Vĩnh Phúc: Phát triển nông nghiệp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính
Xác định trồng trọt hữu cơ là mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút, khuyến khích nhà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sinh thái và sức khỏe nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 14 tháng 12 năm 2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tích hợp đa giá trị gắn kết với thị trường tiêu thụ; thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Trong đó, riêng lĩnh vực trồng trọt, tỉnh ưu tiên phát triển sản phẩm chủ lực, gồm: Rau, củ, quả an toàn các loại; trồng cây ăn quả như thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng, bưởi, cây dược liệu. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị, tuần hoàn; xây dựng thương hiệu cho các nông sản đặc hữu cho từng vùng, địa phương; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số và dữ liệu số trong phát triển nông nghiệp. Ưu tiên phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với các sản phẩm có lợi thế về điều kiện địa lý và thị trường tiêu thụ; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, diện tích cây trồng hằng năm của tỉnh có xu thế giảm dần. Cụ thể, nếu năm 2016, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm là 95.930 ha thì đến năm 2021 là 85.680 ha và hết năm 2023 là 84.500 ha. Dù diện tích giảm nhưng với việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng và mùa vụ theo hướng hàng hóa… ngành trồng trọt luôn khẳng định là mũi nhọn của nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc. Các sản phẩm trồng trọt đã bảo đảm tốt nhu cầu lương thực, thực phẩm của Nhân dân trong tỉnh, với năng suất của hầu hết các loại cây trồng năm sau đều cao hơn năm trước, như: Năm 2023, cây lúa tăng xấp xỉ 12%, cây ngô tăng 3,7%, rau các loại tăng 15,8%; sản lượng lương thực có hạt đạt 354.300 tấn, tăng gần 8,8% so với năm 2022. Qua đó, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,3% so với năm 2022.
Đặc biệt, với tư duy nhạy bén và chủ động nắm bắt định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã đưa nhiều giống lúa, cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, hình thành các vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tính đến nay, cả tỉnh đã hình thành được trên 4.800 ha vùng sản xuất rau an toàn tại 71 xã, phường, thị trấn. Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã hỗ trợ cho 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt; 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, trong đó có 19 cơ sở sản xuất rau, quả. Nhiều mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ được hình thành, phát triển, mang lại thu nhập cao cho các hộ dân như: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ với 10 ha tại huyện Lập Thạch; mô hình trồng dưa lê theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Dương; trồng lúa gạo theo hướng hữu cơ tại các huyện: Tam Dương, Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch; mô hình trồng rau su su theo hướng hữu cơ tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo.
Thúc đẩy trồng trọt phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành được 12 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả, gồm: Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp WinEco Tam Đảo, Công ty cổ phần Nông - Lâm nghiệp Vĩnh Hưng, Công ty TNHH Sản xuất và Phân phối nông sản sạch OFP, Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Tâm Đức; HTX Sản xuất rau an toàn Thanh Hà, HTX Rau an toàn 3 cây, HTX Nông nghiệp Đại Lải, HTX Rau an toàn Đại Lợi, HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Kinh doanh nông sản An Hòa, HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc, HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh, HTX Rau an toàn ViSa.
Hướng tới mục tiêu phát triển trồng trọt theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 59 về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 0,6 - 0,8%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt từ 8 - 10%/năm. Bảo đảm tưới chủ động cho trên 85% diện tích đất chuyên trồng lúa và 70% diện tích cây trồng trên cạn. Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) là 10 - 15%, trồng trọt hữu cơ 2%. Đến năm 2050, trồng trọt trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với ngành công nghiệp chế biến nông sản…
Cụ thể hóa chiến lược này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương nghiên cứu, xây dựng, phát triển sản xuất lúa ở vùng quy hoạch tập trung theo hướng đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi; giữ ổn định 23.593 ha đất chuyên trồng lúa, sản lượng trên 252.000 tấn thóc, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.
Tập trung xây dựng các vùng sản xuất rau chuyên canh ở các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô; hình thành các chuỗi liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ rau tại các địa phương, vùng có sản lượng rau lớn. Ưu tiên phát triển vùng trồng ngô tại các địa phương có vùng đất bãi, như: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô. Phát triển một số cây ăn quả có lợi thế, có thị trường tiêu thụ như: Chuối, thanh long, bưởi...tại các huyện: Lập Thạch, Sông Lô, Vĩnh Tường, Yên Lạc; phát triển nhanh các vùng sản xuất an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Ưu tiên mở rộng diện tích một số loại cây dược liệu chính như trà hoa vàng, ba kích, sa nhân, khôi nhung... tại huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô và thành phố Phúc Yên. Tiến hành chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhất là tại thành phố Phúc Yên và các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Đảo.
Phát triển trồng trọt theo hướng xanh, tuần hoàn, hữu cơ là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh tiếp tục có xu hướng giảm trong các năm tới để nhường đất cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là tiền đề quan trọng để từng bước hiện thực hóa mục tiêu Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.