Tư vấn pháp luật

Lập vi bằng để mua bán nhà đất là trái quy định pháp luật

Báo TN&MT 08/03/2024 - 14:17

(TN&MT) - Hiện nay, trong giao dịch mua bán nhà đất, một số người dân đến Văn phòng thừa phát lại để lập vi bằng. Tuy nhiên, việc lập vi bằng để mua bán nhà đất là vi phạm quy định của pháp luật và người mua sẽ chịu nhiều rủi ro.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn (Đắk Nông) hỏi: Năm 2020, được người quen giới thiệu, vợ chồng tôi có về quê và mua một mảnh đất ở Sơn Tây, Hà Nội. Khi mua, đất chưa có sổ, thông qua môi giới, vợ chồng tôi và người bán đã ra Văn phòng thừa phát lại để lập vi bằng. Xin hỏi, việc lập vi bằng có hợp pháp không? Bây giờ, chúng tôi muốn làm sổ cho mảnh đất trên có được không?

Câu hỏi của bạn được tư vấn như sau:

Vi bằng là gì? Có giá trị ra sao?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định, vi bằng không thể thay thế được văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Giá trị của vi bằng chỉ được dùng được coi là bằng chứng, nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; căn cứ để xác lập giao dịch giữa các cơ quan, cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật.

z5229003298943_6b355f5be47bce5836f2b0483c3819ec.jpg
Lập vi bằng để mua bán nhà đất là vi phạm quy định của pháp luật

Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp không được lập vi bằng, quy định rõ: “Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính”.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 8 Điều 32 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Thừa phát lại lập vi bằng mua bán nhà đất có thể bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đồng và bị tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại từ 6 tháng đến 9 tháng Do vậy việc lập vi bằng để mua bán nhà đất là vi phạm quy định cấm của pháp luật.

Mua nhà đất vi bằng có làm sổ đỏ được không?

Như quy định trên, vi bằng chỉ xác nhận có sự kiện giao dịch xảy ra trên thực tế và chỉ có giá trị là bằng chứng để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra mà không có giá trị pháp lý về việc xác lập giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Do vậy, mua nhà đất vi bằng vi bằng sẽ không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Đồng nghĩa, việc mua nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng sẽ không được cấp sổ đỏ.

Để thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cá nhân, hộ gia đình cần phải đáp ứng được một trong các trường hợp quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013, Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hoặc thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 101 Luật Đất đai 2013; có đầy đủ văn bản pháp lý hợp pháp thể hiện qua hợp đồng mua bán, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất được công chứng, chứng thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập vi bằng để mua bán nhà đất là trái quy định pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO