Những kết quả bước đầu
Theo ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch hành động để triển khai thực hiện theo các nội dung của Nghị quyết số 120/NQ-CP và tổ chức triển khai sâu rộng đến các cấp, các ngành, quận, huyện, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nắm bắt và tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các nội dung về BĐKH vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cùng với đó, các Sở, ban, ngành TP. Cần Thơ cũng đã tập trung triển khai thực hiện rà soát quy hoạch đô thị, trình phê duyệt quy hoạch phân khu đối với các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Cái Răng; cập nhật định hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội và các tác động của môi trường, BĐKH trên địa bàn. Đồng thời, trên cơ sở đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, TP. Cần Thơ đã tổ chức lập và phê duyệt các quy hoạch xử lý chất thải rắn, thoát nước, cấp nước trên địa bàn.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Kiên, TP. Cần Thơ cũng quan tâm đầu tư nguồn lực cho các dự án ứng phó với BĐKH thuộc các lĩnh vực ngành nông nghiệp, thủy lợi, đô thị, phát triển TP. Cần Thơ tăng cường khả năng thích ứng đô thị, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt nội ô thành phố cũng như tăng cường năng lực đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng, nhất là khu vực nông thôn; tổ chức triển khai thực hiện dự án đánh giá lại khí hậu trên địa bàn thành phố làm cơ sở thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng hiệu quả với BĐKH, đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước, ứng phó xâm nhập mặn.
Ngoài ra, Sở TN&MT TP. Cần Thơ cũng đã triển khai lập dự án khoanh vùng nguồn nước cần bảo vệ; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Sở TN&MT TP. Cần Thơ còn đầu tư hệ thống quan trắc tự động nguồn nước mặt, nước ngầm để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chất lượng nguồn nước cũng như chủ động ứng phó tình trạng xâm nhập mặn trên địa bàn thành phố.
TP. Cần Thơ tập trung thực hiện các công trình, dự án nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH, nước biển dâng |
Tăng cường liên kết, phối hợp
Theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, với vai trò là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của vùng ĐBSCL, TP. Cần Thơ rất chú trọng đến công tác liên kết, phối hợp với các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng như cả nước. Trong đó, TP. Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng ĐBSCL thực hiện các hoạt động liên kết phát triển, tạo sự gắn kết giữa các địa phương. Đồng thời, TP. Cần Thơ cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác rà soát, xây dựng quy hoạch cấp vùng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, xác định danh mục dự án trọng điểm của vùng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông và thủy lợi liên vùng; xây dựng các chương trình, dự án của tiểu vùng liên quan đến BĐKH, an ninh nguồn nước.
Cùng với đó, mối liên kết, hợp tác giữa TP. Cần Thơ với các tỉnh, thành phố trong cả nước và với các viện, trường không ngừng được cải thiện, nâng cao hiệu quả. Theo đó, các lĩnh vực liên kết, hợp tác tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực về công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại - dịch vụ, tài nguyên và môi trường, quốc phòng - an ninh. Trong đó, nổi bật là mô hình liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL theo Quyết định số 492/QĐ-TTg, ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ; liên kết phát triển vùng ĐBSCL theo Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ; và liên kết phát triển vùng Tứ giác Long Xuyên theo định hướng của Trung ương.
Thông qua hoạt động phối hợp, liên kết phát triển bước đầu cho thấy đã tạo sự gắn kết giữa TP. Cần Thơ với các địa phương vùng ĐBSCL; đồng thời, tạo được sự gắn kết phối hợp chặt chẽ trong công tác rà soát, xây dựng quy hoạch cấp vùng theo quy định của Luật Quy hoạch; xây dựng và ban hành hệ thống cơ sở dữ liệu vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL; xác định danh mục công trình, dự án trọng điểm của vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
TP. Cần Thơ đang đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH |
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho rằng, mặc dù việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với BĐKH trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, song, hiện nay tình hình BĐKH ngày càng tác động và diễn biến khó lường, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, thiếu nước ngày càng nghiêm trọng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển, tăng trưởng, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân địa phương. Ngoài ra, một bộ phận người dân hiểu biết về tác động của BĐKH đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt còn hạn chế, từ đó làm cho khả năng thích nghi, ứng phó với BĐKH trên địa bàn chưa đạt hiệu quả cao.
Nhằm ứng phó với các tác động từ BĐKH, giúp TP. Cần Thơ phát triển bền vững thích ứng với BĐKH trong thời gian tới, Sở TN&MT TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành tổ chức rà soát các quy hoạch, lập Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cải cách các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều dự án có quy mô lớn áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao thích ứng với BĐKH; hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng ĐBSCL để phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh.
Cùng với đó, Sở TN&MT TP. Cần Thơ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân về tác động của BĐKH đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt. Qua đó, huy động tốt hơn nữa sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Sở TN&MT TP. Cần Thơ sẽ cùng các cơ quan, đơn vị và các quận, huyện trên địa bàn thành phố tiếp tục nỗ lực cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với BĐKH; phát huy sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH và sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế; thực hiện hiệu quả công tác lồng ghép ứng phó với BĐKH trong các kế hoạch, quy hoạch theo quy định.