Biến đổi khí hậu

Triển khai Điều 6 Thỏa thuận Paris: Phát huy tiềm năng thị trường các-bon

Khánh Ly 25/07/2024 - 09:38

(TN&MT) - Các quốc gia có thể chuyển giao kết quả giảm phát thải khí nhà kính (KNK) cũng như tín chỉ các-bon để đạt được mục tiêu giảm phát thải trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Điều 6 của Thỏa thuận Paris đưa ra khuôn khổ pháp lý để có thể công nhận kết quả chuyển giao này.

Mặc dù Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) gần nhất vẫn chưa đưa ra hoàn chỉnh các quy định của Điều 6, nhưng Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang nỗ lực hợp tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong nước liên quan đến vấn đề này.

anh-tin-5-copy.jpg
Ảnh minh họa

Đòn bẩy đạt mục tiêu khí hậu

Hiện nay, có 3 nhóm cơ chế tín chỉ các-bon chính đang được triển khai trên toàn thế giới. Trong đó, nhóm cơ chế quốc tế gồm các cơ chế tập trung trong khuôn khổ UNFCCC, như Cơ chế Phát triển sạch (CDM) và cơ chế Điều 6.4 của Thỏa thuận Paris. Nhóm cơ chế độc lập do các tổ chức độc lập, phi chính phủ phát triển, phổ biến là Verra, Tiêu chuẩn vàng, Quỹ hành động khí hậu... Cuối cùng là nhóm cơ chế nội địa do chính phủ/chính quyền các quốc gia/vùng lãnh thổ xây dựng, như Chương trình giảm phát thải KNK tự nguyện Thái Lan, Chương trình bù trừ tuân thủ của California, Quỹ Giảm phát thải Úc...

Trong các nhóm này cũng có thể phân loại theo hình thức cơ chế tự nguyện giảm phát thải, và cơ chế tuân thủ theo quy định của quốc gia, vùng lãnh thổ hay tổ chức. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, quy mô thị trường đến năm 2030 dự kiến có thể đạt 300 - 450 tỷ USD.

Điều 6 của Thỏa thuận Paris thiết lập một nền tảng thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương nhằm nâng cao mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các cơ chế thị trường và phi thị trường. Nói cách khác, hợp tác theo khuôn khổ của Điều 6 Thỏa thuận Paris cho phép các quốc gia trao đổi, chuyển giao kết quả giảm phát thải KNK được chứng nhận cũng như tín chỉ các-bon, nhằm đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải KNK trong NDC của các quốc gia thành viên.

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị COP21 năm 2015. Đây là hiệp ước quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý đối với vấn đề BĐKH toàn cầu, và các quốc gia sẽ thực hiện thông qua báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với các mục tiêu giảm phát thải cụ thể của mình.

Theo TS Phạm Bảo Ngọc - Trưởng nhóm khu vực Đông Nam Á, Trung tâm Đối tác thực hiện Điều 6 của Thỏa thuận Paris, Điều 6 của Thỏa thuận có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân tham gia quá trình khử các-bon toàn cầu. Nếu thực hiện hiệu quả, đến năm 2030, lượng giảm phát thải KNK toàn cầu có thể đạt từ 4 - 12 tỷ tấn CO2 (tương đương 10 - 40% lượng phát thải CO2 toàn cầu của lĩnh vực năng lượng năm 2018).

Trong đợt cập nhật NDC mới nhất, 122 quốc gia đã đề cập đến việc áp dụng Điều 6 Thỏa thuận Paris. Theo ông Muthukumara Mani - Chuyên gia kinh tế về biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới, các chính phủ đang ngày càng đưa các khuôn khổ tín chỉ vào như một phần trong hoạt động ứng phó với khí hậu của họ nhằm hỗ trợ cho hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và thuế các-bon. Đây cũng là một giải pháp thu hút tài chính quốc tế thông qua thị trường các-bon tự nguyện và giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào các thị trường tuân thủ quốc tế.

Chuẩn bị khuôn khổ pháp lý

Từ góc độ Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho rằng, hợp tác theo các cơ chế theo Điều 6 là những vấn đề rất mới không chỉ với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam mà còn đối với toàn cầu. Để thực hiện hiệu quả cần triển khai đồng thời nhiều giải pháp, bao gồm xây dựng thể chế, chính sách phù hợp với các quy định chung tại Điều 6 nhưng cũng cần phù hợp với điều kiện quốc gia.

Bên cạnh đó, cần áp dụng biện pháp điều chỉnh tương ứng trong trao đổi, bù trừ kết quả giảm phát thải KNK có thể chuyển trao quốc tế và tín chỉ các-bon. Điều này nhằm góp phần phát triển thị trường các-bon quốc tế và đảm bảo triển khai hợp tác theo Điều 6 Thỏa thuận Paris một cách minh bạch, kịp thời.

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia Sáng kiến quốc tế “Đối tác triển khai Điều 6 Thỏa thuận Paris (A6IP)”, do Nhật Bản khởi xướng trong khuôn khổ Hội nghị COP27. Đây là Diễn đàn giúp các nước thành viên tăng cường nhận thức về các quy định của Điều 6, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thể chế, chính sách thực hiện Điều 6. Với sự hỗ trợ của Sáng kiến, Việt Nam đang xây dựng phương pháp luận, xác định đường phát thải cơ sở phục vụ tính toán lượng giảm phát thải khí nhà kính và thiết kế thị trường các-bon đảm bảo tính toàn vẹn cao.

Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ Môi trường và văn bản dưới Luật đã đưa ra cơ sở pháp lý cho việc thực hiện công cụ định giá các-bon (bao gồm các chương trình mua bán khí thải và tín dụng các-bon theo Thỏa thuận Paris). Các công cụ định giá các-bon quốc tế như Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM) cũng như các tiêu chuẩn các-bon tự nguyện khác đã được áp dụng ngay từ giai đoạn đầu.

Bộ TN&MT cũng đã đánh giá vai trò của thị trường các-bon tự nguyện để có hướng dẫn rõ ràng hơn trong Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 về giảm phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn.

Ông Muthukumara Mani chia sẻ, Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ đánh giá tiềm năng của thị trường các-bon tự nguyện ở Việt Nam, có tính đến quy mô của khu vực tư nhân và mục tiêu NDC/phát thải ròng của quốc gia vào năm 2030 và 2050. Báo cáo sẽ cung cấp căn cứ về những thỏa thuận pháp lý, thể chế và hành chính nào cần thiết để sử dụng thị trường các-bon tự nguyện và tạo điều kiện phát triển các dự án tài chính các-bon tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Điều 6 Thỏa thuận Paris: Phát huy tiềm năng thị trường các-bon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO