Môi trường

COP28 hối thúc hành động bảo vệ và phục hồi rừng, đất và biển

Cồ Huy - Tổng hợp từ COP28 14/12/2023 - 08:34

(TN&MT) - Tại COP28, các nhà lãnh đạo vừa thông qua các cam kết trị giá hơn 186 triệu USD để thúc đẩy hành động vì khí hậu và tiếp tục tăng cường bảo vệ và khôi phục thiên nhiên.

Bảo vệ thiên nhiên đưa thế giới đến gần mục tiêu của Thỏa thuận Paris

Một số cam kết mang tính bước ngoặt về rừng, rừng ngập mặn, phục hồi cảnh quan, tài chính thiên nhiên và đại dương đã được công bố tái khẳng định hành động trong tương lai gần đối với thiên nhiên là điều cần thiết để thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Tuyên bố chung của 17 quốc gia kêu gọi sử dụng gỗ bền vững trong xây dựng; Hơn 150 doanh nghiệp và tổ chức tài chính công bố kế hoạch đặt ra các mục tiêu về khí hậu và thiên nhiên trong khuôn khổ Mạng lưới mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học và khuôn khổ Nông nghiệp và đất rừng; Tổng thống Brazil Lula da Silva và Chủ tịch COP28 công bố mối quan hệ hợp tác kéo dài 2 năm nhằm huy động các nguồn lực mới và hỗ trợ về mặt chính sách cho thiên nhiên trên con đường hướng tới COP30 ở Belém (Brazil). Đây là ba kết quả quan trọng tại COP28.

Bà H.E Razan Al Mubarak - Nhà vô địch cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại COP28 cho biết: “Không có con đường nào để thực hiện Thỏa thuận Paris và giữ mức tăng 1,5oC trong tầm tay nếu không bảo vệ và khôi phục thiên nhiên, đất và đại dương. Chúng ta phải chú trọng hợp tác với người dân bản địa và cộng đồng địa phương, những người quản lý những tài sản quan trọng này”.

Hơn 186 triệu USD tài trợ mới cho thiên nhiên và khí hậu hướng tới rừng, rừng ngập mặn và đại dương đã được công bố trong Ngày Thiên nhiên, Sử dụng Đất và Đại dương. Khoản tài trợ này được xây dựng dựa trên số tiền 2,5 tỷ USD huy động nhằm bảo vệ và phục hồi thiên nhiên tại Hội nghị thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới (WCAS) trong khuôn khổ Hội nghị COP28.

Việc hạn chế những tổn hại đối với thiên nhiên có thể tạo cơ hội tăng 30% hành động để giảm thiểu biến đổi khí hậu cần thiết nhằm duy trì mức tăng 1,5oC vào năm 2030. Thiên nhiên có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu, như lũ lụt và hỏa hoạn. Bảo tồn thiên nhiên cũng có thể đóng góp các cơ hội kinh doanh mới trị giá 10 nghìn tỷ USD và tạo ra gần 400 triệu việc làm mới.

Tại COP26, các nhà lãnh đạo đã nhất trí dừng và đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030 và đầu năm nay đã thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF), nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030. Những mục tiêu này phụ thuộc vào sự đầu tư và lãnh đạo từ các cộng đồng bản địa, những nơi quản lý khoảng 80% đa dạng sinh học toàn cầu.

Những kết quả quan trọng

Kết quả chính sách quan trọng của Ngày Thiên nhiên, Sử dụng Đất và Đại dương là tuyên bố chung giữa Chủ tịch COP28 và Công ước về Đa dạng Sinh học (CBD). Tuyên bố chung COP28 về Khí hậu, Thiên nhiên và Con người đã được 18 quốc gia dẫn đầu về khí hậu, thiên nhiên và 11 đối tác đa dạng sinh học thông qua đối với các khu rừng, rừng ngập mặn và đại dương. Điều này báo hiệu một cam kết mới cho các quốc gia trong việc phối hợp và thực hiện đồng thời các chiến lược về thiên nhiên và khí hậu của mình.

anh-1-cop28.jpg
Đảo Reem ở Abu Dhabi

Tại WCAS, bà Al Mubarak đã thông báo UAE sẽ đóng góp 100 triệu USD trong gói tài chính mới cho các dự án về thiên nhiên - khí hậu, với khoản đầu tư ban đầu 30 triệu USD cho kế hoạch “Ghana kiên cường” của Chính phủ Ghana. UAE và Brazil sẽ đồng chủ trì quan hệ đối tác chiến lược kéo dài hai năm nhằm kết nối COP28 với COP30.

Sau WCAS, đã có nhiều thông báo, trong đó phải kể đến 30 quốc gia đã trở thành thành viên của Liên minh Rừng ngập mặn vì khí hậu (MAC) kể từ COP27, nâng tổng số thành viên lên 37 quốc gia, bao phủ hơn 60% diện tích rừng ngập mặn trên thế giới.

Bên cạnh đó, 21 quốc gia chính thức thông qua Sáng kiến rừng ngập mặn, một nỗ lực hợp tác giữa Liên minh Rừng ngập mặn toàn cầu (GMA) và các Nhà vô địch cấp cao về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc nhằm khôi phục và bảo vệ 15 triệu ha rừng ngập mặn trên toàn cầu vào năm 2030 thông qua khoản tài chính trị giá 4 tỷ USD.

Đồng thời, Ủy ban Cấp cao về Kinh tế Đại dương Bền vững đã công bố tư cách thành viên của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, tăng cường phối hợp để đạt được nền kinh tế đại dương bền vững 100%.

Ngoài ra, 15 chính phủ đã đưa ra lộ trình tín chỉ và kết quả carbon rừng, vạch kế hoạch tăng quy mô đầu tư vào kết quả và tín chỉ carbon rừng, nhấn mạnh tiềm năng to lớn của thị trường carbon rừng trong việc mở rộng quy mô chi trả cho các dịch vụ khí hậu và môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
COP28 hối thúc hành động bảo vệ và phục hồi rừng, đất và biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO