Thôn Thống Nhất (huyện Ứng Hòa, Hà Nội): Cả làng sống cùng nguồn nước ô nhiễm

12/05/2015 00:00

(TN&MT) - Hàng chục năm nay, người dân thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo lắng vì nguồn nước nơi đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Sống chung với ô nhiễm

Người dân thôn Thống Nhất tỏ ra vô cùng bức xúc trước tình trạng nguồn nước đang ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất của người dân nơi đây. Điều làm người dân sợ hãi hơn nữa là làng lọt vào “top 10 làng có tỉ lệ ung thư cao nhất cả nước”.

Theo khảo sát của PV, làng Thống Nhất là một trong năm thôn của xã Đông Lỗ có vị trí khá xa trung tâm. Bao bọc bốn bề là 3 nhánh của dòng sông Nhuệ hiện đã bị ô nhiễm nặng nề. Đi qua cây cầu xây tạm bắc qua sông để vào làng dễ dàng nhận thấy một màu nước đen ngòm cùng với các loại rác thải ở hai bên bờ sông với mùi hôi thối nồng nặc. Được biết, đây vẫn là nguồn nước chính mà người dân nơi đây bơm trực tiếp vào cánh đồng làng để canh tác nông nghiệp nhiều năm nay.

Mương dẫn nước vào nội đồng sủi bọt trắng xóa
Mương dẫn nước vào nội đồng sủi bọt trắng xóa

Trao đổi với PV Báo TN&MT, Ông Nguyễn Trí Thức, trưởng thôn Thống Nhất cho biết, thông tin người dân nơi đây mắc bệnh và chết vì các bệnh ung thư là có thật. Năm 2014, cả thôn có 347 hộ( 1.200 khẩu) nhưng có tới 11 người chết trong đó có 5 người chết vì ung thư, đa phần dưới 50 tuổi. Thế nhưng địa phương cũng chưa biết nguyên nhân do đâu mà chỉ nhận định đó là do dòng sông Nhuệ chảy qua địa bàn thôn bị nhiễm Asen quá nặng.

Vẫn theo ông Thức, thôn cũng nhiều lần làm đơn phản ánh lên các cơ quan chính quyền và cũng đã có nhiều đoàn về khảo sát, kiểm tra tìm nguyên nhân nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác khiến người dân thôn Thống  Nhất luôn sống trong nỗi hoang mang, sợ hãi.

Nước bị ô nhiễm nặng khi thử với nước chè
Nguồn nước tại thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ bị ô nhiễm nặng

Chị Nguyễn Thị Nga sống ở số nhà 28, thôn Thống Nhất sống ở ngay đối diện con mương dẫn nước từ sông Nhuệ chảy vào, hàng chục năm nay ngày nào nhà chị cũng phải chịu đựng mùi hôi thối từ con mương bốc lên, nước ở đây có màu đen đặc sánh, ai đi qua cũng phải bịt mũi nhất là những ngày nắng nóng mùi nồng từ  con sông bay vào trong làng không thể ngửi được.

Trạm bơm Mạnh Tân số 3 đang bơm nước từ sông Nhuệ vào phục vụ canh tác nông nghiệp
Trạm bơm Mạnh Tân số 3 đang bơm nước từ sông Nhuệ vào phục vụ canh tác nông nghiệp

Một người dân khác cũng sống ở làng chia sẻ, nước ở đây đã bị ô nhiễm kinh khủng lắm rồi, đến gà, vịt cũng không dám thả ra mương. Vì xã chưa có nước máy nên nguồn nước dùng ăn uống, sinh hoạt chủ yếu là nước mưa. Số còn lại dùng nước giếng khoan nhưng mức độ ô nhiễm cũng tương đối cao. Chỉ có tưới tiêu ruộng đồng là vẫn phải dùng nước bơm từ nhánh sông Nhuệ lên, biết là ô nhiễm nhưng không có cách nào khác.

Được biết, toàn xã Đông Lỗ có khoảng 500ha đất sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước để phục vụ canh tác chủ yếu lấy từ sông Nhuệ. Mỗi lần đổ ải vào đồng ruộng nguồn nước ô nhiễm nổi bọt trắng xóa đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng và sức khỏe của người dân.  

Chính quyền bó tay?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Tuyên– Đại diện cán bộ địa chính xã Đông Lỗ cho biết, vấn đề nguồn nước ô nhiễm đã có từ rất lâu, đến nay thì xã cũng nhiều lần đề nghị phản ánh lên trên xây dựng nhà máy nước sạch cho dân dùng nhưng vẫn chưa được giải quyết. Giải pháp trước mắt là lãnh đạo xã phát động phong trào tuyên truyền cho dân xây bể lọc, bể chứa nước để sinh hoạt chứ không được dùng trực tiếp nguồn nước từ giếng khoan.

Còn theo Ông Đinh Quang San – Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ, nguồn nước tại thôn Thống Nhất đang bị ô nhiễm nặng, tuy nhiên không riêng gì thôn này mà dọc trục sông Nhuệ cũng có rất nhiều thôn làng khác trong tình trạng tương tự. Xã cũng nhiều lần đón các đoàn về lấy mẫu nước để làm xét nghiệm, nghe nói nước bị nhiễm asen nặng nhưng chúng tôi chưa có biện pháp nào để giúp bà con khắc phục tình trạng này ngoài tuyên truyên bà con sử dụng bể chứa nước mưa, bể lọc nước.

Cũng theo ông San, hiện nay, trên địa bàn xã có 250/1715 hộ (14,5%) là có thiết bị lọc nước, số hộ mua nước bình lọc ăn uống là 120/1715 hộ (6,9%), số hộ sử dụng nước giếng khoan, nước mưa đạt 100% - Ông San nói.

Thúy Dung

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thôn Thống Nhất (huyện Ứng Hòa, Hà Nội): Cả làng sống cùng nguồn nước ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO