tuổi, những người có bệnh nền hoặc người khuyết tật đều có nguy cơ sốc nhiệt cao hơn.

Những người sống trong cảnh nghèo khó cũng thiếu các giải pháp làm mát tại nhà hoặc buộc phải làm việc trong điều kiện không được bảo vệ đầy đủ trước nắng nóng.

Tháng này, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc Unicef cảnh báo 243 triệu trẻ em trên khắp Thái Bình Dương và Đông Á có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng.

Chuyên gia y tế Văn phòng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Unicef ​​Salwa Aleryani cho rằng trẻ em tiếp xúc với sóng nhiệt có thể dẫn đến sốc nhiệt.

Bà nói với AFP: “Các vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra, chẳng hạn như bệnh tim mạch, suy nội tạng, rối loạn chức năng cơ và thần kinh”.

Phản ứng của các quốc gia

Chú thích ảnh
Người dân che ô tránh nắng nóng tại Bangkok, Thái Lan, ngày 1/4/2024. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Chính quyền ở một số quốc gia đã yêu cầu công dân ở trong nhà. Các bệnh viện ở Nepal được đặt trong tình trạng sẵn sàng, trong khi giới chức Campuchia yêu cầu các trường công lập mở tất cả cửa ra vào và cửa sổ để thông gió.

Bangladesh và Philippines còn áp đặt các biện pháp mạnh mẽ hơn, khi các trường học được yêu cầu đóng cửa trong nhiều ngày.

Bộ Giáo dục Philippines yêu cầu trường công lập hủy các lớp học trực tiếp trong hai ngày 29 và 30/4 vì nắng nóng. Chủ tịch Liên minh Nhân phẩm Giáo viên Philippines Benjo Basas cho hay: “Chúng tôi đã nhận được báo cáo về tình trạng huyết áp cao, chóng mặt và ngất xỉu ở học sinh và giáo viên trong những ngày qua”.

Tuy nhiên, bà Aleryani cảnh báo rằng nhiều trẻ em thậm chí không có điều kiện mát mẻ hơn khi ở nhà. Các em cũng có thể không được giám sát bởi các bậc cha mẹ không đủ khả năng để nghỉ làm ở nhà và việc học tập của các em cũng có nguy cơ bị gián đoạn nghiêm trọng.

Tại Singapore, cơ quan khí tượng cho hay nhiệt độ tại nước này vào năm 2024 có thể tăng cao hơn năm ngoái. Đây là năm có nhiệt độ cao thứ 4 kể từ khi thông số này bắt đầu được ghi nhận vào năm 1929. Kể từ tháng trước, một số trường học đã nới lỏng các quy định về đồng phục, cho phép học sinh mặc trang phục thể dục thoải mái hơn trong bối cảnh nắng nóng dai dẳng.

Nắng nóng sẽ kéo dài bao lâu?

Chú thích ảnh
Cử tri Ấn Độ đi bỏ phiếu dưới thời tiết nắng nóng. Ảnh: NurPhoto

Nắng nóng ở Bangladesh dự kiến sẽ không giảm sớm nhất cho đến ngày 2/5.

Còn tại Thái Lan, các nhà khí tượng cảnh báo mùa mưa hàng năm có thể kéo đến vào cuối tháng 5, muộn hơn vài tuần so với thông thường.

Tiến sĩ Speer cho biết xu hướng nóng lên nói chung sẽ tiếp tục diễn ra ngay cả khi gió mùa trong khu vực kéo đến giúp nhiệt độ thấp hơn.

“Các đợt nắng nóng sẽ tiếp tục xảy ra thường xuyên hơn vì các đại dương và bầu khí quyển đang dần nóng lên do sự nóng lên toàn cầu”, ông nói.

Điều đó lại gây ra rủi ro ngày càng tăng đối với cây trồng và vật nuôi, cũng như những người lao động làm việc ngoài trời.

Tiến sĩ Speer cho rằng khả năng thích ứng với nắng nóng là rất quan trọng, bao gồm việc cung cấp các cấu trúc khu dân cư bền vững có điều hòa không khí, nơi người dân có thể đến vào ban ngày và ngủ vào ban đêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nơi nào ở châu Á đang phải hứng chịu nhiệt độ cao kỷ lục và nắng nóng sẽ kéo dài bao lâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO