TP. Hồ Chí Minh: Kiểm soát chặt chẽ lượng nước thải

15/05/2014 00:00

(TN&MT) - Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các sông, kênh rạch chưa được giải quyết triệt để, TP.HCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp quản lý...

(TN&MT) - Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các sông, kênh rạch chưa được giải quyết triệt để, TP.HCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng nước từ các nguồn thải.
   
Nhiều kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM hàng ngày phải tiếp nhận
nguồn nước chưa được xử lý của nhiều doanh nghiệp.
   
Nhiều nguồn gây ô nhiễm
   
Theo thống kê của Sở TN&MT TP.HCM, hiện thành phố có khoảng 3.300 nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ. Trong đó, chỉ có 35% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn có hệ thống xử lý môi trường đạt quy chuẩn môi trường (1.140/3.300). Cụ thể, cho đến nay chỉ mới kiểm soát được các nguồn thải có lưu lượng từ 50m3/ngày trở lên, đạt khoảng 80%; lưu lượng từ 30 - 50m3/ngày, đạt khoảng 50% và lưu lượng từ 10 - 30m3/ngày, đạt khoảng 30%. Tuy nhiên, đây chỉ là thống kê chưa toàn diện và đầy đủ về các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nước.
   
Kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước vừa được Sở TN & MT công bố cho thấy, nguồn nước tại hệ thống kênh rạch ở TP.HCM đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Các thành phần như BOD5 (nhu cầu oxy sinh học), COD (nhu cầu oxy hóa học), chỉ tiêu vi sinh (coliform), hàm lượng chất lơ lửng (SS), kim loại nặng... đều vượt tiêu chuẩn từ vài chục đến cả ngàn lần cho phép. Tình trạng ô nhiễm càng trở nên đậm đặc hơn khi thủy triều thấp.
   
Nguồn thải ô nhiễm đang là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm chất lượng nguồn nước kênh rạch nội thành; làm suy giảm chất lượng nguồn nước sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt của người dân thành phố.
   
Nguyên nhân của hiện trạng nước thải ô nhiễm đáng lo ngại trên là do các doanh nghiệp vẫn chưa tự giác chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường bởi mức thu phí đối với nước thải còn thấp, chưa thúc đẩy các doanh nghiệp xây dựng công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.  Ngoài ra, các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về nộp phí bảo vệ môi trường chưa đầy đủ nên có nhiều doanh nghiệp không thực hiện kê khai nộp phí, kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền phí phải nộp, chậm nộp phí, trốn nộp phí bảo vệ môi trường.
   
Nâng tiêu chuẩn xử lý nước thải
   
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt, UBND TP.HCM đã ban hành quy định mới về phân vùng xả thải và tiêu chuẩn nước thải, bắt buộc các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng nước thải trước khi xả thải ra môi trường.
   
Theo quy định mới, nước thải tại các khu vực hồ Kỳ Hòa, Đầm Sen, hồ trong công viên Hoàng Văn Thụ, các ao hồ khác trên địa bàn TP.HCM và nhiều đoạn trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai phải đạt quy chuẩn loại A, đây là yêu cầu khắt khe nhất về quản lý chất lượng nước thải tại Việt Nam hiện nay, đòi hỏi nước thải trước khi đổ ra môi trường phải được xử lý cẩn thận để loại bỏ các chất gây hại.
   
UBND thành phố cũng quy định phân vùng các nguồn xả thải đối với 97 tuyến sông, suối, kênh rạch nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đối với nguồn cấp nước sạch cho người dân.
   
Cụ thể, các nguồn nước thải xả vào các sông, suối, kênh rạch dẫn ra sông Đồng Nai đoạn từ cửa dưới nhánh sông Tắc 500 mét trở lên thượng nguồn, sông Sài Gòn đoạn từ cầu Phú Long trở lên thượng nguồn và các kênh trục cấp nước thuộc hệ thống thủy lợi Kênh Đông thì chất lượng nước thải phải đạt loại A. Các nguồn xả thải ra sông Đồng Nai đoạn từ cửa dưới nhánh sông Tắc ra đến hợp lưu với sông Sài Gòn tại Mũi Đèn Đỏ có lưu lượng xả thải trên 5.000m3/ngày đêm, các nguồn xả thải ra sông Sài Gòn đoạn từ cầu Phú Long đến cầu Bình Phước có lưu lượng xả thải trên 5.000m3/ngày đêm, chất lượng nước thải cũng phải đạt loại A.
   
Đối với 14 tuyến kênh rạch khu vực trung tâm Thành phố như Kênh 19/5, Tham Lương, Nước Đen, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Văn Thánh, Tàu Hủ, Bến Nghé, Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Hàng Bàng, Rạch Nước Lên, sông Chợ Đệm… nguồn nước thải phải đạt quy chuẩn loại B theo quy định.
   
Đồng thời, để đạt mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường đến năm 2015, tầm nhìn 2020, Sở TN & MT  đã đề xuất một số giải pháp khắc phục: Cho doanh nghiệp vay vốn không lãi suất trong thời gian dài để đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải; điều tra toàn diện và kiểm soát các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 10m3/ngày đêm trở lên; cập nhật dữ liệu nguồn thải lên bản đồ GIS nhằm phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thường xuyên các nguồn thải và kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm.
   
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cường giám sát chặt hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn; phát huy hơn nữa vai trò tham gia của cộng đồng trong việc thi hành chính sách về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành hoặc xử lý không đạt các Quy chuẩn môi trường, nhất là có biện pháp xử lý mạnh như niêm phong công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, đình chỉ sản xuất, buộc di dời đối với cơ sở tái phạm nhiều lần, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đối với các nguồn thải có lưu lượng nước thải trên 1.000m3/ngày đêm, bắt buộc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động từ năm 2015, để kết nối vào hệ thống quan trắc, giám sát kịp thời.
   
Nguyễn Thanh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Kiểm soát chặt chẽ lượng nước thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO