(TN&MT) - Mặc dù chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng và chưa có báo cáo đánh giá tác động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Thế nhưng xưởng sản xuất vật liệu gỗ công nghiệp và nội thất xuất khẩu Xuân Phú tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã ngang nhiên xây dựng công trình trái phép. Không những xây dựng trái phép mà thậm chí còn xẻ cả đất rừng chở đi bán san lấp khắp nơi trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân.
Có mặt tại xưởng sản xuất vật liệu gỗ công nghiệp xã Xuân Phú. Khu vực này là một quả đồi rộng lớn với diện tích khoảng 5.000m2, được hạ thấp mặt bằng từ 3 đến 4m. Toàn bộ đất đồi hạ thấp mặt bằng rồi chở đi bán san lấp khắp nơi trên địa bàn, để thu lợi bất chính từ tài nguyên quốc gia. Tại đây đã xây dựng nhà điều hành và đang tiến hành chôn cọc để xây dựng nhà xưởng sản xuất.
Có mặt tại xưởng sản xuất vật liệu gỗ công nghiệp xã Xuân Phú. Khu vực này là một quả đồi rộng lớn với diện tích khoảng 5.000m2, được hạ thấp mặt bằng từ 3 đến 4m. Toàn bộ đất đồi hạ thấp mặt bằng rồi chở đi bán san lấp khắp nơi trên địa bàn, để thu lợi bất chính từ tài nguyên quốc gia. Tại đây đã xây dựng nhà điều hành và đang tiến hành chôn cọc để xây dựng nhà xưởng sản xuất.
Theo tìm hiểu của PV, xưởng sản xuất vật liệu gỗ công nghiệp xã Xuân Phú là của công ty TNHH Triệu Thái Sơn. Khu vực này là đất của hộ gia đình ông Phạm Đình Thắng thuộc thôn Hố Dăm, xã Xuân Phú là loại đất ở và đất rừng sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Được biết, ngày 30/1/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 1236/UBND-THKH về việc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan làm rõ công suất chế biến và nguồn nguyên liệu cung cấp cho dự án Xưởng sản xuất vật liệu gỗ công nghiệp và nội thất xuất khấu Xuân Phú; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét việc đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Trong biên bản kiểm tra thực địa của các sở, ban ngành về địa điểm đầu tư dự án xưởng sản xuất vật liệu gỗ công nghiệp và nội thất xuất khẩu Xuân Phú cho thấy: Phạm vi khu đất được xác định một phần thửa đất số 6 tờ bản đồ số 19, một phần thửa số 7, 25, 46 tờ số 18, bản đồ địa chính xã Xuân Phú, tỷ lệ 1/2000, đo vẽ năm 2005. Diện tích dự án khoảng 9.000m2. Nguồn gốc hiện trạng khu đất, một phần là đất rừng sản xuất của các hộ gia đình cá nhân, một phần là đất trồng cây hàng năm khác thuộc quỹ đất công ích của UBND xã Xuân Phú.
Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của huyện Thọ Xuân được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 531/QĐ-UBND ngày 25/2/2014, vị trí khu đất có chức năng là đất rừng sản xuất.
Như vậy, khu vực trên là đất rừng sản xuất. Mặc dù đơn vị chưa được UBND tỉnh chấp thuận chủ chương đầu tư dự án xưởng sản xuất vật liệu gỗ công nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất và công tác bảo vệ môi trường, nhưng đã ngang nhiên đưa xe cộ, máy móc vào san lấp mặt bằng, vận chuyển đất đi bán và đã tiến hành xây dựng nhà điều hành, xưởng dăm gỗ trái phép. Thế nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng nào kiểm tra hay xử lý?
Một hộ dân sống ở thôn Hố Dăm, xã Xuân Phú cho biết: Xưởng dăm gỗ này là của gia đình ông Thắng, tôi thấy họ tiến hành đào đất để xây dựng từ năm ngoái. Ở đây chủ yếu là họ lấy đất đem đi bán, khu vực đồi cao trồng keo xanh tốt là đất rừng, chẳng hiểu sao địa phương lại cho họ chặt phá cây để đào đất chở đi bán, làm ô nhiễm môi trường lắm. Trời mưa thì đất rơi vãi đỏ quạch, trời nắng thì bụi mù mịt. Chúng tôi phản ánh lên xã nhưng chẳng thấy họ xử lý đâu.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Thanh Sơn - Cán bộ địa chính xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân cho biết: Khu vực đang xây dựng xưởng sản xuất vật liệu gỗ công nghiệp là của hộ gia đình ông Phạm Đình Thắng thuộc thôn Hố Dăm, đây là một phần đất ở và đất rừng sản xuất. Hiện tại gia đình đang trong quá trình làm hồ sơ nhưng đã tiến hành san lấp và xây dựng là chưa đủ điều kiện. Còn việc khai thác đất chở đi bán xã đã kiểm tra và xử lý rồi. Tới đây địa phương sẽ có biện pháp dừng lại ngay việc san lấp và xây dựng chờ hoàn thiện đầy đủ các thủ tục mới được làm.
Trong Thông báo số 76/TB - UBND ngày 17/05/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì có 26 cơ sở băm dăm gỗ trái phép trên địa bàn. Yêu cầu tháo dỡ nhà xưởng và các loại máy móc thiết bị. UBND các huyện có xưởng dăm gỗ trái phép nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ những sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng, có hình thức xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân liên quan theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh.
Trong lúc tỉnh đang yêu cầu tháo dỡ các xưởng sản xuất dăm gỗ trái phép và dừng mọi hoạt động liên quan đến việc thu mua nguyên liệu và sản xuất dăm gỗ. Thì tại xã Xuân Phú vẫn tiếp tục xây dựng xưởng sản xuất vật liệu gỗ công nghiệp mà không có phép?
Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan, ban, ngành liên quan nhanh chóng kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trên.