Thế giới

Thế giới thiết lập mốc nhiệt cao mới

Mai Đan (tổng hợp từ UN News & New York Times) 19/03/2024 - 14:31

(TN&MT) - Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố báo cáo cho thấy, các đại dương trên toàn cầu tiếp tục thiết lập các mốc nhiệt độ cao mới.

Theo các nhà khoa học, để tránh nhiệt độ tiếp tục gia tăng, chúng ta cần hành động nhanh chóng để giảm lượng khí thải CO2.

Kỷ lục mới về đợt nóng toàn cầu

Báo cáo của Copernicus chỉ rõ, kỷ lục mới nhất về đợt nóng toàn cầu do biến đổi khí hậu bao gồm nhiệt độ bề mặt nước biển, không chỉ nóng nhất trong tháng 2 mà còn vượt qua bất kỳ tháng kỷ lục nào, vượt mốc so với tháng 8/2023.

Theo Copernicus, nhiệt độ trung bình trong tháng 2 vừa qua là 13,54oC, ấm hơn 1,77oC so với cuối thế kỷ 19. Tháng 2 năm nay cũng như 2 tháng mùa đông trước đó, vượt xa mức quy định quốc tế về sự nóng lên trong thời gian dài.

16a.jpg
Để tránh nhiệt độ tiếp tục gia tăng, chúng ta cần hành động nhanh chóng để giảm lượng khí thải CO2

Theo Thỏa thuận Paris năm 2015, thế giới đặt mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu bằng hoặc dưới 1,5oC. Số liệu của Copernicus là số liệu hàng tháng và không hoàn toàn giống hệ thống đo lường cho ngưỡng nhiệt theo Thỏa thuận Paris, vốn được tính trung bình trong 2 hoặc 3 thập kỷ. Tuy nhiên, dữ liệu của Copernicus cho thấy, kể từ tháng 7/2023 trở đi, mức nhiệt gia tăng đã vượt quá 1,5oC.

Các nhà khoa học nhấn mạnh, phần lớn lượng nhiệt kỷ lục là do con người gây ra: phát thải carbon dioxide và khí mê-tan từ việc đốt than, dầu và khí tự nhiên. Nhiệt bổ sung đến từ hiện tượng El Nino tự nhiên, sự nóng lên của vùng trung tâm Thái Bình Dương làm thay đổi các kiểu thời tiết toàn cầu.

Nhà khoa học khí hậu Jennifer Francis của Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell cho biết: "Kể từ giữa năm 2023, El Nino đã diễn ra mạnh mẽ, do đó không có gì ngạc nhiên khi thấy nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức bình thường. Tuy vậy, số lượng kỷ lục bị phá vỡ rất đáng báo động".

Theo bà Francis, Bắc Cực là nơi diễn ra "điểm nóng" - nơi tốc độ nóng lên nhanh hơn nhiều so với toàn cầu, dẫn theo hàng loạt tác động lâu dài và sâu rộng đến nghề cá, hệ sinh thái, băng tan và các mô hình dòng hải lưu bị thay đổi. Ngoài ra, nhiệt độ bất thường ở những khu vực đại dương khác là do nó bị giữ lại bởi khí nhà kính tích tụ trong nhiều thập kỷ.

Trong khi đó, bà Francesca Guglielmo - nhà khoa học khí hậu cấp cao của Copernicus cho biết, nhiệt độ đại dương cao kỷ lục bên ngoài Thái Bình Dương - nơi El Nino tập trung cho thấy điều này còn hơn cả hiệu ứng tự nhiên.

Bà Natalie Mahowald - nhà khoa học khí hậu tại Đại học Cornell (Mỹ) cho rằng nhiệt độ cao bất thường là điều rất đáng lo ngại. Theo bà, chúng ta cần hành động nhanh chóng để giảm lượng khí thải CO2, từ đó tránh nhiệt độ gia tăng.

Mối lo từ El Nino

Liên quan đến tác động của El Nino lên nhiệt độ toàn cầu, trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học cho biết, trong năm nay, cùng với làm tăng nhiệt độ toàn cầu, El Nino có khả năng đẩy nhiệt độ từ Amazon đến Alaska lên mức kỷ lục. Các khu vực ven biển của Ấn Độ bên Vịnh Bengal và Biển Đông cũng như Philippines và Caribe có thể phải hứng chịu nắng nóng chưa từng có trong khoảng thời gian đến tháng 6, sau đó El Nino có khả năng suy yếu.

Theo Tiến sĩ Ning Jiang thuộc Viện Khoa học Khí tượng Trung Quốc ở Bắc Kinh, các đợt nắng nóng dữ dội và bão nhiệt đới, cùng với mực nước biển dâng toàn cầu khiến các khu vực ven biển đông dân đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu lớn và cấp bách, thách thức năng lực thích ứng, giảm thiểu và quản lý rủi ro hiện nay.

"Sự ấm lên sắp xảy ra này thúc đẩy sự gia tăng nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng trên biển quanh năm cũng như nguy cơ cháy rừng và các hậu quả tiêu cực khác ở Alaska và lưu vực sông Amazon. Biển và các khu vực ven biển đặc biệt dễ bị tổn thương vì đại dương có thể giữ nhiệt nhiều hơn đất liền, điều này đồng nghĩa nóng bức có thể tồn tại ở đó trong thời gian dài hơn", ông Ning Jiang cho biết thêm.

Tình trạng Khí hậu Trái đất xoay vòng tự nhiên giữa El Nino và La Nina thúc đẩy và điều tiết xu hướng cơ bản mạnh mẽ của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Thời gian đỉnh điểm của El Nino xảy ra là từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau, do đó, nghiên cứu mới đã mô hình hóa tác động của hiện tượng này đối với sự thay đổi nhiệt độ không khí bề mặt theo khu vực từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới thiết lập mốc nhiệt cao mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO