Thừa Thiên Huế: Đất rừng sản xuất được nhà nước cấp bỗng bị lấn chiếm?

20/11/2018 10:09

(TN&MT) - Ông Vinh cảm thấy bức xúc vì phần đất rừng sản xuất của mình bị người khác đốt phá, lấn chiếm... dù đất đã được nhà nước cấp từ lâu.

Phần đất được cho là lấn chiếm của gia đình ông Vinh
Phần đất được cho là lấn chiếm của gia đình ông Vinh

Vừa qua, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường nhận được phản ánh của ông Võ Quang Vinh (trú tại thôn 4, xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) về việc phần đất rừng của gia đình ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) nhưng vẫn bị người khác tranh chấp, lấn chiếm.

Ông Vinh thông tin, cách đây hàng chục năm, gia đình ông cùng một số hộ dân khác làm đơn xin giao đất để trồng rừng ở khu vực thôn Đồng Tân, xã Phú Sơn, huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy).

Việc này được thực hiện theo Thông tư số 8/VP ngày 28/5/1989 về việc hướng dẫn thi hành nghị định 170, 171- HĐBT về các chính sách khuyến khích và phát triển sản xuất lâm nghiệp đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, Thông tư liên Bộ LN - Tổng cục quản lý ruộng đất số 01- TT/LB ngày 6/2/1991 về giao đất để trồng rừng.

Sau khi nhận được đơn xin cấp đất để trồng rừng phủ xanh đồi trọc, đất trống, ngày 4/12/1990, UBND huyện Hương Thủy đã ký quyết định cấp giấy nhận cho ông Võ Quang Vinh được quyền sử dụng rừng - đất rừng để quản lý và kinh doanh Nông - Lâm nghiệp. Tổng diện tích được cấp là 13,20 ha, tại vị trí lô số 12. Mục đích để trồng cây lâm nghiêp và thời gian sử dụng là 30 năm (từ ngày 1/8/1991đến 1/8/2021).

Tương tự, năm 1991, vợ ông Vinh là bà Trần Thị Ngọc Tuyết cũng được huyện Hương Thủy cấp giấy CNHQSD đất với diện tích đất rừng là 10ha, tại vị trí lô số 13, thời gian sử dụng là 30 năm. Như vậy, tổng diện tích đất rừng mà hộ gia đình ông Vinh được cấp và có quyền sử dụng là 23,20ha.

“Từ năm 1991 đến năm 2007, gia đình tôi vừa bảo vệ rừng, vừa trồng cây sản xuất tăng thêm thu nhập cho gia đình. Suốt bao nhiêu năm canh tác chưa để xảy ra tình trạng cháy rừng mà luôn giữ một màu xanh tươi mát...”- ông Vinh nói.

Hiện cây cối ở phần đất tranh chấp phát triển tốt...
Hiện cây cối ở phần đất tranh chấp phát triển tốt...

Tuy nhiên, đến năm 2007, ông Nguyễn Văn Lộc trú tại xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy bỗng đến tranh chấp và cho rằng phần đất mà gia đình ông Vinh đang trồng cây này là của gia đình ông vì đã được UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ vào ngày 10/5/1994 nên ông đã lấy lại và tiến hành trồng rừng.

“Chúng tôi được cấp, giao có sơ đồ và diện tích, hình thể, sử dụng liên tục từ đó cho đến khi xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, khi mới xảy ra tranh chấp thì họ đã tự ý nhổ cây của tôi và cho người đến hăm dọa, việc này tôi đã báo lên chính quyền xã Phú Sơn nhưng chính quyền vẫn bất lực” - ông Vinh phân trần.

Cũng theo ông Vinh, ông đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhiều lần, sự việc diễn ra hàng chục năm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến gia đình ông bị ảnh hưởng nhiều đến đời sống vật chất cũng như tinh thần...

Được biết, giấy CNQSD đất rừng của vợ chồng ông Vinh được cấp năm 1991 do ông Nguyễn Đình Đấu - Phó chủ tịch UBND huyện Hương Thủy ký quyết định. Trong khi đó giấy CNQSD đất rừng được cấp năm 1994 của ông Nguyễn Văn Lộc thì ông Đấu cũng chính là người ký quyết định, thời điểm đó ông Đấu đã giữ chức Chủ tịch UBND huyện.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trọng Cường - cán bộ địa chính xây dựng xã Phú Sơn cho rằng, sự việc đã xảy ra từ lâu và chính quyền xã cũng đã mời 2 hộ ông Vinh và ông Lộc lên giải quyết theo hướng “hòa giải”, có sự chứng kiến của UBND xã. Tuy nhiên, hai bên không tìm được tiếng nói chung nên xã cũng đã hướng dẫn ông Vinh làm đơn khởi kiện ra tòa.

“Việc này khó xử lý là ở chỗ, trong giấy CNQSDĐ của ông Vinh thì hình vẽ bản đồ không được rõ ràng, nên khó xác định phần đất của ông Vinh có nằm trong tranh chấp hay không...” - ông Cường nói.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Đất rừng sản xuất được nhà nước cấp bỗng bị lấn chiếm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO