Kinh tế

Nâng tầm hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM và ĐBSCL

Hà Duyên 29/11/2024 - 13:59

Mặc dù tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành ĐBSCL rất lớn nhưng kết quả hơn một năm qua vẫn chưa được nhiều.

Ngày 29/11, tại TP. Cần Thơ, UBND TP.HCM phối hợp với UBND 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023-2024 và triển khai kế hoạch năm 2024-2025.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc hợp tác kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023-2024 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

img-20241129-09170020241129092834.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị. Ảnh TBNH

Cụ thể, với lĩnh vực kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư, Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức thành công Hội nghị Kết nối cung - cầu tập trung giữa TP.HCM và các tỉnh, thành. Đáng chú ý, năm 2023 hơn 300 gian hàng đặc sản địa phương từ các doanh nghiệp tại 13/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã có mặt tại TP.HCM để kết nối cung cầu. Hiện nay các hệ thống phân phối đang đẩy mạnh tìm kiếm, tương tác nhà cung cấp, tìm hiểu sản phẩm trên nền tảng này.

Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” cũng đã tạo cơ hội kết nối cho các địa phương quảng bá sản phẩm đặc trưng vùng miền, phát huy giá trị kinh tế, từ đó nâng giá trị thương hiệu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành.

Với lĩnh vực hạ tầng giao thông, TP.HCM đã cùng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức tọa đàm về các chuyên đề kết nối giao thông liên vùng. Triển khai tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng đường thủy từ huyện Cần Giờ - TP.HCM đi thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông - tỉnh Tiền Giang và ngược lại.

Đối với tuyến sông Chợ Đệm - Bến Lức, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nạo vét luồng, xây dựng kè bảo vệ bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức (đoạn từ km 18+150 đến km 22+950).

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải thành phố cũng phối hợp tham mưu điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

Trong lĩnh vực du lịch, TP.HCM đã xây dựng các chương trình du lịch liên kết với ĐBSC nhằm trải nghiệm du lịch sông nước. Tổ chức các Famtrip giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng của Thành phố đến 50 doanh nghiệp du lịch – lữ hành tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.

Mặc dù các chương trình hợp tác đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, song theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, những kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Một số nội dung, lĩnh vực mới chỉ dừng lại ở bước khởi động, nghiên cứu hoặc đề xuất. Điển hình như lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số chỉ mới xây dựng được khung nền tảng (các website). Hay như lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, việc nghiên cứu luồng tuyến nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác tuyến giao thông đường thủy kết nối TP.HCM với Bến Tre, Cà Mau vẫn còn ùn tắc thường xuyên.

Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn các tỉnh, thành phố sẽ cùng phân tích, trao đổi một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, liên kết. “Các đồng chí lãnh đạo các địa phương, đại diện các doanh nghiệp, các đại biểu, làm sao chỉ ra những trọng tâm, những cách thức hiệu quả để việc hợp tác thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của ĐBSCL và TP.HCM”, ông Phan Văn Mãi mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM và ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO