TP.HCM ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Bài và ảnh: Nguyễn Quỳnh| 27/10/2020 09:32

(TN&MT) - UBND TP.HCM vừa có Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP.HCM đề xuất thực hiện 56 chương trình, dự án, được phân kỳ theo 2 giai đoạn: Giai đoạn năm 2020 với 17 chương trình, dự án do 12 Sở, ban, ngành chủ trì và giai đoạn từ 2021 đến năm 2030 với 39 chương trình, dự án do 15 Sở, ban, ngành chủ trì.

Triển khai 3 nhiệm vụ trọng tâm

Theo Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, TP.HCM sẽ thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với BĐKH và chuẩn bị nguồn nhân lực. Trong đó, về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, trong giai đoạn 2020, TP.HCM sẽ thực hiện 6 chương trình, dự án. Trong đó, 4 chương trình, dự án lồng ghép và 2 chương trình dự án mới để xây dựng và thực hiện các đề xuất giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) cho lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, lĩnh vực chất thải rắn; thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khác phù hợp với điều kiện quốc gia. Trong giai đoạn từ 2021 - 2030, TP.HCM sẽ thực hiện 20 chương trình, dự án, trong đó có 19 chương trình, dự án lồng ghép và 1 dự án mới để thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Một phần do ảnh hưởng của tình trạng BĐKH, TP.HCM thường xuyên bị ngập nước sau mưa lớn kết hợp với triều cường

Đối với nhiệm vụ thích ứng với BĐKH, giai đoạn 2020, TP.HCM sẽ thực hiện 7 chương trình, dự án. Trong đó, có 6 chương trình, dự án lồng ghép và 1 chương trình, dự án mới để thực hiện 5 nhiệm vụ, gồm: nhiệm vụ cập nhật đóng góp về thích ứng với BĐKH trong NDC phục vụ đánh giá nỗ lực toàn cầu định kỳ; rà soát thông tin, dữ liệu hiện có về thích ứng với BĐKH, tổn thất và thiệt hại; đề xuất thông tin, nghiên cứu bổ sung và phương thức quản lý, chia sẻ dữ liệu tạo thuận lợi cho xây dựng, cập nhật các báo cáo đóng góp của quốc gia về thích ứng với BĐKH; nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu ứng với với BĐKH và tăng trưởng xanh; thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; nhiệm vụ thực hiện các hoạt động khác về BĐKH nhằm tăng khả năng chống chịu, bảo vệ  cuộc sống và sinh kế  cho người dân, tạo điều kiện để có đóng góp lớn  hơn trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM sẽ thực hiện 17 chương trình, dự án. Trong đó, có 10 chương trình, dự án lồng ghép và 7 chương trình, dự án mới để thực hiện 12 nhiệm vụ chính. Các nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng và dân sinh phù hợp với bối cảnh BĐKH; xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch dân cư, cơ sở hạ tầng dựa trên kịch bản BĐKH có chú trọng đến các ngành và vùng trọng điểm; triển khai các phương án và giải pháp, công trình phòng chống thiên tai trọng điểm, cấp bách nhằm bảo vệ đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng an ninh và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; di dời, sắp xếp lại các khu dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của bão, nước dâng do bão, lũ lụt, xói lở bờ sông, bờ biển.

Cùng với đó, quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo đảm an toàn hồ chứa; tăng cường hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới; đảm bảo an ninh nguồn nước; quản lý rừng bền vững, ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng; trồng, bảo vệ, phục hồi rừng ven biển; rà soát, điều chỉnh và phát triển sinh kế và quá trình sản xuất phù hợp với điều kiện BĐKH gắn với xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội; thực hiện lồng ghép thích ứng với BĐKH dựa vào sinh thái và cộng đồng, thông qua phát triển dịch vụ hệ sinh thái bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng kiến thức bản địa, ưu tiên cộng đồng dễ bị tổn thương.

Về chuẩn bị nguồn lực, TP.HCM sẽ thực hiện 2 chương trình, dự án để xây dựng, triển khai chương trình đào tạo cán bộ, viên chức, người lao động đáp ứng nhu cầu thực hiện Thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ thực hiện 3 chương trình, dự án để áp dụng thử nghiệm một số công nghệ ứng phó với BĐKH có tiềm năng và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đồng thời, TP.HCM sẽ rà soát, đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về BĐKH; củng cố các cơ quan nghiên cứu về BĐKH đầu ngành; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, trao đổi công nghệ.

Dự án chống ngập nước có xét đến yếu tố BĐKH (giai đoạn 1) có vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng đang được gấp rút hoàn thành

Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế

Để thực hiện thành công 3 nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, TP.HCM sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các Sở, ban, ngành và các cấp, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp về thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Trung ương và các nội dung thực hiện Thỏa thuận Paris đến các ngành, các cấp và nhân dân trên địa bàn thành phố; tăng cường nhân lực, nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi thực hiện Thỏa thuận Paris.

Về chuẩn bị nguồn lực tài chính, TP.HCM sẽ đảm bảo các nguồn lực cần thiết, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng quốc tế và trong nước. Hàng năm, TP.HCM xem xét dành một phần thỏa đáng ngân sách để thực hiện Kế hoạch theo quy định. Đối với nguồn ngoài ngân sách Nhà nước, TP.HCM sẽ ban hành cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp tham gia thực hiện hợp tác chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi, thu hút đầu tư. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia giao lưu thương mại và xúc tiến đầu tư với các nước trên thế giới trong chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của BĐKH.

Theo Kế hoạch này, UBND TP.HCM giao nhiệm vụ cho Sở TN&MT là Cơ quan Thường trực có nhiệm vụ giúp UBND Thành phố theo dõi, tổng hợp, báo cáo, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch. Theo đó, Sở được giao nhiệm vụ tổ chức giám sát thực hiện kế hoạch: đánh giá việc triển khai các chương trình, dự án đề ra; tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch, định kỳ trước ngày 30/10 hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất báo cáo Bộ TN&MT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia về BĐKH và các Bộ, ngành liên quan về kết quả thực hiện.

UBND TP.HCM cũng giao nhiệm vụ cho Sở Tài chính, hàng năm, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ theo Kế hoạch, tổng hợp, tham mưu UBND Thành phố bố trí dự toán kinh phí để triển khai thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và khả năng cân đối ngân sách của Thành phố. Đối với nguồn chi đầu tư phát triển từ ngân sách Thành phố, căn cứ khả năng cân đối ngân sách trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, đơn vị, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND Thành phố danh mục các dự án liên quan đến ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Đầu tư công.

TP.HCM sẽ bị ngập 17% diện tích nếu nước biển dâng 100 cm

Theo UBND TP.HCM, TP.HCM là địa phương dễ bị tổn thương do tình trạng BĐKH, nước biển dâng. Nhiệt độ trung bình của TP.HCM tăng 0,70C trong thời gian từ 1978 - 2011. Về lượng mưa từ 1993 - 2011, khu vực ven đô thị về phía Tây và Tây Nam TP.HCM gia tăng trên 100 mm.

Đặc biệt, tại TP.HCM, hiện tượng mưa cực đoan ngày càng xảy ra với tần suất nhiều hơn. Đồng thời, tại TP.HCM, vấn đề ngập lụt là nghiêm trọng, gây nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông đô thị, sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, do tác động của triều cường đã gây vỡ đê tại các khu vực quận 8, quận 12 Trong tương lai, theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN&MT công bố năm 2016 với kịch bản BĐKH trung bình, nhiệt độ của TP.HCM sẽ tăng 1,90C vào năm 2100; theo kịch bản BĐKH cao, nhiệt độ của TP.HCM sẽ tăng 3,50C. Về nước biển dâng, đến năm 2100, mực nước biển dâng trung bình là 54 cm. Theo kịch bản ngập lụt TP.HCM thì nếu nước biển dâng 100 cm thì 17% diện tích thành phố có nguy cơ bị ngập. Trong đó, quận Bình Thạnh sẽ bị ngập khoảng 80,78%, huyện Bình Chánh sẽ bị ngập khoảng 35,43%...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO